THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 03:06

Hội đồng Bầu cử Quốc gia thông tin về việc rút tên 2 ứng viên đại biểu Quốc hội

Hôm nay 21/5, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức họp báo thông tin về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5 và vận hành Trung tâm Báo chí bầu cử. 

Xem xét khách quan, thận trọng, cân nhắc nhiều mặt

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia trả lời báo chí liên quan đến việc rút tên 2 ứng cử viên Nguyễn Thế Anh (Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) và Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.

Theo bà Thanh, trên cơ sở đơn xin rút của 2 ứng cử viên và đề nghị của Uỷ ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang và Uỷ ban Bầu cử TP Hà Nội; Hội đồng Bầu cử quốc gia đã xem xét khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và có nghị quyết về rút tên 2 trường hợp này.

“Hai ứng viên này xin rút vì lý do sức khoẻ và cá nhân”, bà Thanh nêu và khẳng định, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm, đúng quy trình, đúng pháp luật khi cho rút tên đối với 2 ứng cử viên Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Quang Tuấn.

“Thông qua việc cho rút tên 2 ứng cử viên này cũng thể hiện tinh thần làm việc của Hội đồng Bầu cử quốc gia là bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng và mong đợi của cử tri, nhân dân cả nước", bà Thanh nói. 

"Đó là, lựa chọn những người ưu tú, tiêu biểu cho đến khi nào có kết quả cuối cùng được xác nhận tư cách đại biểu của Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp”, Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh thêm.

Bà Thanh cũng nêu rõ, khi đã xác nhận tư cách đại biểu mà đến thời điểm đó có những vi phạm thì vẫn tiếp tục xem xét.

“Thậm chí, đã trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp mà xuất hiện những vi phạm và có tình huống pháp lý đặt ra đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì Quốc hội, cũng như HĐND các cấp vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ cuối cùng là bãi miễn đại biểu đó”, bà Thanh nói thêm, công tác nhân sự không dừng ở 1 giai đoạn nào mà được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chưa nhận bất kỳ văn bản nào kết luận 2 ứng cử viên vi phạm pháp luật

Sau trả lời của bà Thanh, báo chí tiếp tục nêu câu hỏi về nội dung này. Trả lời thêm bà Thanh cho biết, ông Nguyễn Thế Anh được Hội đồng Bầu cử quốc gia cho rút tên từ ngày 5/5/2021. Thời điểm đó, ông Thế Anh chưa có một quyết định có tính chất pháp lý nào để thực hiện việc xóa tên ra khỏi danh sách chính thức.

“Ông Nguyễn Thế Anh có đơn xin rút với lý do sức khoẻ. Uỷ ban Bầu cử tỉnh Kiên Giang đề nghị, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bàn và quyết định cho rút tên”, bà Thanh nhắc lại.

Tương tự là trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai.

Bà Thanh đã dẫn quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND quy định về việc xóa tên những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Theo đó, người có tên trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã được Hội đồng Bầu cử quốc gia công bố mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố bị can, bị bắt, giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự, chết hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bầu cử thì Hội đồng Bầu cử quốc gia xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội.

“Với ông Nguyễn Thế Anh và Nguyễn Quang Tuấn đến thời điểm Hội đồng Bầu cử quốc gia xem xét cho rút tên chưa thể khẳng định là họ có vi phạm pháp luật. Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản pháp lý nào của cơ quan có thẩm quyền về việc kết luận 2 ứng cử viên này vi phạm pháp luật”, bà Thanh nhấn mạnh và lưu ý, ông Nguyễn Quang Tuấn còn đang là đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Còn câu chuyện vi phạm đến đâu thì sẽ có các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Theo bà Thanh, 2 trường hợp này nếu vi phạm pháp luật thì sẽ thực hiện theo các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự, Bộ luật Hình sự.

Cũng tại buổi họp báo, Báo cáo của Hội đồng Bầu cử quốc gia cho biết, tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tính đến thời điểm này có 866 người để bầu 500 đại biểu ( tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 đại biểu).

Cơ cấu kết hợp như sau: phụ nữ: 393 người (45,38%); Người dân tộc thiểu số: 185 người (21,36%); Người ngoài Đảng: 74 người (8,55%); tái cử: 204 người (23,56%); Người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi): 224 người (25,87%). Số người tự ứng cử 09.

Nhìn chung, công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành theo đúng quy trình, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và tiến độ theo quy định, có cơ cấu hợp lý.

Nhân sự được giới thiệu cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đảm bảo nguyên tắc, đúng luật, nâng cao chất lượng, với phương châm không vì số lượng mà hạ thấp tiêu chuẩn.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch covid-19, theo chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, các địa phương đã rà soát, cập nhật bổ sung danh sách cử tri, có các phương án xử lý, bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đều được thực hiện quyền bầu cử.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh