TP.Cần Thơ: Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em
- Dược liệu
- 05:49 - 22/06/2022
Bảo vệ, chăm sóc trẻ trong điều kiện tốt nhất
Việc chung tay chăm lo đã tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được học tập, vui chơi, giải trí, đảm bảo các quyền cơ bản và được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Đặc biệt, đối tượng trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ và trẻ mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được quan tâm, hỗ trợ điều kiện phát triển.
Ông Phạm Văn Hiển, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Cần Thơ và cộng đồng quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn; chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, địa phương, đơn vị về ý nghĩa nhân văn của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; quan tâm xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em; đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được đảm bảo.
Theo vị Phó Bí thư, đặc biệt, đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có trẻ em bị mất cha, mẹ do dịch Covid-19, đây là một trong những đối tượng trẻ dễ bị tổn thương, cần sự quan tâm, hỗ trợ. Thời gian qua, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các đơn vị tài trợ; các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ, kịp thời chăm lo cho các em thông qua các hoạt động thiết thực như: thăm hỏi, tặng tiền, quà, sổ tiết kiệm, hỗ trợ xây nhà, bảo trợ chi phí học tập cho trẻ em đến 18 tuổi, thực hiện chương trình mẹ đỡ đầu... Những việc làm đó không chỉ san sẻ phần nào khó khăn, gánh nặng kinh tế trước mắt cho trẻ em và gia đình mà còn thể hiện sự quan tâm, yêu thương, động viên các em và gia đình vượt qua nổi đau, vươn lên trong cuộc sống.
Phó Bí thư Thường trực chỉ đạo: “Ngay sau Lễ phát động, tôi đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tiến hành triển khai ngay các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em một cách thiết thực, đa dạng, phù hợp với đặc điểm, tình hình từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là công tác thường xuyên, trọng tâm, liên tục của các cấp, các ngành và toàn xã hội”.
Hiện nay, thành phố có 264.423 trẻ em, chiếm tỷ lệ 21,4% dân số; trong đó, trẻ em dân tộc thiểu số chiếm 2,52%, 1.682 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt và 7.697 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, 165 trẻ em (dưới 16 tuổi) được nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, 248 trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng, 1.242 trẻ em khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng, được hưởng trợ cấp hằng tháng và hỗ trợ, tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng. Ðặc biệt, qua hơn 2 năm bùng phát dịch COVID-19, đã ảnh hưởng đến đời sống nhiều trẻ em. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) TP.Cần Thơ đã tích cực phối hợp triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác hỗ trợ, chăm lo cho các đối tượng trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Không để trẻ bị bỏ lại phía sau
Với phương châm không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, vừa qua, Sở LÐ-TB&XH phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Phòng LÐ-TB&XH các quận, huyện, cơ sở trợ giúp xã hội trong và ngoài công lập triển khai các chương trình, hoạt động trợ giúp trẻ em gặp khó khăn do dịch COVID-19. Sở LÐ-TB&XH đã rà soát, đề nghị Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ 52 trường hợp trẻ có cha hoặc mẹ tử vong do COVID-19, với tổng số tiền 260 triệu đồng; phối hợp các tổ chức trao sổ tiết kiệm và suất hỗ trợ cho các em mồ côi do dịch COVID-19, với tổng trị giá 485 triệu đồng. Ngoài ra, Sở đã rà soát, đề nghị hỗ trợ sữa miễn phí cho 497 trẻ em sống tại các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội và các trường Tương Lai, Dạy trẻ khuyết tật Cần Thơ, với tổng trị giá hơn 315 triệu đồng.
Đồng thời, các đoàn thể thành phố cũng triển khai nhiều mô hình chăm lo, hỗ trợ trẻ em gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ðiển hình như Ðoàn Thanh niên Công an thành phố triển khai mô hình “Tình thương cho em, hậu COVID-19”, qua đó đã tham mưu lãnh đạo Công an thành phố nhận đỡ đầu 49 trẻ mồ côi do COVID-19 đến 18 tuổi; mỗi em được hỗ trợ 3 triệu đồng/năm, đồng thời được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cùng các đồ dùng học tập khác. Qua đó, góp phần động viên, tiếp thêm niềm tin, nghị lực để các em vươn lên trong học tập, tự tin hòa nhập cuộc sống.
Theo bà Trần Thị Xuân Mai – GĐ Sở LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, từ năm 2020 đến nay, thành phố tiếp tục triển khai 8 khoản viện trợ phi dự án, chương trình, dự án chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Tiêu biểu như: khoản viện trợ phi dự án “Hỗ trợ tài chính tăng cường dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” do Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam (Hoa Kỳ) với tổng số vốn viện trợ là 20.000 USD (đơn vị thực hiện là Nhà Nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương); khoản viện trợ phi dự án “Phẫu thuật chỉnh hình trẻ em khuyết tật cơ quan vận động” do tổ chức Social Assistance Programme for Viet Nam (SAP-VN) tài trợ, với tổng nguồn vốn 68.844 USD (đơn vị thực hiện là Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP Cần Thơ); dự án “Hòa nhập xã hội của người khuyết tật tại TP Cần Thơ”, giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn vốn 225.000 USD, do tổ chức Liên minh Na Uy Việt Nam (NMA-V) tài trợ (đơn vị thực hiện là Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ)… Riêng dự án “Hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ em tự kỷ tại TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2024”, do tổ chức Saigon Children’s Charity CIO/Anh tài trợ, đã nhận được cam kết tài trợ cho năm đầu dự kiến hơn 1,25 tỉ đồng và đang tiến hành các bước để xin tiếp nhận dự án. Các dự án đã góp phần chăm lo, hỗ trợ trẻ em, nhất là đối tượng yếu thế có điều kiện học tập, nâng cao sức khỏe và kỹ năng, hòa nhập cuộc sống.
Trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2022, Cần Thơ tổ chức với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả; lựa chọn nội dung, hình thức tổ chức hoạt động linh hoạt, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Tổ chức tốt việc bàn giao, tiếp nhận và quản lý trẻ em về sinh hoạt hè tại xã, phường, thị trấn, cộng đồng dân cư; tổ chức các hoạt động các hoạt động vui chơi, giải trí; câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm của trẻ em; các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện tại địa phương để giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, trẻ em trong gia đình hộ nghèo, cận nghèo.
Đồng thời tổ chức các khóa học kỹ năng cho trẻ em, như: các lớp dạy bơi cho trẻ em; các lớp trang bị kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng cứu hộ và sơ cứu trẻ em bị tai nạn, thương tích để trẻ em có kỳ nghỉ hè an toàn, lành mạnh; khuyến khích trẻ em tham gia học kỳ quân đội, học kỳ công an nhân dân…; các lớp năng khiếu (như: võ thuật, âm nhạc, hội họa, múa, hát, thể dục, thể thao…) nhằm thu hút sự tham gia của trẻ em trong thời gian các em nghỉ hè, ưu tiên miễn, giảm các loại phí, học phí tham gia các khóa học này cho trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.