THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:19

TP.HCM: Giải pháp đẩy lùi gia vị thực phẩm không rõ nguồn gốc

 

Vì những bất cập trên, buổi tọa đàm “ Xóa nạn kinh doanh gia vị thực phẩm không nguồn gốc” do báo Người Tiêu Dùng  tổ chức chiều 23/3, tại TP.HCM thu hút sự quan tâm của không ít chuyên gia và bà con tiểu thương đang kinh doanh tại các chợ truyền thống.

Theo các chuyên gia về thực phẩm, khái niệm “3 không” có nghĩa là thực phẩm không có nhãn mác, không có hạn sử dụng và không có nguồn gốc xuất xứ, được bày bán tràn lan tại các chợ truyền thống ở các tỉnh thành, đặc biệt là khu vực nông thôn. Với lợi thế giá thấp hơn 2 đến 3 lần so với các sản phẩm cùng loại có thương hiệu, thực phẩm không nguồn gốc được nhiều người tiêu dùng đón nhận do nhận thức kém và tâm lý ham rẻ.

Tọa đàm chính là thời điểm để các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan chức năng có dịp ngồi lại với nhau, thảo luận về vấn nạn kinh doanh gia vị thực phẩm không rõ nguồn gốc, ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, cơ quan chức năng, nhà phân phối và bà con tiểu thương… Từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị để dần đẩy lùi vấn nạn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo bà BS. CK2 Dương Thị Kim Loan, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV. Thống Nhất TP.HCM, khi sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng liều lượng, không thuộc danh mục phụ gia cho phép của Bộ Y tế sẽ gây hại cho sức khỏe như: ngộ độc cấp tính, mạn tính, gây ung thư, đột biến gien, quái thai, ảnh hưởng đến chức năng gan thận. Bên cạnh đó, việc sử dụng phụ gia như đã nói trên còn ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm, phá hủy các chất dinh dưỡng, vitamin…

 

BS. CK2 Dương Thị Kim Loan, Trưởng Khoa Dinh dưỡng BV. Thống Nhất TP.HCM cảnh báo tác hại của thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Liên hệ thực tế, BS Dương Thị Kim Loan cho biết, hạt nêm “3 không” hiện được bày bán rộng rãi từ nông thôn đến thành thị với giá rẻ đến khó tin, đây là nguy cơ tiềm tang đối với sức khỏe người tiêu dùng do được sản xuất trong điều kiện không an toàn, quy trình đóng gói thủ công, nguy cơ dễ nhiễm những tạp chất độc hại cho sức khỏe, dễ hút ẩm, là mồi tấn công cho các vi khuẩn gây bệnh làm thay đổi hệ vi khuẩn bình thường của đường ruột, suy giảm hệ miễn dịch…

Tham gia buổi tọa đàm, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng - Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Bình Dương chia sẻ, thực tế hiện nay người tiêu dùng đang bị xâm hại bởi thực phẩm có chất cấm, sử dụng vượt mức cho phép, dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, thực phẩm kém chất lượng còn do lỗi từ nhà sản xuất, do quá trình bảo quản không đúng theo yêu cầu, thực hành vệ sinh kém. Ngoài ra, thực phẩm giả cũng tác động không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng.

 

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng - Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh Bình Dương chia sẻ giải pháp.

“ Thường xuyên sửa đổi, bổ sung, thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật về Bảo vệ người tiêu dùng và An toàn thực phẩm; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật bằng mọi hình thức, cụ thể và thiết thực; tăng cường kỹ năng nhận biết hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn; đào tạo chuyên sâu cho các cơ quan thực thi, trang bị công cụ phục vụ công tác kiểm tra, xử lý…”, ông Nguyễn Thành Danh kiến nghị các giải pháp nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

ĐÀO HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh