Tôn vinh nghệ thuật hát then- đàn tính
- Văn hóa - Giải trí
- 21:05 - 19/09/2015
Liên hoan năm nay có nhiều điểm mới, trong đó, lần đầu tiên sẽ tổ chức hội thảo quốc tế “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam”, với sự tham gia của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế: Anh, Pháp, Malaysia, Thái Lan, chuyên gia UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể. Các đại biểu tham dự hội thảo có cơ hội thưởng thức di sản then trong nghi lễ cúng Vía của đồng bào dân tộc Tày (Chiêm Hóa, Tuyên Quang).
Trong khuôn khổ Liên hoan, ngoài việc thưởng thức các làn điệu then cổ của từng địa phương, khán giả cũng có cơ hội khám phá các hình thức múa then, tấu then cải biên, các ca khúc sáng tác dựa trên chất liệu then. Tại Liên hoan, triển lãm ảnh “Di sản then các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam” giới thiệu đến công chúng những hình ảnh, hiện vật, nhạc cụ, trang phục... thể hiện sức sống của then trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam. Có thể nói, Liên hoan nghệ thuật hát then - đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái đã trở thành hoạt động quen thuộc của ngành văn hóa nói chung, của các dân tộc miền núi phía Bắc nói riêng.
Theo ông Hoàng Đức Hậu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT&DL), then rất đa dạng và phong phú, vừa có giá trị tâm linh, vừa có giá trị nghệ thuật. Sức sống của then được khẳng định khi ở Lạng Sơn có tới vài trăm câu lạc bộ then, ở TP.Hồ Chí Minh cũng có tới 3 nhóm then...
Nghệ thuật hát then - đàn tính.
Di sản văn hóa then là điểm hội tụ chung của 3 dân tộc thiểu số Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam. Địa bàn sinh sống chính của người Thái là ở Tây Bắc, trong khi đó người Tày - Nùng chủ yếu sinh sống ở Đông Bắc, nhưng ở đâu có người Tày - Nùng - Thái sinh sống thì ở đó có then. Vì thế, then lan tỏa tận Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai... khi có người của các dân tộc này di cư, làm ăn sinh sống tại địa bàn.
Liên hoan lần này, ngoài mục đích tôn vinh, bảo tồn, phát triển hát then - đàn tính là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đã gắn bó với đời sống của các dân tộc Tày - Nùng - Thái còn có ý nghĩa quảng bá, giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về đất nước, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch cũng như các giá trị di sản văn hóa gắn với nghệ thuật dân gian hát then - đàn tính. Liên hoan cũng là hoạt động thiết thực nhằm kiểm kê, tôn vinh và bảo tồn di sản then trước thềm chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong quý I/2016.
Cùng với Liên hoan nghệ thuật hát then- đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V năm 2015, tỉnh Tuyên Quang cũng tổ chức Lễ hội Thành Tuyên năm 2015 tạo nên bầu không khí vui nhộn, đặc sắc và đậm nét văn hóa truyền thống. Sau 10 năm tổ chức, năm 2014, lần đầu tiên Lễ hội Thành Tuyên được tổ chức ở quy mô cấp tỉnh với hàng trăm mô hình đèn trung thu khổng lồ được rước qua các tuyến phố, thu hút hàng vạn lượt khách về tham dự. Vượt lên ý nghĩa của một lễ hội văn hóa đặc sắc, Lễ hội Thành Tuyên hằng năm là dịp để giới thiệu với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về mảnh đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa của quê hương cách mạng- thủ đô khu giải phóng, thủ đô kháng chiến, những nỗ lực của Tuyên Quang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Năm nay, Đêm hội Thành Tuyên diễn ra từ 20 giờ 00 ngày 26/9 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP. Tuyên Quang, diễn diễu các xe mô hình đèn trung thu và được cầu truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.
“Lễ hội Thành Tuyên” cùng với Liên hoan nghệ thuật hát then- đàn tính hứa hẹn tạo nên bầu không khí vui nhộn, đặc sắc và đậm nét văn hóa truyền thống trên mảnh đất quê hương cách mạng Tuyên Quang.