THỨ BA, NGÀY 21 THÁNG 01 NĂM 2025 03:52

TP. HCM: 6 tháng đầu năm tiếp nhận hơn 94.000 hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM,  trong 6 tháng đầu năm, số lượng lao động đến làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn TP.HCM ngày một tăng cao. Riêng trong tháng 6, Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM đã tiếp nhận gần 24.000 hồ sơ (tăng 28%).

Trao đổi với P/V, ông Lê Minh Phụng - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM) cho biết, "Trong 6 tháng đầu năm, trung tâm đã tiếp nhận hơn 94.000 hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng 15%. Số lượng hồ sơ quá lớn, nhân sự tại trung tâm không đủ để đáp ứng công việc. Do vậy, trung tâm thường xuyên phải tổ chức cho cán bộ làm thêm giờ.

Theo ông Phụng, nhiều lao động chưa hiểu rõ về quy trình giải quyết hồ sơ nên một số hồ sơ còn chậm. Để khắc phục tình trạng trên, trung tâm cũng đã điều động những cán bộ có kinh nghiệm nhằm hướng dẫn người dân xử lý hồ sơ nhanh. Tuy nhiên, việc giải quyết cũng được quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng trục lợi bảo hiểm.

Cũng theo ông Phụng, người lao động tại TP.HCM trước khi đến làm thủ tục có thể gọi điện lên tổng đài 1080 để được tư vấn và đặt số thứ tự. Việc này sẽ giảm bớt thời gian chờ đợi cho người lao động.

TP.HCM: 6 tháng đầu năm tiếp nhận hơn 94.000 hồ sơ đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp - Ảnh 1.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. HCM làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Về kết quả hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.HCM cho biết, qua thống kê của 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố ngày 6/7, toàn địa bàn TP đã giải quyết cho 514.028/539.750 đối tượng bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 (đạt 95,25%) của 3.816/4.956 đơn vị (đạt 77%) với tổng số tiền hơn 563 tỷ đồng. Trong đó: Hỗ trợ cho người lao động (kể cả giáo viên mần non, hộ kinh doanh, người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc) là 247.295/272.418 đối tượng, đạt 90,78% với số tiền trên 247 tỷ đồng.

Về hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương (ngừng việc, hoãn việc), đến nay đã giải quyết cho 44.084/45.988 người (đạt 95,86%) của 1.375/1.481 doanh nghiệp (đạt 92,84%) với số tiền hơn 44,7 tỷ đồng. Trong đó: Giải quyết theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TP (1 triệu đồng/người/tháng) cho 43.260/45.988 người, đạt 94,07% của 1.331/1.481 doanh nghiệp, đạt 92,84%, với số tiền 43,26 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm, TP có 328.000 người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thời gian tới, Sở dự đoán sẽ có khoảng 4.800 - 5.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với 160.000 -180.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc.

Cũng theo thống kê, đến nay, TP.HCM cơ bản đã chi hỗ trợ xong cho 266.733/267.333 đối tượng (đạt 99,78%) người có công, người nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, với số tiền 316 tỷ đồng. Trong đó đã giải quyết xong 100% cho các đối tượng có mặt ở thành phố, còn lại một số đối tượng không có mặt tại thành phố các quận/huyện của đang tiếp tục triển khai liên hệ và sẽ chi trả khi liên hệ được.

Tuy nhiên, việc hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ (1,8 triệu đồng/người/tháng) mới chỉ giải quyết được cho 824/45.988 người, đạt 1,79% của 44/1.481 doanh nghiệp, đạt 2,97%, với số tiền 1,483 tỷ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Lê Minh Tấn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, do điều kiện được hưởng chế độ này rất chặt chẽ: Người lao đông phải đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc  không hưởng lương, tức phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến hết ngày 31/3/2020 thì mới đảm bảo một trong những điều kiện để hỗ trợ. Còn phía doanh nghiệp thì phải chứng minh gặp khó khăn về tài chính, không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương và việc thẩm định hồ sơ tài chính của doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian.


LÊ VIỆT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh