CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam: Đẩy mạnh công tác chống buôn lậu thuốc lá

90% thuốc lá nhập lậu trên thị trường hiện nay mang thương hiệu JET và HERO.

 

Trong 5 tháng đầu năm, hoạt động  sản xuất kinh doanh (SXKD) của Tổng công ty và Ngành Thuốc lá gặp nhiều khó khăn khi mà từ ngày 01/01/2019, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản phẩm thuốc lá điếu tăng từ 70% lên 75%, ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành và làm cho tổng cầu trên thị trường nội tiêu giảm đáng kể. Sức mua của người dân đối với sản phẩm sản xuất trong nước giảm, gián tiếp tạo điều kiện cho thuốc lá nhập lậu vốn không phải đóng thuế hay phải trả bất cứ chi phí nào cho việc tuân thủ quy định về kiểm soát thuốc lá tăng trở lại. Mặc dù Chính phủ, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý tiếp tục quan tâm thực hiện Chỉ thị 30/2014/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng chống hoạt động buôn lậu, vận chuyển và kinh doanh sản phẩm thuốc lá điếu và cigar trái phép, tuy nhiên, tình trạng buôn bán thuốc lá lậu tăng, đồng thời phát sinh nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

Thị trường thuốc lá điếu nội tiêu bị cạnh tranh gay gắt do ảnh hưởng của việc tăng thuế TTĐB và tăng giá bán sản phẩm thuốc lá. Xu hướng tiêu thụ thuốc lá điếu ở phân khúc cao cấp gần như ổn định qua các năm trong khi các phân khúc khác đều có sự biến động, đặc biệt là  xu hướng chuyển dịch từ phân khúc phổ thông lên phân khúc trung cấp cho phù hợp nhu cầu của người tiêu dùng. Công tác SXKD nguyên liệu gặp nhiều khó khăn do diện tích vùng trồng có xu hướng bị thu hẹp.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, kết quả một số chỉ tiêu SXKD chính của Tổng công ty trong 5 tháng đầu năm 2019 đã đạt tương tương hoặc tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước:  Tổng doanh thu đạt 9.617 tỷ đồng, bằng 97,2% so cùng kỳ năm trước. Nộp ngân sách đạt 4.185 tỷ đồng, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 99,5 triệu USD, tăng 37,5% so cùng kỳ năm trước.

Ngày 30/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg  về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá. Chỉ thị 30  ra đời  là công cụ pháp lý quan trọng, đem lại động lực to lớn cho công tác chống buôn lậu thuốc lá. Điều này thể hiện khi ngay trong năm đầu tiên Chỉ thị được ban hành, với sự vào cuộc đồng loạt của các cơ quan chức năng, lượng thuốc lá lậu năm 2015 đã giảm 30% và đưa lại tăng thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, tiêu hủy 10.147.156 bao thuốc lá lậu.

Sau  khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018, trong đó có các quy định xử lý hình sự nghiêm khắc đối với các hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá lậu đã tác động mạnh đến đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuê thuốc lá lậu, tăng cường hiệu quả các chế tài xử phạt, giúp các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý nghiêm, đảm bảo tính răn đe đối với các đối tượng buôn bán thuốc lá nhập lậu.

Ngày 26/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg quy định việc thực hiện tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài. Quyết định có hiệu lực từ 15/6/2018. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai Quyết định, hơn 6 triệu bao thuốc lá bị  các lực lượng chức năng bắt giữ đã bị tồn lại vì không tái xuất được cũng như không tiêu hủy được:

Việc mời cơ quan có thẩm quyền để đánh giá chất lượng thuốc lá nhập lậu theo quy định là rất khó khăn. Chi phí thuê cơ quan chuyên môn có thẩm quyền đánh giá chất lượng thuốc lá rất cao, dẫn đến việc xử lý theo Quyết định 20 bị kéo dài, vi phạm thời hạn quy định và gây thiệt hại cho ngân sách.

Thuốc lá ngoại nhập lậu, ngoài nhãn hiệu JET và HERO còn rất nhiều chủng loại, nhãn hiệu ngoại khác. Trong khi đó, tiêu chí xác định chất lượng thuốc lá hiện hành chỉ áp dụng với thuốc lá sản xuất trong nước hoặc thuốc lá nhập khẩu theo tiêu chuẩn nội địa của Việt Nam. Những tiêu chí này không phù hợp để xác định chất lượng thuốc lá ngoại nhập lậu, từ đó khó có cơ sở xác định điều kiện có được phép đấu giá tái xuất ra nước ngoài hay không. Do vậy, kể từ khi Quyết định 20/2018/QĐ-TTg có hiệu lực từ 15/6/2018 tới nay, chưa xuất khẩu được trường hợp nào.

Trong khi đó, Quyết định 20 đã tạm ngưng hiệu lực của Quyết định 2371/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 về việc tiêu hủy toàn bộ thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu. Việc này dẫn tới việc hỗ trợ kinh phí tiêu hủy theo Thông tư 19/2015/TT-BTC (có căn cứ ban hành theo Quyết định 2371/QĐ-TTg) không thực hiện được nữa.

Mặt khác, lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ, tịch thu chủ yếu tập trung tại khu vực biên giới Tây Nam, giáp với Campuchia, chủ yếu là nhãn hiệu JET và HERO, lượng hàng này chiếm trên tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Theo căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc lá điếu, các loại thuốc lá nhập lậu nêu trên đều không phù hợp với quy chuẩn (hàm lượng Nicotine, Tar vượt ngưỡng). Thuốc lá nhập lậu bị tịch thu không đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật mà vẫn được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa như thuốc lá hợp pháp là không phù hợp với quy định hiện hành. Hệ lụy có thể nhận thấy là đe dọa sức khỏe cộng đồng, ngân sách nhà nước thất thu khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự cạnh tranh không lành mạnh. 

 

Phương án đề xuất xử lý của Bộ Tài chính:

Trên cơ sở những vướng mắc trên, vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất hai phương án:

Phương án 1: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bãi bỏ Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg, tiếp tục thực hiện việc tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo Quyết định 2371/QĐ-TTg.

Phương án này được cho là sẽ giải quyết triệt để vấn đề thuốc lá lậu qua biên giới cũng như tuân thủ yêu cầu về tiêu hủy toàn bộ thuốc lá nhập lậu bị tịch thu tại Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, việc hỗ trợ kinh phí tiêu hủy thuốc lá nhập lậu bị tịch thu sẽ tiếp tục thực hiện theo Quyết định 2371/QĐ-TTg, Thông tư 19/2015/TT-BTC, giải quyết được số lượng thuốc lá còn tồn đọng tại các địa phương.

Phương án 2: Thay thế Quyết định số 20 bằng quyết định mới. Hướng sửa đổi là giao quyền chủ động trong việc lựa chọn phương án tiêu hủy hoặc bán đấu giá để xuất khẩu cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu.

Phương án này sẽ tạo điều kiện cho một số địa phương có số lượng thuốc lá bị xử lý tịch thu lớn xem xét tình hình thực tế, giá trị lô hàng bắt giữ để đề xuất việc tái xuất ra nước ngoài nếu có đối tác thu mua. Ngoài ra, việc tái xuất thuốc lá còn chất lượng bị tịch thu sẽ thu được một số tiền, tránh lãng phí của cải xã hội.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh