THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:02

TP.HCM: Cải thiện xe buýt thân thiện và nhân văn hỗ trợ NKT hòa nhập

Nhằm thúc đẩy hỗ trợ NKT hòa nhập thông qua khuyến khích NKT sử dụng xe buýt công cộng trong sinh hoạt hàng ngày một cách tiện lợi và bình đẳng như những công dân khác, đồng thời vận động thúc đẩy cải thiện hệ thống xe buýt, nhà chờ, kỹ năng hỗ trợ hành khách có nhu cầu đặc biệt, Trung tâm DRD tổ chức hội thảo “Thúc đẩy hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập xã hội thông qua việc đầu tư hệ thống xe buýt thân thiện và nhân văn”, vào ngày 22/11, tại TP HCM.

Theo Tổng cục thống kê, tính đến năm 2010 TP HCM có 44.325 NKT. Con số này thật sự rất lớn, và đa số họ chưa thể tiếp cận được xe buýt vì nhiều lí do, có thể kể đến như xe buýt tiếp cận với NKT chưa nhiều, đa số các nhân viên xe buýt chưa biết cách hỗ trợ NKT lên xuống xe, một số nhân viên xe buýt tỏ ra kì thị với NKT khi họ sử dụng xe buýt khiến cho NKT thêm tự ti và không muốn sử dụng xe buýt, nhà chờ xe buýt không được xây dựng có lối chờ cho xe lăn, hoặc các tín hiệu thông báo cho người khiếm thị, khiếm thính,...

Trở ngại từ cơ sở hạ tầng

Chia sẻ tại hội thảo, các đại biểu NKT cho biết, tuy đã được phát thẻ xe buýt miễn phí nhưng không thường xuyên sử dụng phương tiện này vì mỗi khi tham gia đã gặp không ít những khó khăn, trở ngại.

Đại biểu NKT chia sẻ tại Hội thảo

Em Dương Lan – học sinh khiếm thị tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề tạo việc làm cho người tàn tật TP HCM cho biết, vì em không nhìn thấy nên việc tìm được một trạm xe buýt rất khó khăn nếu như không nhờ người đi đường chỉ và dẫn đường giúp. Khi đã đến đúng trạm, nếu không có ai đứng chung với em đón xe thì em cũng khó mà đón được tuyến xe mình muốn đi; có xe thì bỏ trạm không dừng lại, có xe thì dừng và lái xe hoặc tiếp viên hỏi đi đâu, nếu đúng tuyến cần đi thì em sẽ bước lên xe, cũng có những trường hợp xe dừng cách xa vị trí của em mà em chạy đến cửa xe không kịp thì xe cũng bỏ.

Em Nguyễn Văn Nam, một NKT vận động cho rằng những trở ngại trong việc tiếp cận xe buýt đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống và cơ hội làm việc của mình, như việc nhà chờ xe không có chỗ để xe lăn có thể di chuyển nên cứ phải đứng dưới lòng đường để chờ xe, mỗi khi xe buýt vào đón khách thì xe buýt thường áp sát vào nhà chờ nên rất nguy hiểm. Ngoài ra, xe buýt thường có bậc thang lên xuống mà NKT họ đi xe lăn mà xe lăn thì không thể nào lên xuống cầu thang được nếu như không có người giúp đỡ.

Trở ngại từ sự kì thị

Với những NKT thì ngoài những khó khăn về cơ sở hạ tầng, trở ngại lớn nhất khi họ tiếp cận xe buýt chính là thái độ kì thị của những nhân viên soát vé.

Hương Thảo, một sinh viên KT chia sẻ câu chuyện của mình trong sự bức xúc, em kể, có lần khi nhờ người đón giúp xe xong, khi leo lên xe thì em nghe anh phụ xe nói một câu như thế này: “Xe đã ế rồi mà lại gặp mày nữa, vậy mà cứ tưởng ai không à.” Khi nghe anh ta nói như thế em cảm thấy thật buồn và có trả lời anh ta là nếu anh nói thế thì cứ cho em trả tiền như bình thường, chứ anh không cần phải nói như thế làm đau lòng người khác lắm. Lúc ấy cũng có một vị khách đi trên xe hỏi anh ta tiền vé của em bao nhiêu để họ trả giúp. Nhưng anh ta không nhận và anh ta nói mấy đứa này được miễn, nên có cho vàng tôi cũng không dám lấy. Thế rồi em mới nói tiếp với anh ta: “Tuy là được miễn nhưng anh thấy không thoải mái và cảm thấy phiền thì cứ thu tiền như bình thường chứ không cần phải nói những lời khó nghe như vậy đâu”.

Lê Trung Kiên, một sinh viên KT vận động đi xe lăn, hiện đang học tại trường Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, là một sinh viên nên nhu cầu đi xe buýt của em rất lớn. Có lẽ mỗi chuyển đi của em là một kỉ niệm khó quên. Và em cảm thấy khó khăn lớn nhất là ở thái độ của nhân viên xe buýt. Có rất nhiều lần em đợi ở bến xe buýt và bị bỏ lơ như không nhìn thấy. Bởi em là NKT. Cái đó chưa đáng nói bằng chuyện dịp hè em cùng bạn đi tiếp sức mùa thi vào khoảng 5h30 sáng từ KTX khu A ra Suối Tiên.

Em nhớ đó là xe buýt số 8. Thái độ của cô nhân viên rất đáng lên án. Cô giục giã bắt bạn em bế em lên nhanh. Bạn bế em lên bỏ chiếc cặp bên cạnh để em khỏi ngã rồi chạy vội xuống khiêng xe lăn lên. Bạn ấy đang dựng cho xe chắc chắn chưa kịp đến chỗ ngồi thì cô nhân viên kia la lối "chiếc cặp ai đây". Bạn em vội lại lấy chiếc cặp. Rồi ngồi cạnh em cô ấy nhìn với ánh mắt kì thị "tính chiếm chỗ à. Còn dành chỗ cho ai nữa". Rồi cô đi xuống gần chiếc xe lăn lắc mạnh chiếc xe lăn" để vậy xước hết xe buýt" rồi lại lấy tiền cả 2 như là bọn em là một người phạm tội vậy. Lúc đó bạn em không chịu được nên đã đưa em xuống và đi xe khác. Thật sự NKT đã rất khó khăn khi ra ngoài vậy mà còn gặp những trường hợp như vậy làm cho rào cản của NKT càng lớn hơn. Dù là NKT nhưng chúng em cũng có công việc và học tập đúng giờ quan trọng nhưng có những chuyền xe chúng em vẫy họ không đón mà lại nói đợi xe có thiết kế cho xe lăn rồi lên. Nhưng chắc gì các xe ấy cho chúng em lên. Với lại mấy tuyến em cần đi không có xe hỗ trợ xe lăn thì sao. Chúng em phải đợi đến khi nào ạ?

Nhưng bên cạnh những nhân viên e nhắc trên cũng có những xe có người nhân viên rất tốt. Họ hỗ trợ em rất nhiệt tình và chu đáo. Những chuyển đi như vậy làm cho những người khuyết tật như em thấy ấm lòng. Em rất mong các cô chú nhân viên xe buýt và các hành khách xe buýt hãy mở lòng với chúng em những NKT để chúng em tiếp cận được với giao thông công cộng. Đây cũng là tiền đề để chúng em tự tin đi ra và hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Cam kết cải thiện hình ảnh và nâng cao chất lượng dịch vụ

Tại hội thảo Các đại biểu, đặc biệt là đại biểu KT đã đưa ra rất nhiều đề xuất nhằm khắc phục những khó khăn, trở ngại khi NKT sử dụng phương tiện xe buýt như: cần nhân rộng việc lắp đặt hệ thống loa nhắc trạm cho hành khách tại nhà chờ và trên xe, thời gian dừng xe cho NKT ưu tiên lâu hơn, cần thay đổi cách ứng xử với NKT,...

Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết, trong những năm qua ngành GTVT TP. Hồ Chí Minh cũng đã có rất nhiều nỗ lực nhằm hỗ trợ NKT hòa nhập cộng đồng, đã ban hành quyết định số 31/QĐ-SGTVT điều chỉnh quy trình cấp thẻ đi xe buýt miễn phí đối với người khuyết tật với trình tự và thủ tục đơn giản hơn, thời gian cấp thẻ cũng được rút ngắn hơn. Tính đến nay Sở GTVT đã cấp được 11.017 thẻ đi xe buýt miễn phí cho đối tượng là người khuyết tật, thương binh, bệnh binh và những người được hưởng chính sách như thương binh.

Tuy nhiên tỷ lệ NKT tham gia sử dụng xe buýt không nhiều trên địa bàn thành phố, điều này phần nào khiến hiệu quả sử dụng xe buýt giảm sút, đồng thời hạn chế cơ hội để NKT tham gia vào phương tiện tiện tích này.

Để khắc phục tình trạng đó, Sở GTVT đang triển khai đề án đầu tư thay thế mới 1.680 phương tiện giai đoạn 2014-2017, trong đó có 300 xe CNG sàn thấp, thuận lợi cho NKT.

Trang bị xe gầm thấp cho NKT (ảnh internet)

Song song với đó Sở cũng đầu tư phương tiện, cải tạo cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ NKT, tiến hành tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ năng nghiệp vụ dành cho lái xe, nhân viên phục vụ, cán bộ quản lý, điều hành xe buýt với mục đích cải thiện hình ảnh và nâng cao chất lượng dịch vụ”.

LÊ HOÀNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh