Cập nhật COVID-19 thế giới: Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.
- Thế giới quanh ta
- 09:45 - 20/11/2021
Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 20/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 256.873.793 ca, trong đó có 5.154.004 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.
Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Mỹ là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 83.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 231 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 79.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 19/11, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 609 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 386 người và Bosnia-Herzegovina với 371 người/100.000 dân. Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,5 triệu ca tử vong trong trên 46,3 triệu ca mắc COVID-19.
Châu Âu có trên 80 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,4 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 1,1 triệu ca tử vong trong trên 80,4 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có trên 790.500 triệu ca tử vong trong trên 48,4 triệu ca bệnh. Châu Phi ghi nhận trên 221.200 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại dương là trên 3.900 người.
VTV cũng đưa tin, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Đức buộc Chính phủ nước này siết chặt các biện pháp chống dịch. Giới chức Đức đã thông qua một số biện pháp như yêu cầu tất cả người tới thăm và nhân viên các cơ sở dưỡng lão phải làm xét nghiệm hàng ngày. Các nhân viên đã tiêm đủ liều vẫn cần làm xét nghiệm 3 lần trong tuần.
Truyền thông Áo ngày 19/11 đưa tin, nước này sẽ áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tuần tới trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây tăng vọt. Ước tính có 66% dân số Áo đã tiêm phòng đầy đủ, một trong những tỷ lệ thấp nhất tại Tây Âu. Tỷ lệ mắc COVID-19 tại Áo vào hàng cao nhất châu lục, ở mức 971 ca/100.000 người trong 7 ngày. Hai tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch COVID-19 là Salzburg và Upper Austria. Chính quyền hai tỉnh tuyên bố sẽ áp lệnh phong tỏa vào ngày 22/11 tới, đồng thời hối thúc Chính phủ trung ương có động thái tương tự.
Ukraine liên tục ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới và tử vong hàng ngày vì COVID-19. Và đại dịch đang tấn công nhiều hơn vào trẻ em trong những tháng gần đây. Các bệnh viện bệnh truyền nhiễm liên tục nhận bệnh nhân trẻ em, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine trong dân số thấp, trong khi hệ thống y tế lại không được đầu tư đủ.
Quốc gia này ghi nhận số ca mắc mới là 20.000 trường hợp trong trung bình 7 ngày qua. Dịch bệnh căng thẳng đã đẩy các y, bác sĩ ở nước này vào tình trạng quá tải, với những ca làm việc vượt quá giới hạn chịu đựng bình thường. Tại một số bệnh viện ở Ukraine, có bác sĩ làm phải làm việc 24 giờ trong bệnh viện, tiếp đến là 18 giờ trong những căn lều dã chiến để chữa trị bệnh nhân COVID-19, tổng cộng lên tới 42 giờ cho một ca làm việc.
Kể từ ngày 22/11, Chính phủ Cộng hòa Czech chỉ cho phép những người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh do virus SARS-CoV-2 trong 6 tháng được vào nhà hàng, tham dự một số sự kiện và sử dụng nhiều dịch vụ khác. Hiện Czech đang phải đối mặt với một tình huống "nghiêm trọng" khi trong những ngày qua, quốc gia hơn 10 triệu dân này đang đối mặt với tỷ lệ gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm mới với 22.500 ca nhiễm mới trong ngày.
Bộ trưởng Bộ Y tế Czech cho biết, việc áp đặt các hạn chế mới này sẽ là động lực cho người dân tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19 để phòng ngừa nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Từ đầu tuần tới, những người chưa tiêm vaccine tại Hy Lạp sẽ không được phép vào các địa điểm trong nhà như rạp chiếu phim, rạp hát, phòng tập gym và bảo tàng, thậm chí kể cả khi họ có xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, theo quy định mới của Hy Lạp, giấy chứng nhận tiêm vaccine chỉ có hiệu lực trong 6 tháng để khuyến khích người dân đi tiêm bổ sung. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở Hy Lạp là 62%, thấp hơn mức trung bình ở các nước châu Âu khác.
Bộ trưởng Bộ Du lịch Philippines Berna Puyat thông báo sẽ sớm mở cửa đón tiếp du khách quốc tế trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này chuẩn bị kế hoạch mở cửa một phần đối với các du khách đã hoàn thành tiêm chủng. Bà Puyat cho biết, biên giới sẽ sớm mở của trở lại, nhưng không cung cấp thời gian cụ thể. Bà nhấn mạnh, việc cho phép các du khách từ các nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách xanh (có tỷ lệ tiêm chủng cao và ít có nguy cơ về dịch bệnh) sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục kinh tế. Theo Chính phủ Philippines, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp vào vùng xanh, trong đó có Trung Quốc, Indonesia và Zimbabwe.
Bộ Y tế Lào ngày 19/11 cho biết, một công ty dược của nước này đã được cấp phép sản xuất viên uống Molnupiravir, một loại thuốc uống được đánh giá tốt trong hỗ trợ điều trị bệnh COVID-19. Đây là một trong các nỗ lực của Lào nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế Lào, việc sản xuất thử nghiệm thuốc Molnupiravir sẽ được triển khai từ tháng 12 dưới sự giám sát của Tổ chức Y tế Thế giới.
Trong 3 ngày qua, Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 3.000 ca. Trong khi đó, các ca bệnh nặng tăng liên tục và nguồn lực y tế bị quá tải. Số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ sử dụng giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Seoul là hơn 80% và vùng phụ cận là hơn 78%. Tỷ lệ này trên cả nước là gần 64%.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cho phép tăng số người nhập cảnh vào nước này từ 3.500 lên 5.000 người/ngày từ ngày 26/11 tới. Quyết định được đưa ra dựa trên đánh giá về việc dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt và nhu cầu nhập cảnh vào Nhật Bản đang ngày càng cao trong thời gian qua. Tình hình dịch bệnh tại nước này đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cũng như hệ thống y tế và hệ thống kiểm soát dịch bệnh đã được tăng cường.