THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:48

TP. Hồ Chí Minh: 2 tuyến metro tiếp tục trễ hẹn về đích vì đợi vốn

Tại TP. Hồ Chí Minh hiện đang có 12 dự án sử dụng vốn ODA của các nhà tài trợ chủ yếu tập trung cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường với tổng vốn đầu tư tương đương 104.088 tỷ đồng. Trong đó, tổng giá trị vốn ODA là 88.577 tỷ đồng, tổng giá trị vốn đối ứng là 15.510 tỷ đồng.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài tại thành phố đang gặp một số khó khăn, vướng mắc từ các chính sách, quy định của Nhà nước và chưa có các hướng dẫn chính thức của các Bộ, ngành Trung ương nên thành phố đang gặp khó khăn trong việc xác định nguồn vốn sử dụng cho từng loại dự án theo đúng quy định.

Trong đó, có 2 dự án trọng điểm hiện đang chậm trễ là tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương). Do chưa được thông qua thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư nên 2 dự án này vẫn chưa được giải ngân để đảm bảo khai thông nguồn vốn, về đích đúng kế hoạch dự kiến.

 

Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vẫn tiếp tục trễ hẹn vì thiếu vốn. - Ảnh: Xuân Trường.

 

Dự án tuyến metro số 1(Bến Thành - Suối Tiên) chính thức được khởi công từ tháng 3/2007, do Ban quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2018, dự án có tổng chiều dài gẩn 20 km, với điểm khởi hành từ ga Bến Thành đến ga Ba Son tại khu đô thị Vinhomes Golden River. Sau đó chạy dọc theo rạch Văn Thánh rồi đi ngang qua sông Sài Gòn rồi chạy dọc theo xa lộ Hà Nội và kết thúc tại ga Bến xe Miền Đông mới. Dự kiến tuyến số 1 sẽ được kéo dài từ ga Bến xe Miền Đông mới tới thị xã Dĩ An và thành phố Biên Hòa.

Dự án metro số 1 được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), chiếm 88,4% tổng mức đầu tư với hơn 209,1 triệu yên, tương đương 41.833,6 tỉ đồng.

Dự án tuyến Metro số 2 được chia làm 3 giai đoạn: (Bến Thành - Tham Lương) có 11 nhà ga; (Bến Thành - Thủ Thiêm) có 7 nhà ga; (Tham Lương - Củ Chi) có 24 nhà ga.

Ở giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương) được TP. Hồ Chí Minh phê duyệt vào năm 2010 với mức vốn đầu tư ban đầu là 26.100 tỉ đồng. 2 năm sau được điều chỉnh tăng vốn. Nguyên nhân đội vốn là do ảnh hưởng bởi các yếu tối như trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng,..

Theo báo cáo mới nhất của MAUR, dự kiến trong năm 2019, công tác điều chỉnh dự án tuyến metro số 2 sẽ hoàn thành và bắt đầu tổ chức công tác lựa chọn các gói thầu chính. Dự án có tám gói thầu chính.

Trước thực trạng trên, UBND thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư điều chỉnh kế hoạch trung hạn 2016 - 2020 và bố trí kế hoạch vốn năm 2019 từ nguồn vốn TW cấp phát cho các dự án ODA để đảm bảo đủ vốn thực hiện trong năm nay.

UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị liên quan tìm các giải pháp thúc đẩy giải ngân, tháo gỡ vướng mắc và biện pháp bảo đảm an toàn nợ công.

UBND thành cũng phố thường xuyên chủ trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất cùng với các sở, ngành chức năng và chủ các dự án ODA để kịp thời chỉ đạo giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

XUÂN TRƯỜNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh