CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:19

Tour 0 đồng: 'Không để doanh nghiệp Trung Quốc thao túng'

 

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa có dự thảo báo cáo Chính phủ về đánh giá toàn diện tình trạng tour du lịch giá rẻ trên phạm vi toàn quốc và các tác động đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự.

Du khách thanh toán "chui"

Theo đó, hiện nay một số địa bàn du lịch trọng điểm của Việt Nam như Quảng Ninh, Khánh Hòa (Nha Trang), Đà Nẵng xuất hiện các tour du lịch giá rẻ, khách hàng của các tour du lịch này chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga.

Về bản chất, các tour du lịch này không phải là khách hàng được đi du lịch miễn phí. Tour giá rẻ là tour do các công ty lữ hành bán cho khách du lịch có ít lãi, giá thấp đến mức độ nào đó sẽ trở thành “tour 0 đồng”…


Nhiều doanh nghiệp để người Trung Quốc vào điều hành trực tiếp khiến việc hướng dẫn sai. Ảnh minh họa

 

Khi khách tham gia tour du lịch tại Việt Nam, các công ty lữ hành sẽ khai thác lợi nhuận từ khách hàng bằng cách đưa khách hàng vào sử dụng một chuỗi dịch vụ khép kín bao gồm ăn uống, lưu trú, tham quan, mua sắm tại các địa điểm do chính các công ty này lập nên hoặc chỉ định. Bất cập nhất trong chuỗi khép kín này là hoạt động mua sắm hàng hóa, thanh toán tiền mua sắm hàng hóa tại các cơ sở bán hàng đã được chỉ định trước.

Cụ thể, một số trung tâm mua sắm thường do chủ người nước ngoài điều hành, bán hàng nhưng thuê người Việt Nam đứng tên, đăng ký kinh doanh. Các cơ sở bán hàng cho khách du lịch theo tour giá rẻ thường chỉ hoạt động khi có xe tour đưa khách tới tham quan mua sắm, không bán hàng rộng rãi và thường xuyên nên gây khó khăn trong quá trình quản lý, theo dõi.

“Các cơ sở bán hàng thường quảng cáo hàng quá sự thực, đắt so với thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí kém chất lượng, hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam. Điều này làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch Việt Nam, du khách có cảm giác bị lừa tại Việt Nam…”, báo cáo nêu rõ.

Theo Bộ KH&ĐT, khách mua hàng thường thanh toán bằng các hình thức tiền mặt (ngoại tệ) hoặc thanh toán qua thẻ bất hợp pháp (sử dụng thẻ do ngân hàng nước ngoài phát hành quẹt qua máy POS do ngân hàng nước ngoài phát hành mà không đăng ký với ngân hàng Việt Nam); hoặc thanh toán bằng cách sử dụng các ví điện tử (Alipay, Wechat pay…) do các tổ chức thanh toán trực tuyến nước ngoài cung cấp không thông qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Đây là các thủ đoạn mới, tinh vi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng Việt Nam. Với phương thức thanh toán này, các cơ quan quản lý của Việt Nam khó kiểm soát được dòng tiền, doanh thu bán hàng của các cơ sở bán hàng nêu trên.

Bị công ty lữ hành Trung Quốc ép giá

Theo Bộ KH&ĐT, tour giá rẻ góp phần làm giảm tính mùa vụ của du lịch, giúp tăng lượng khách vào mùa thấp điểm, giúp các nhà đầu tư du lịch có nguồn thu ổn định, thu hồi vốn, duy trì và đem lại doanh thu cho điểm đến, cho ngân sách. Tour giá rẻ tồn tại theo quy luật cung cầu của thị trường….

Tuy nhiên, tour du lịch giá rẻ chủ yếu phụ thuộc vào chi tiêu mua sắm từ khách du lịch để thu lợi nhuận, có sự thỏa thuận ngầm giữa doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và cơ sở mua sắm, với hiện tượng giao khoán đoàn khách cho hướng dẫn viên, dẫn đến tình trạng hướng dẫn viên không tập trung chuyên môn do áp lực tìm nguồn để thu lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp lữ hành Việt Nam hạn chế về năng lực nên dễ bị các hãng lữ hành gửi khách Trung Quốc chi phối, lấn át. Dựa vào vai trò gửi khách, đầu tư tiền vốn mua trước dịch vụ với số lượng lớn (lưu trú, ăn uống, vé máy bay, vận chuyển tại điểm đến), công ty lữ hành Trung Quốc thường ép giá, yêu cầu đưa người Trung Quốc vào giám sát dịch vụ, kiểm soát hoạt động kinh doanh, làm việc trực tiếp với các nhà cung ứng dịch vụ tại điểm đến.

Nhiều doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đón khách Trung Quốc giá rẻ hoặc “khoán trắng” đoàn khách cho hướng dẫn viên hoặc để người Trung Quốc vào điều hành trực tiếp, nhằm tránh rủi ro về tài chính và chấp nhận mức lợi nhuận thấp. Các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở cung ứng dịch vụ Việt Nam thiếu sự liên kết, cạnh tranh không lành mạnh, sẵn sàng hạ giá tour để đón khách

Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất Bộ VH-TT&DL hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành nâng cao năng lực, không để các doanh nghiệp Trung Quốc thao túng. Bên cạnh đó, làm việc với Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để trao đổi thông tin, phối hợp quản lý doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và Trung Quốc trong việc quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch Trung Quốc. Yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch để khách du lịch có sự lựa chọn các sản phẩm du lịch tương ứng với chi phí bỏ ra.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hoạt động thanh toán điện tử trên lãnh thổ Việt Nam, nhằm hạn chế việc thanh toán qua máy POS do ngân hàng nước ngoài phát hành mà không đăng ký với Việt Nam hoặc thanh toán bằng cách sử dụng các ứng dụng ví điện tử (Alipay, Wechat pay…). Đồng thời, kiến nghị các giải pháp kịp thời để các ngân hàng thương mại Việt Nam cung cấp chính thức các dịch vụ thanh toán này hoặc làm việc với các tổ chức cung cấp nền tảng thanh toán trực tuyến để kiểm soát dòng tiền.

"Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ cho du khách nước ngoài, nếu phát hiện các sai phạm về thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thô Việt Nam cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...", dự thảo Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Theo PLO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh