THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:03

Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 465.502.865 ca

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 465.502.865 ca, trong đó có 6.085.834 người tử vong.

Biến thể mới khiến đồ thị dịch COVID-19 đảo chiều. Dù vậy, sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và từng bước trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong 1 ngày qua, Hàn Quốc là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 621.000 ca), trong khi Mỹ là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 600 ca. Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng vọt, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn.

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 397 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 62 triệu ca và trên 63.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 17/3, thế giới có 68 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới.

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 17/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng số ca bệnh trên 24 triệu trường hợp và 392.018 ca tử vong. Trong ngày 17/3, Việt Nam có số ca mắc mới (trên 180.000 ca) cao nhất khu vực ASEAN, trong khi Indonesia cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (218 ca).

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Tất cả các nước thành viên ASEAN đều ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bochum, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Bochum, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, kể từ ngày 1/4 tới, Chính phủ Canada sẽ chấm dứt yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh đối với những du khách đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 đến nước này bằng đường hàng không và đường bộ. Tuy nhiên, việc xét nghiệm ngẫu nhiên khi đến Canada vẫn sẽ được thực hiện để theo dõi các biến thể mới. Hiện các hãng hàng không Canada đang tăng cường tuyển dụng lại nhân lực và bổ sung các tuyến bay cho những tháng tới để chuẩn bị đón du khách quốc tế đến nước này.

Theo thống kê chính thức, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Canada hiện vượt 3,37 triệu, trong đó trên 37.000 người tử vong.

Lo ngại về số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng mạnh trong những ngày qua, nhiều bang ở Đức do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế để chống dịch bệnh, dự kiến vào ngày 20/3.

Nhiều bang trong cả nước đang lập kế hoạch vận dụng một điều khoản trong "luật bảo vệ chống lây nhiễm mới" quy định thời gian chuyển tiếp 2 tuần sau thời điểm hầu hết các biện pháp phòng dịch được gỡ bỏ vào ngày 20/3. Các quy định trước đây như yêu cầu về đeo khẩu trang hoặc quy tắc 2G (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19) và 3G (đã tiêm chủng hoặc đã phục hồi sau mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính) có thể vẫn được áp dụng cho đến ngày 2/4.

Trong vài ngày qua, số ca mắc mới COVID-19 liên tục “lập đỉnh” mới khiến nhiều bang do dự trong việc bãi bỏ các quy định hiện tại. Theo số liệu thống kê của Viện Robert Koch, tỷ lệ mắc COVID-19 trong 7 ngày qua tại Đức là 1.607,1 ca/100.000 dân, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 279.234 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc tại Đức lên trên 18,12 triệu trường hợp.

  

Nhiều bang ở Đức do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế. (Ảnh: AP)

Nhiều bang ở Đức do dự trong việc bãi bỏ các biện pháp hạn chế. (Ảnh: AP)

 

Từ ngày 17/3, Campuchia bắt đầu ban hành quy định xóa bỏ các yêu cầu y tế về COVID-19 khi nhập cảnh vào nước này để thu hút du khách quốc tế. Ủy ban Liên bộ phòng, chống COVID-19 Campuchia do Bộ Y tế nước này chủ trì đã thông báo một số nội dung quan trọng liên quan đến quy định xuất nhập cảnh của Campuchia.

Theo thông báo, Campuchia miễn thủ tục xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ và miễn cả xét nghiệm nhanh đối với du khách nhập cảnh vào Campuchia. Bên cạnh đó, Campuchia sẽ cấp lại thị thực nhập cảnh cho tất cả khách du lịch quốc tế, bao gồm cả khách du lịch đường hàng không, đường bộ và đường thủy.

Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ cho phép khách du lịch nhập cảnh vào nước này mà không cần xuất trình bằng chứng về việc xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Du khách sẽ chỉ cần xét nghiệm PCR khi đến và tự xét nghiệm kháng nguyên vào ngày thứ 5 sau khi đến. Ngoài ra, hạn mức bảo hiểm y tế cho du khách nước ngoài sẽ giảm từ ít nhất 50 nghìn USD xuống 10 nghìn USD.

Dự kiến, một kế hoạch chi tiết các bước để Thái Lan hạ cấp đại dịch COVID-19 xuống thành bệnh đặc hữu cũng sẽ được đệ trình tại cuộc họp của Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 vào ngày 18/3.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc lần đầu tiên vượt con số 600.000 ca/ngày trong ngày 16/3. Số ca mắc mới tăng 55% so với ngày trước đó và phần lớn là ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong khi đó, ngày 17/3, Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục 621.328 ca nhiễm COVID-19 mới và 429 người tử vong.

Hàn Quốc đang ở đỉnh của đợt lây nhiễm trầm trọng nhất. Các cơ sở hỏa táng ở trong tình trạng quá tải do số người tử vong tăng nhanh. Đối mặt với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, Hàn Quốc cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng những loại thuốc điều trị thông thường. Truyền thông nước này đưa tin, nhiều cơ sở y tế tư nhân ở Seoul hiện không còn các loại thuốc phổ thông để kê cho bệnh nhân như thuốc cảm, thuốc giảm ho, siro long đờm. Số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà ở Hàn Quốc lên đến khoảng 1,6 triệu người và vì vậy, các loại thuốc điều trị cảm cúm thông thường cũng trở nên khan hiếm.

Chính quyền đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đang nỗ lực khống chế đợt bùng phát dịch thứ 5 kể từ tháng 12/2021, khi biến thể Omicron lây lan mạnh, gây sức ép đối với hệ thống y tế thành phố. Nhiều bệnh viện hiện bị quá tải với khối lượng bệnh nhân mắc COVID-19, trong khi nhà xác, nhà tang lễ cũng chịu áp lực lớn. Theo các nhà nghiên cứu, tới nay đã có gần 50% trong tổng số 7,4 triệu dân của đặc khu hành chính này mắc COVID-19.

Dù đợt dịch lần này đã đạt đỉnh vào ngày 4/3, ước tính số người mắc COVID-19 có thể lên đến 4,5 triệu trước khi làn sóng này kết thúc. Các nhà nghiên cứu dự báo, đến ngày 1/5 tới, số ca tử vong do COVID-19 ở Hong Kong sẽ vượt mốc 5.000 người. Đến nay, đặc khu này đã ghi nhận tổng cộng trên 975.000 ca mắc và gần 5.000 người tử vong, phần lớn được ghi nhận trong 3 tuần vừa qua.

Hong Kong hiện đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. (Ảnh: AP)

Hong Kong hiện đang phải chống chọi với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng. (Ảnh: AP)

 

Chỉ 3 tuần trước, Trung Quốc ghi nhận số ca mắc COVID-19 dưới 100 ca/ngày. Tuy nhiên, con số này đã tăng vượt 1.000 ca/ngày trong 1 tuần qua. Trong hơn 1 năm, nước này cũng không ghi nhận ca tử vong mới nào do COVID-19 nhờ các biện pháp phòng chống dịch siết chặt. Tuy nhiên, biến thể Omicron dễ lây lan đang đặt ra thách thức cho chính sách "Zero COVID", khiến các thành phố của Trung Quốc, trong đó có Thâm Quyến, trung tâm công nghệ miền Nam nước này, phải áp đặt phong tỏa trong khi các thành phố khác ban bố các biện pháp hạn chế siết chặt.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh