TP. Hồ Chí Minh: Nỗ lực chống dịch tả lợn châu Phi lây lan trên địa bàn
- Tây Y
- 17:45 - 13/06/2019
Mới đây, tại phường Phú Hữu, quận 9 đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên tại hộ chăn nuôi gia đình bà Lê Thị Ngọc Cẩm với tổng đàn 163 con (23 con nái sinh sản, 112 con lợn thịt, 28 con lợn sữa) bị tiêu hủy.
Để hạn chế dịch lây lan diện rộng, đoàn liên ngành đã rải hàng chục bao vôi bột ngang mặt đường Nguyễn Duy Trinh, sau đó tưới nước lên để vôi cuốn vào các xe đang chạy, có tác dụng khử trùng. Đối với xe phủ bạt kín, có đặc điểm giống xe chở súc vật đều được CSGT dừng lại để phun thuốc tiêu độc khử trùng; những xe có thùng sau hở, nhìn thấy được bên trong thì cho qua.
TP. Hồ CHí Minh lập nhiều chốt kiểm dịch để chống dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Đình Trí, Chủ tịch UBND phường Phú Hữu (quận 9) cho biết: "Ngoài việc lập chốt, đoàn liên ngành còn đi kiểm tra thường xuyên, báo cáo nhanh lên cấp trên nếu có dấu hiệu nghi ngờ. Đối với hộ chăn nuôi có dịch tả lợn châu Phi, đoàn liên ngành sẽ phun thuốc tiêu độc khử trùng liên tục, phong tỏa khu vực và hạn chế chủ hộ, cấm người ngoài ra vào ổ dịch, chỉ có lực lượng chức năng thực hiện việc phun thuốc mới được ra vào nhưng phải bảo đảm việc mặc đồ bảo hộ, phun thuốc tiêu độc khử trùng trước và sau khi ra vào khu vực có dịch”.
Bà Lê Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch UBND quận 9 cho biết đã khoanh vùng các ổ dịch, cấp thuốc cho 7 hộ chăn nuôi trên địa bàn phường Phú Hữu. Trong bán kính 3km phường Long Trường, Trường Thạnh, lực lượng chức năng đã cấp thuốc cho các hộ chăn nuôi.
“Đoàn kiểm tra liên ngành của quận tiếp tục chốt chặn các cửa ngõ ra vào thành phố để không để dịch bệnh ở các tỉnh đưa vào quận, điểm chốt chặn này sẽ duy trì liên tục đến khi dịch bệnh ổn định mới giải tỏa”, bà Chi nói thêm.
Đoàn kiểm tra phun thuốc tiêu độc khử trùng xe ra vào khu vực.
Cũng trong ngày 12/6, ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cũng đã gửi đến UBND 24 quận, huyện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh không vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ thịt heo không rõ nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra, giám sát chặt nguồn động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về thành phố; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh thịt lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Yêu cầu Đội Quản lý An toàn thực phẩm liên quận - huyện quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức phối hợp chặt chẽ, xử lý và khống chế dịch bệnh lây lan.
Cùng với đó, TP. Hồ Chí Minh còn có 3 đoàn liên ngành do Cục Quản lý thị trường chủ trì kiểm tra trên các tuyến đường ở quốc lộ, cao tốc. 24 quận, huyện cũng tự lập các chốt kiểm tra dịch lưu động để kiểm soát nguồn thịt lợn từ các tỉnh vào TP. Hồ Chí Minh.
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Từ năm 2017 đến nay, hơn 20 quốc gia có dịch bệnh. Riêng tại Trung Quốc đã xuất hiện 105 ổ dịch, tiêu hủy hơn 950.000 con lợn. Tại Việt Nam, tỉnh Hưng Yên là nơi bùng phát dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 1/2, sau đó lan nhanh ra các tỉnh, thành. TP. Hồ Chí Minh là địa phương thứ 55 trong cả nước xuất hiện dịch bệnh. Hơn 2,3 triệu con lợn đã bị tiêu huỷ, thiệt hại ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng. |