THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:50

Tôn vinh, tri ân những người có công với nước

 

Tri ân những hy sinh thầm lặng và cũng là để vơi đi nỗi lòng của những người mẹ - Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” cho hàng chục nghìn Bà mẹ trên mọi miền đất nước.

Cùng với ý nghĩa tri ân nhằm tôn vinh và ghi danh những công lao to lớn của các bà Mẹ VNAH, một công trình có ý nghĩa to lớn được Thủ tướng Chính phủ xếp vào hạng mục công trình văn hóa cấp Quốc gia là Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, lấy nguyên mẫu từ mẹ Nguyễn Thị Thứ, quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam)- người mẹ có tới 11 con và cháu đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Thiết kế Tượng đài lấy nguyên mẫu từ Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ, người có tới 11 con, cháu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chính thức khởi công từ tháng 7/2007, tượng đài Mẹ VNAH được xây dựng trên diện tích 15 ha tại núi Cấm, thuộc xã Tam Phú (TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Trải qua muôn vàn khó khăn với nhiều ý kiến trái chiều, thế nhưng với sự nỗ lực chung tay, đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, từ Trung ương đến chính quyền địa phương, cũng như tâm huyết của những người trong cuộc, sau gần 7 năm thi công, công trình Tượng đài Mẹ VNAH đã chính thức được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975-24/3/2015) trong niềm hân hoan, chờ đợi của mọi tầng lớp nhân dân.

Anh Trần Minh Quân- người con của mảnh đất Tam Kỳ, chia sẻ: “Mặc dù đã nghe rất nhiều bài hát về các người mẹ anh hùng, nhưng thực sự chỉ khi đứng trước Tượng đài Mẹ VNAH thì tôi mới cảm nhận được đầy đủ sự tthiêng liêng, cao cả, sự vĩ đại, tình cảm bao la của người mẹ dành cho những đứa con của mình. Để từ đó tôi thấy được rằng, sự hy sinh của các mẹ trong sự nghiệp đấu tranh giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc là vô bờ bến, không gì kể xiết”.

Với tổng vốn đầu tư hơn 411 tỷ đồng, toàn bộ Tượng đài Mẹ VNAH có kiến trúc truyền thống mang đậm chất Á Đông. Đây cũng là công trình có quy mô tượng đài lớn nhất Đông Nam Á. Khối tượng chính hình cánh cung mang hình ảnh người mẹ dang tay đón các con vào lòng, nhiều người cho rằng, Tượng đài Mẹ VNAH thực sự mang lại cho mọi người cảm giác yên bình, ấm áp như sự chở che của chính người mẹ hiền.

Hàng ngày có hàng ngàn người đến thăm, viếng tượng mẹ VNAH.

Đặc biệt, với cách bài trí bên trong khối đá hoa cương hình cánh cung dài 120m là nhà bảo tàng các Mẹ VNAH có tổng diện tích gần 400m², bao gồm phòng trưng bày, phòng khách, khu bảo quản. Hai bên tượng đài bố trí hai thảm hoa lớn với diện tích 600m² được trang trí nhiều họa tiết, với sắc thái của 54 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước.

Hoạ sĩ  Đinh Gia Thắng, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả Tượng đài Mẹ VNAH, chia sẻ: “Không gian kiến trúc và cảnh quan tượng đài Mẹ VNAH nổi bật giá trị nghệ thuật về tâm linh. Tượng đài Mẹ VNAH không chỉ là tâm huyết của cá nhân ai, mà đã trở thành niềm mong mỏi hướng về mẹ của những người con trên mọi miền đất nước. Bởi ở đó, không chỉ có dáng dấp của người mẹ hiền, mà còn gợi lên cho người xem hình ảnh của đất nước, của cả một dân tộc Việt Nam”.

Cùng với nhiều hoạt động tri ân, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà Mẹ VNAH cho gần 70.000 người mẹ trong cả nước, trong đó Quảng Nam là địa phương có số Bà Mẹ VNAH được phong tặng và truy tặng nhiều nhất với hơn 11.200 mẹ.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh: Tượng đài Mẹ VNAH  là công trình văn hóa cấp quốc gia, một biểu tượng cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam với khí phách anh hùng, ý chí kiên cường, trung hậu, đảm đang, đã có những cống hiến, hy sinh to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với những hành động và việc làm cụ thể, công trình Tượng đài Mẹ VNAH  là nơi để những thế hệ hôm nay và  mãi mãi về sau tỏ lòng tri ân, tôn vinh đối với các Mẹ, các anh hùng, liệt sỹ, những người đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của quê hương, đất nước. Thông qua đó nhằm giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một biểu tượng vĩnh hằng về  sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ phụ nữ Việt Nam, của các bà mẹ Việt Nam.

Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh