Tôn vinh tài năng trẻ âm nhạc toàn quốc
- Văn hóa - Giải trí
- 16:49 - 06/12/2016
Cuộc thi “Tài năng trẻ Âm nhạc toàn quốc 2016” đã thực sự trở thành một sân chơi thú vị, bổ ích, là nơi chắp cánh cho những nghệ sĩ trẻ đam mê ca hát. Cuộc thi cũng là dịp để cho các nghệ sĩ trẻ trên toàn quốc có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để tự hoàn thiện, khẳng định mình sau mỗi đợt cùng nhau thử sức, đua tài. Cuộc thi năm nay được chia thành 3 phong cách âm nhạc: nhạc nhẹ, nhạc dân gian và thính phòng, trong đó dòng thính phòng có 20 thí sinh, dòng dân gian có 20 thí sinh và dòng nhạc nhẹ có 16 thí sinh. Qua 3 buổi thi của vòng 1 với 56 ca khúc lần lượt được các thí sinh thể hiện hết mình. BTC và Hội đồng giám khảo căn cứ các tiêu chí của cuộc thi đã lựa chọn ra 30 thí sinh của cả 3 dòng có đủ điều kiện để đi tiếp vào vòng 2 của cuộc thi, trong đó dòng thính phòng có: 11 thí sinh. Dòng dân gian có: 9 thí sinh và dòng nhạc nhẹ có: 10 thí sinh.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên trao Huy chương Vàng cho các thí sinh
Kết thúc cuộc thi, BTC đã trao 5 Huy chương Vàng cho: Quách Mai Thy (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), Nguyễn Linh Trúc Lai (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Tiến Hưng (Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam), Nguyễn Thị Ngọc Hà (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), Hoàng Ngọc Anh (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng); 8 Huy chương Bạc và 2 giải “Giọng ca nhiều triển vọng” cho Trần Văn Quân (Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thừa Thiên – Huế), Phạm Hương Giang (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc). Đặc biệt, thí sinh Vũ Tiến Dũng (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) được Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tuyển thẳng, tài trợ học bổng hoàn thiện khóa học.
Đánh giá về chất lượng cuộc thi, NSND Nguyễn Quang Vinh (Hội đồng Giám khảo) cho biết: “Thông qua vòng thi thứ nhất, nhiều thí sinh đã khéo léo lựa chọn từ tác phẩm đến trang phục và lối trình diễn phù hợp với phong cách của mình và đã đạt hiệu quả cao như “Thạch Bi Sơn” của Nguyễn Linh Trúc Lai, hay “Chào sông mã anh hùng” của Nguyễn Tiến Hưng và “Đêm” của Nguyễn Thị Liên, hoặc “Vẽ” của Nguyễn Tiến Dũng... Ngược lại cũng có những thí sinh có thể do chưa được đầu tư, hoặc còn chưa có kinh nghiệm đã lựa chọn tác phẩm không đúng với phong cách mà mình đã đăng kí, hoặc lựa chọn tác phẩm đơn giản mà trong đó không có cơ hội để bộc lộ những mặt mạnh của mình nên hiệu quả không cao”.
Cũng theo NSND Nguyễn Quang Vinh, việc lựa chọn tác phẩm, xây dựng phong cách thể hiện của các thí sinh đã may mắn lọt vào vòng thi thứ 2 cũng đã bộc lộ rõ những ưu điểm đối với những thí sinh biết duy trì phong độ theo chiều hướng tăng dần, biết phát huy những điểm mạnh giữa giọng ca và phong cách thể hiện để tạo ra tiết mục như một sản phẩm có tính hoàn chỉnh thuyết phục như “Nỗi lòng” của Nguyễn Linh Trúc Lai, “Sông Lô” của Nguyễn Tiến Hưng, “Say trăng vọng quốc” của Quách Mai Thy, hay “Chuông gió” của Ngọc Hà... Bên cạnh ưu điểm cũng những nhược điểm đối với những thí sinh đã lựa chọn bài chưa phù hợp về cả quãng giọng, trong cách thể hiện bộc lộ rõ điểm yếu khi chỉ sử dụng bạch thanh cho những âm khu cao ở cường độ mạnh kéo dài, dẫn tới bị vỡ âm, hoặc chênh về cao độ mỗi khi chuyển quãng trong tác phẩm, cùng với việc coi nhẹ về phong cách thể hiện trên sân khấu nếu không muốn nói là hơi tuềnh toàng. Điều đó đã làm giảm hiệu quả đáng kể cho một số thí sinh đã đạt điểm cao tại vòng 1 nhưng lại có điểm tế nhị tại vòng 2.
Tại lễ bế mạc, NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc thi nhấn mạnh: “Hơn 60 ca sĩ trẻ từ mọi miền đất nước đã hội tụ về Thủ đô Hà Nội và cùng tỏa sáng tài năng nghệ thuật tại Cuộc thi lần này. Mỗi thí sinh đều thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng, các phong cách thanh nhạc đã được thể hiện một cách có cá tính, sáng tạo và mạnh dạn. Các em đã cống hiến cho khán giả những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, một số em đạt mức xuất sắc và chắc chắn sẽ là thế hệ ca sĩ tài năng kế tiếp, chiếm lĩnh sân khấu ca nhạc trong tương lại gần”.