TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc: Tận dụng tối đa lợi thế, phát triển đô thị gắn với đảm bảo an sinh xã hội
- Huyệt vị
- 17:45 - 28/01/2021
Bước chuyển mình trong phát triển kinh tế
Thành phố Phúc Yên có diện tích không rộng, dân số không đông, nhưng người Phúc Yên có truyền thống cần cù chăm chỉ và đặc biệt là rất năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất.
Vì vậy, khi cơ hội đến, Phúc Yên đã tận dụng được tối đa những lợi thế sẵn có để đưa địa phương vươn lên một tầm cao mới, không những trở thành đô thị lớn thứ 2 của tỉnh mà còn là một trong những đô thị hàng đầu ở khu vực phía Bắc của Tổ quốc.
Phát huy tiềm năng, lợi thế, những năm qua, Phúc Yên đã khẳng định được vai trò, vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, góp phần kết nối giao lưu phát triển kinh tế với vùng Thủ đô Hà Nội.
Còn nhớ thuở mới tái lập tỉnh, trong khi nhiều địa phương khác còn đang bỡ ngỡ chưa biết làm gì để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân thì Phúc Yên đã sớm có những động thái thiết thực nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội trên địa bàn.
Những năm sau đó, Phúc Yên cũng luôn đi đầu so với các địa phương khác trong tỉnh về việc chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động.
Trong giai đoạn 2015-2020, thành phố có hàng trăm doanh nghiệp mới thành lập với số vốn đăng ký hàng nghìn tỷ đồng, Hiện tại, có tới hơn 1.200 doanh nghiệp đang hoạt động và đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Các hoạt động du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển nhanh, mạnh và ổn định, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển KT-XH của thành phố.
Thống kê cho thấy, giai đoạn 2015-2020, kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất của các ngành kinh tế bình quân tăng 3,28%. Tổng giá trị sản xuất của các ngành kinh tế ước đạt 478 ngàn tỷ đồng.
Thống kê tổng kết năm 2020 cho thấy; Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn (giá so sánh 2010) ước đạt 84.402,7 tỷ đồng giảm 8,87% so với cùng kỳ, trong đó: Khu vực kinh tế trong nước ước đạt 10.140,7 tỷ đồng tăng 2,18%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 74.041 tỷ đồng giảm 10,23% so với năm 2019.
Trong đó ngành Công nghiệp - Xây dựng chiếm tỷ trọng 93,26%; Ngành Dịch vụ - Thương mại chiếm tỷ trọng 6,17%; Ngành Nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,56% tổng giá trị sản xuất của thành phố. Cơ cấu kinh tế Thành phố năm 2020 có phần dịch chuyển nhẹ theo hướng giảm tỷ trọng ngành Công nghiệp - xây dựng sang ngành Dịch vụ - Thương mại so với năm 2019.
Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 77.114 tỷ đồng, giảm 9,7% so với năm 2019. Trong đó ngành Công nghiệp trong nước đạt 3.073 tỷ tăng 2,48% so với cùng kỳ, tuy nhiên ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 74.041 tỷ đồng giảm 10,23 với cùng kỳ 2019.
Hoạt động ngành xây dựng: Nhìn chung ổn định và tiếp tục phát triển; giá trị sản xuất ngành xây dựng (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.600 tỷ đồng tăng 8,74% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực dịch vụ, có tổng giá trị sản xuất các nghành ước đạt 5.208 tỷ đồng tăng nhẹ 0,15% so với cùng kỳ 2019 (theo giá so sánh 2010). Tổng mức bán lẻ hàng hóa tuy gặp khó khăn do dịch bệnh nhưng vẫn duy trì mức tương đương cùng kỳ năm 2019 đạt 1.720 tỷ tăng nhẹ 1,18. Tổng doanh thu vận tải ước đạt 206,5 tỷ đồng, giảm 9,23% so với cùng kỳ.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thành phố đã huy động và tập trung mọi nguồn lực để thực hiện. Nếu năm 2017, Phúc Yên được UBND tỉnh quyết định công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 100% tổng số xã) thì kết thúc năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận Phúc Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2020, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố Phúc Yên cơ bản hoàn kế hoạch đề ra.
Đảm bảo an sinh xã hội để thành phố phát triển bền vững
Để đảm bảo công tác an sinh xã hội, thành phố Phúc Yên luôn quan tâm giải quyết việc làm, giảm nghèo, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, công tác an sinh xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển ngày càng bền vững.
Thao báo cáo của lãnh đạo UBND thành phố Phúc Yên cho thấy, công tác an sinh xã hội, thành phố đã có kế hoạch cụ thể và thực hiện đồng bộ các giải pháp rà soát lại thực trạng nguồn lao động, số hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và các đối tượng bảo trợ xã hội, nhờ vậy đảm bảo chăm lo cho các đối tượng chính sách.
Từ những giải pháp đồng bộ, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo của thành phố Phúc Yên luôn đạt kết quả cao. Cụ thể, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm;
Ước năm 2020, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 1,6 nghìn lao động, đạt 94,7% so với năm 2019, đạt 94,7% kế hoạch, riêng xuất khẩu lao động đạt 42 người, đạt 32% kế hoạch. Công tác bảo đảm an sinh xã hội: Công tác chi trả chế độ hàng tháng được kịp thời, đúng đối tượng, trong 11 tháng có 11.536 lượt đối tượng Người có công, 25.530 lượt đối tượng BTXH nhận trợ cấp hàng tháng. Công nhận 193 hộ nghèo năm 2020 và cấp 355 thẻ BHYT cho số khẩu nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn là 0,72%; Công nhận 279 hộ cận nghèo năm 2020 và cấp 571 thẻ BHYT cho số nhân khẩu trong hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ cận nghèo trên địa bàn là 1,05%. Tổ chức mua, cấp thẻ BHYT cho các cụ đủ 80 tuổi trở lên là 759 thẻ và đối tượng người khuyết tật là 1.032 thẻ.
Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên chia sẻ: Nhân dịp Tết Nguyên đán, các ngày lễ...đã tổ chức thăm hỏi tặng nhiều phần quà quà có giá trị cho đối tượng chính sách, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…đảm bảo không để hộ nào bị bỏ lại phía sau, các đối tượng đều được đón Tết đầm ấm.
Thực hiện NQ số 42 của Chính phủ, Quyết định số 15 của TTCP: Thành phố đã hỗ trợ 4 nhóm đối tượng: Người có công, đối tượng Bảo trợ xã hội, nhân khẩu trong hộ nghèo, cận nghèo là: 4.297 người với tổng số tiền hỗ trợ là 5,589 tỷ đồng. Các đối tượng còn lại đang tiếp tục triển khai theo quy định, hướng dẫn. Các chế độ, chính sách được tuyên truyền, phổ biến kịp thời đến các xã, phường và triển khai đến các thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố.
Được biết, mặc dù năm 2020 có nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng tổng số tiền thu BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện năm 2020 là 303 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch năm, tăng 16,5% so với cùng kỳ. Cấp 2.993 sổ BHXH, đạt 99% kế hoạch giảm 37% cùng kỳ và cấp 93.339 thẻ BHYT cho đối tượng tham gia, đạt 100% kế hoạch. BHXH tự nguyện có 1.930 đối tượng tham gia với 14,4 tỷ đồng đạt 100% kế hoạch năm.
Trong thời gian tới, thành phố Phúc Yên tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ, đẩy mạnh tuyên truyền đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; tập trung các giải pháp hỗ trợ người nghèo giảm nghèo bền vững; tiếp tục chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và bảo trợ xã hội; nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc và giáo dục trẻ em...
Thành phố Phúc Yên (Vĩnh Phúc) hoàn thành xây dựng Nông thôn mới:
UBND thành phố Phúc Yên, tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 và công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Năm 2020, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của thành phố Phúc Yên cơ bản hoàn kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản và dịch vụ - thương mại tăng nhẹ; thu ngân sách tăng 50% so với cùng kỳ; Giải ngân đầu tư xây dựng đạt hơn 90% kế hoạch; giải phóng mặt bằng được 57 dự án. Nhờ có sự quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nên 100% số trường ở địa phương đều đạt chuẩn quốc gia; công tác an ninh trật tự, củng cố quốc phòng được đảm bảo…Về kết quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, do thực hiện tốt công tác chỉ đạo, tuyên truyền và có sự chung tay, vào cuộc của nhân dân, năm 2019, thành phố Phúc Yên đã hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Theo đó, hai xã Cao Minh và Ngọc Thanh đã về đích NTM; tổng nguồn lực được huy động phục vụ chương trình đạt hơn 400 tỷ đồng.