Cách nào để biết cồn do uống rượu hay nước trái cây lên men?
- Y học 360
- 23:02 - 05/01/2020
Theo ghi nhận của phóng viên báo Điện tử Dân sinh, chỉ trong một giờ tối ngày 4/1, chứng kiến lực lượng CSGT kiểm tra gần 20 trường hợp thì phát hiện 2 tài xế có nồng độ cồn trong hơi thở. CSGT cho biết, theo quy định mới Nghị định số 100/2019 (áp dụng từ 1/1/2020) người điều khiển xe máy chỉ cần có cồn trong khí thở là bị xử phạt.
Đội trưởng đội CSGT Công an quận 1, TP.HCM cho biết lực lượng được trang bị mới máy đo nồng độ cồn hiện đại, đạt chuẩn quốc tế thay thế cho máy đo trước kia. Với trang bị mới, trong 1 giờ lực lượng chức năng có thể kiểm tra trên 50 trường hợp.
Cũng ra quân kiểm tra nồng độ cồn, xử lý người vi phạm giao thông trong tối 4/1, Đội trưởng đội CSGT Rạch Chiếc cho biết, sau 4 ngày Nghị định mới được áp dụng, người dân đã có ý thức về tác hại của rượu bia, cũng đã biết uống rượu, bia thì không lái xe.
Phần lớn người dân khi bị xử phạt đều nhận ra sai, và đồng tình với mức phạt theo nghị định 100. Tuy nhiên có trường hợp người tham gia giao thông không hài lòng về tước bằng lái xe với thời gian tăng nhiều sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và đi lại.
"Việc kiểrm tra nồng độ cồn xử lý vi phạm được đội CSGT Rạch Chiếc thường xuyên thực hiện. Trong quá trình xử lý các trường hợp vi phạm, đội công tác cũng đã giải thích rõ các vi phạm, mức phạt để người vi phạm nắm. Bên cạnh đó cũng nhắc nhở người vi phạm sẽ có cái nhìn về mức phạt rất nặng để không tái phạm qua đó cũng tuyên truyền cho người thân, bạn bè được biết", Đội trưởng đội CSGT Rạch Chiếc thông tin thêm.
Tài xế Grab Nguyễn Văn Nam TP.HCM chia sẻ, tôi ủng hộ cao cách làm quyết liệt của Chính phủ, vì dịp Tết nhiều người hay chúc mừng và uống bia, rượu nhưng vẫn tham gia giao thông không những gây nguy hiểm cho bản thân mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường. Tuy nhiên, tình trạng ống thổi nồng độ nhiều người ngậm vào thổi chung thấy ớn quá. Vì vậy, cần vệ sinh sau mỗi lần thổi để tránh lây bệnh. Nếu có máy đo nồng độ cồn với giá rẻ thì mỗi người tự sắm cho mình một máy thì hay biết mấy, anh Nam chia sẻ.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng ăn hoa quả như: Vải, nho, dứa, táo... hoặc sử dụng thuốc ho sẽ có nồng độ cồn trong cơ thể nếu bị CSGT kiểm tra sẽ bị xử phạt, như vậy hơi oan cho người thamm gia giao thông. Tuy nhiên, những sản phẩm trái cây hoặc thuốc ho thường chỉ để lại nồng độ cồn trong cơ thể thường rất nhỏ.
"CSGT khi xử phạt nồng độ cồn còn phải căn cứ vào các biểu hiện của người vi phạm như tình trạng tâm lý, diễn biến hành vi, lời nói, cử chỉ, sắc mặt và qua qua hơi thở khi nói chuyện để có căn cứ xử lý người vi phạm có sử dụng rượu, bia. Nên trường hợp này sẽ không bị xử phạt", Luật sư Đào Xuân Sơn cho biết.
Theo thống kê của Cục CSGT cho thấy sau 2 ngày (1 và 2.1.2020) thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 615 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền 816.800.000 đồng.
Nghị định 100 có 5 chương và 86 điều, tăng 04 điều so với Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Một số nội dung mới điển hình của Nghị định này như sau:
Quy định mới về xử phạt đối với người đi xe máy có nồng độ cồn từ 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở trở xuống; đối với người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn.
Tăng mức phạt tối đa với người đi ô tô có nồng độ cồn lên đến 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt đến 16 – 18 triệu đồng, tước quyền dùng giấy phép lái xe 04 - 06 tháng)…
Bổ sung quy định về việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm…