THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:38

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 258 triệu ca

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 258.296.567 ca, trong đó có 5.173.138 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 46.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 233 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 22/11, thế giới có 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 94 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 609 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 386 người và Bosnia-Herzegovina với 371 người/100.000 dân. Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,5 triệu ca tử vong trong trên 46,3 triệu ca mắc COVID-19.

Châu Âu có trên 80 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 80,4 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có trên 790.500 triệu ca tử vong trong trên 48,4 triệu ca bệnh. Châu Phi ghi nhận trên 221.200 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là trên 3.900 người.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Long Beach, bang California, Mỹ ngày 11/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Long Beach, bang California, Mỹ ngày 11/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, chính phủ Lào yêu cầu các đơn vị kinh doanh trên cả nước khi có ca nhiễm nội bộ cần tạm thời đóng cửa để làm vệ sinh, khử khuẩn và thực hiện các biện pháp sàng lọc, tách nhóm nguy cơ theo quy định của Ủy ban chuyên trách. Đơn vị nào không tuân thủ các biện pháp phòng chống lây nhiễm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Chính phủ Lào cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị đội ngũ y tế, tình nguyện viên, phương tiện và thiết bị, ngân sách cho việc tăng cường và mở rộng hoạt động tiêm chủng.

Trong khi đó, tại Campuchia, tình hình dịch đã được kiểm soát, tạo điều kiện để chính phủ nước này mở cửa trở lại các lĩnh vực xã hội. Hiện Campuchia đã mở cửa trở lại hầu hết các lĩnh vực, học sinh được trở lại trường học.

Đối mặt một mùa Đông ảm đạm với dự báo số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh, một số nước ở châu Âu đang siết chặt các biện pháp chống dịch, trong đó đặc biệt nghiêm ngặt với những người chưa tiêm chủng vaccine.

Israel hôm qua đã bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine COVID -19 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi. 1,2 triệu trẻ em trong độ tuổi này sẽ tiêm vaccine của Pfizer /BioNTech.

Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, đến tháng 11, trẻ em từ 5 đến 11 tuổi chiếm 1/3 số ca mắc mới COVID-19. Do đó, các quan chức y tế nước này tin rằng chỉ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng khi trẻ em được tiêm chủng đầy đủ. Trước đó, Israel cũng đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Ngày 22/11, Áo bắt đầu thực thi lệnh phong tỏa toàn quốc thứ tư, trở thành quốc gia Tây Âu đầu tiên áp đặt trở lại lệnh phong tỏa trong mùa Thu này. Đây là đợt phong tỏa đầu tiên tại Áo kể từ khi chiến dịch tiêm phòng được triển khai rộng rãi. Theo quy định mới, hầu hết các địa điểm tập trung đông người như nhà hàng, quán cà phê, quầy bar, rạp hát, cửa hàng không thiết yếu và tiệm làm tóc phải đóng cửa trong 10 ngày và có thể kéo dài lên đến 20 ngày.

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại một điểm tiêm lưu động ở Vienna, Áo ngày 18/11 - Ảnh: Reuters

Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại một điểm tiêm lưu động ở Vienna, Áo ngày 18/11 - Ảnh: Reuters

Tại Đức, kể từ ngày 21/11, lệnh giới nghiêm với những người chưa tiêm bắt đầu có hiệu lực tại các thành phố Meißen, Bautzen, Sächsische Schweiz-Osterzgebirge, Nordsachsen và Erzgebirgskreis. Còn tại bang Sachsen, kể từ ngày 22/11, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa tất cả các quán bar và địa điểm giải trí. Trong khi đó, bang miền Bắc Schleswig-Holstein sẽ áp đặt quy định 2G tại các không gian công cộng trong nhà.

Tại nơi làm việc, những người chưa tiêm chủng mỗi ngày đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm nhanh, hoặc kết quả xét nghiệm PCR được thực hiện không quá 48 giờ. Ở bang miền Tây Nam Baden-Württemberg, 3 thành phố sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm đối với những trường hợp chưa tiêm chủng.

Theo các quy định mới, những người không tiêm sẽ bị yêu cầu ở nhà trong khoảng thời gian từ 9h tối đến 5h sáng hằng ngày. Dù vậy, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/11 cho rằng các biện pháp chống dịch áp dụng hiện nay ở nước này chưa đủ mạnh để kiểm soát làn sóng lây nhiễm thứ tư đang gây sức ép lớn lên hệ thống y tế. Bà kêu gọi chính quyền 16 bang siết chặt hơn nữa các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Tại New Zealand, từ ngày 3/12 tới, hệ thống phân loại cấp độ dịch để sống chung với COVID-19 sẽ được áp dụng, theo đó dỡ bỏ các biện pháp hạn chế và cho phép nối lại các hoạt động kinh doanh tại Auckland - thành phố lớn nhất nước. Theo thông báo của Thủ tướng Jacinda Ardern, hệ thống mới này sẽ phân cấp các khu vực theo các màu đỏ, cam, xanh lá cây tùy theo nguy cơ lây nhiễm và tỷ lệ tiêm chủng của khu vực. Thành phố Auckland - tâm điểm của làn sóng bùng phát dịch do biến thể Delta - sẽ bắt đầu áp dụng hệ thống phân cấp này và được xác định là vùng đỏ. Theo đó, người dân Auckland bắt buộc phải đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người ở khu vực công cộng.

Còn tại Australia, từ ngày 1/12, chính phủ nước này sẽ mở cửa biên giới cho khoảng 230.000 người nước ngoài, bao gồm sinh viên quốc tế, những người lao động theo diện thị thực việc làm, người nhập cảnh theo diện đoàn tụ gia đình và người có thị thực nhân đạo. Đây được xem là tin vui lớn sau hơn 18 tháng quốc gia lớn nhất châu Đại Dương này chính thức đóng cửa biên giới để chống dịch COVID-19.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh