TP. Hồ Chí Minh: Xử phạt 179 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong một tuần ra quân kiểm tra
- Tây Y
- 13:37 - 07/01/2020
Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 27/12/2019 đến 2/1/2020, Công an Thành phố đã thành lập các tổ kiểm tra, chuyên đề về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nhằm tập trung kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Qua 6 ngày ra quân kiểm tra, tổ tuần tra phát hiện và xử lý 9.668 trường hợp vi phạm luật giao thông đường bộ, trong đó 179 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 272 trường hợp vi phạm giao thông đường thủy, với tổng số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước gần 5 tỷ đồng.
Cũng trong đợt này, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông làm chết 4 người, 52 vụ va chạm 41 người bị thương; 34 phương tiện giao thông các loại bị hư hỏng nhẹ.
Trước đó, phóng viên báo Lao động và Xã hội (Báo điện tử Dân sinh) theo Đội CSGT Rạch Chiếc (quận 9) ra quân kiểm tra nồng độ cồn, xử lý người vi phạm giao thông trong tối 4/1, chia sẻ với phóng viên, đội trưởng đội CSGT Rạch Chiếc cho biết, sau 4 ngày Nghị định mới được áp dụng, người dân đã có ý thức về tác hại của rượu bia, cũng đã biết uống rượu, bia thì không lái xe.
Phần lớn người dân khi bị xử phạt đều nhận ra sai, và đồng tình với mức phạt theo Nghị định 100. Tuy nhiên có trường hợp người tham gia giao thông không hài lòng về tước bằng lái xe với thời gian tăng nhiều sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và đi lại.
"Việc kiểm tra nồng độ cồn xử lý vi phạm được đội CSGT Rạch Chiếc thường xuyên thực hiện. Trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, đội công tác cũng đã giải thích rõ các vi phạm, mức phạt để người vi phạm biết. Bên cạnh đó cũng nhắc nhở người vi phạm về mức phạt rất nặng để không tái phạm qua đó cũng tuyên truyền cho người thân, bạn bè được biết", Đội trưởng đội CSGT Rạch Chiếc thông tin thêm.
Nghị định 100 có 5 chương và 86 điều, tăng 04 điều so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Một số nội dung mới điển hình của Nghị định này như sau:
Quy định mới về xử phạt đối với người đi xe máy có nồng độ cồn từ 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở trở xuống; đối với người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn.
Tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt đến 16 – 18 triệu đồng, tước quyền dùng giấy phép lái xe 04 - 06 tháng)…
Bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm…