Top đầu thế giới, "thành tích" đáng lo ngại của Việt Nam
- Huyệt vị
- 14:47 - 22/09/2019
Nền kinh tế gắn liền với rác thải
Kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Tại châu Âu đi đầu là Hà Lan, Đức và Đan Mạch; tại châu Mỹ tiêu biểu là Canada, Hoa Kỳ, còn tại châu Á điển hình là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Tính đến nay, có khoảng 34 quốc gia với 118 mô hình tiêu biểu thực hiện việc chuyển dịch này.
Kinh tế tuần hoàn được hiểu là một hệ thống có tính tái tạo và khôi phục, thông qua việc thay đổi cách mà hàng hoá, dịch vụ được thiết kế, sản xuất và tiêu dùng. Từ đó, kéo dài tuổi thọ của vật chất, chuyển chất thải từ điểm cuối của hệ thống trở lại điểm đầu, giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường.
Nó khác hoàn toàn với mô hình kinh tế truyền thống (kinh tế tuyến tính) được áp dụng từ trước tới nay. Kinh tế tuyến tính có đặc điểm là khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên, làm đầu vào cho sản xuất, rồi tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường. Vì vậy, dẫn đến gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Thống kê năm 2018 của Tổ chức “Mạng lưới Dấu chân toàn cầu GFN” ước tính, nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cho các hoạt động kinh tế của con người hiện nay đã gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của trái đất.
Vì vậy, nếu không thay đổi cách thức phát triển, việc cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Các dự báo cho hay đến năm 2050 nếu không có những giải pháp hữu hiệu, tổng khối lượng rác thải nhựa, thải ra các đại dương thậm chí sẽ nhiều hơn tổng khối lượng cá hiện có khi đó.
Theo các nhà khoa học, để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, cần phải thay đổi cách tiếp cận, chuyển đổi từ mô hình “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn”, trong đó tài nguyên đầu vào, chất thải, khí thải và năng lượng được tối thiểu hóa, ngay từ trong quy trình sản xuất và tiêu dùng, từ thiết kế, bảo trì, sửa chữa, tái sử dụng, tái sản xuất, tân trang và tái chế lâu dài, dựa trên động lực kinh tế, hướng đến một nền kinh tế phát thải bằng không.
Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Dù chỉ là nước nhỏ, xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với khoảng 1,83 triệu tấn/năm. Cùng với đó tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ năng lượng tăng nhanh, ô nhiễm và suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới phát triển kinh tế.
Vì vậy, hướng tiếp cận chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” cần được xem là ưu tiên trong phát triển đất nước. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội lớn để phát triển nhanh và bền vững.
Thách thức lớn
Việt Nam đã có một số biểu hiện của kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như mô hình vườn ao chuồng trong nông nghiệp hay sự hình thành của các khu công nghiệp sinh thái thời gian qua. Tuy nhiên, xem xét từ bản chất, đến nay chúng ta chưa có mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thách thức lớn nhất khi chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là nhận thức của chính quyền, của các doanh nghiệp và người dân để tạo ra đồng thuận chung. Kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình mới, trong khi Việt Nam là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ.
Đại diện của Heineken Việt Nam cho rằng, con người đã thiết kế ra các hệ thống kinh tế gắn liền với rác thải và làm cạn kiệt tài nguyên, vì vậy cần phải thay đổi. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn phải bắt đầu từ thay đổi tư duy. Với các doanh nghiệp, đó là tư duy cho vòng đời sản phẩm. Phải thiết kế các chức năng phụ sau lần sử dụng thứ nhất, tạo ra sản phẩm có độ bền cao và ít lỗi thời, tối đa hóa sử dụng nguyên liệu và quy trình xử lý, khai thác nguồn phế thải hiện hữu, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước...
Cho đến nay, chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, cũng chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của các mô hình kinh tế đã có, từ đó có kế hoạch triển khai thực hiện và nhân rộng.
Cùng chung quan điểm, Tập đoàn Lee&Man cho rằng, với kinh tế tuần hoàn, phải coi chất thải là “tài nguyên thứ cấp” và phải hướng tới sản xuất từ vật liệu tái chế. Các minh chứng cho thấy, việc sử dụng những vật liệu tái chế như giấy, thép, nhôm,... bao giờ cũng có chi phí thấp hơn nhiều, so với khai thác tài nguyên và giúp giảm thiểu tác động tới môi trường.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, khi theo đuổi yếu tố bền vững, chúng ta sẽ sử dụng các nguồn lực tốt hơn và hiệu quả hơn. Điều đó giúp giảm được các chi phí, cũng như quản lý được rủi ro, từ đó sẽ phát triển bền vững về lâu dài.
Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, không chỉ tạo tác động tích cực cho môi trường, xã hội mà còn tạo ra giá trị kinh tế lớn. Theo ước tính thực tế tại châu Âu, kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm và 580.000 việc làm mới, giúp giảm phát thải khí nhà kính.