CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:30

Tổng cục Thuế yêu cầu cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế

 

Theo thống kê, số tiền nợ thuế tăng tập trung vào nhóm nợ có khả năng thu (đến 90 ngày và trên 90 ngày), tăng 42,7% so với thời điểm 31/12/2017 và tăng tập trung vào 5 sắc thuế chính (thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 99,1%; thuế giá trị gia tăng tăng 12,7%; thuế tiêu thụ đặc biệt tăng 9,9%; thuế thu nhập cá nhân tăng 42,8% và thuế bảo vệ môi trường tăng 126,6%).

 

26/60 địa phương có số nợ thuế tăng lớn trên 100 tỷ đồng.

 

Đáng chú ý, có 60/63 địa phương nợ đọng thuế, tăng nợ thuế so với thời điểm ngày 31/12/2017, trong đó 26/60 địa phương có số nợ tăng lớn trên 100 tỷ đồng.

Trong khi đó, số thu hồi tiền nợ đọng thuế trong 5 tháng đầu năm 2018 mới đạt 35,7% số nợ thuế có khả năng thu (đến 90 ngày và trên 90 ngày) tại thời điểm 31/12/2017 và thấp hơn cùng kỳ năm 2017.

Theo Tổng cục Thuế, số nợ đọng thuế trong những tháng đầu năm 2018 tăng cao do nguyên nhân khách quan như số tiền nợ cũ dai dẳng, kéo dài của những năm trước tồn đọng không thu hồi được; số tiền chậm nộp tính 0,03%/ngày tăng lên và tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, ngừng hoạt động, bỏ khỏi địa chỉ kinh doanh, tự giải thể, phá sản; và do một bộ phận người nộp thuế ý thức chấp hành pháp luật thuế chưa cao.

Ngoài ra, theo Tổng cục Thuế còn nguyên nhân chủ quan khác đó là vẫn còn 1 số đơn vị còn chưa quan tâm chỉ đạo ráo riết, chưa thường xuyên giám sát, đôn đốc nhắc nhở việc thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ.

Để đảm bảo thu ngay số tiền nợ thuế mới phát sinh và giảm số tiền thuế nợ đọng, Tổng cục Thuế đã có công văn chỉ đạo các cục thuế địa phương tăng cường thực hiện đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế.

Tổng cục Thuế yêu cầu, trước ngày 30/6/2018, lãnh đạo các cục thuế quán triệt, phân công, giao nhiệm vụ đôn đốc, áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với danh sách người nộp thuế nợ thuế có khả năng thu lớn, mới phát sinh tăng cao trong những tháng đầu năm 2018 cho các cấp lãnh đạo và cán bộ tham gia công tác quản lý nợ thuế để thu ngay tiền nợ thuế mới phát sinh, đồng thời tiếp tục thu tiền nợ cũ để giảm số tiền thuế nợ đọng.

Các cục thuế cũng phải thực hiện ngay biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các doanh nghiệp thuộc các đối tượng phải cưỡng chế nợ thuế, hoặc phải chuyển sang biện pháp tiếp theo khi đã thực hiện biện pháp cưỡng chế trước, nhưng chưa thu được hoặc chưa thủ đủ tiền thuế nợ, theo danh sách doanh nghiệp đã được Tổng cục Thuế giao từ đầu năm 2018.

Tổng cục Thuế cũng giao các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ phân loại nợ thuế đối với các trường hợp đang phân loại vào nhóm tiền thuế nợ khó thu, nợ đang xử lý, nợ đang chờ điều chỉnh, đảm bảo thực hiện phân loại nợ thuế trên hệ thống quản lý thuế tập trung  chính xác, đúng tính chất của khoản tiền thuế nợ, có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các cục thuế tập trung chỉ đạo bộ phận kê khai thuế và tin học tổ chức thực hiện rà soát dữ liệu kê khai thuế, chứng từ, biên lai nộp thuế của người nộp thuế, phát hiện ngay những trường hợp dữ liệu kê khai sai, không đúng, nộp sai mục lục ngân sách, sai mã số thuế để điều chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp số nợ sai, nợ ảo...

Đặc biệt, các cục thuế phải điều chỉnh, xử lý dứt điểm tình trạng các khoản nợ đang xử lý, chờ điều chỉnh còn tồn đọng tại thời điểm 30/4/2018 trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31/7/2018; không để tình trạng nợ đang chờ điều chỉnh, nợ đang xử lý kéo dài hàng năm, có khoản nợ nhiều năm mà chưa điều chỉnh.

KHÁNH VÂN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh