THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:51

Tôn vinh 12 tác phẩm xuất sắc đoạt giải viết về trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS năm 2015

Các tác giả nhận giải chụp ảnh cùng ban tổ chức

Đến dự, có Nhà văn Nguyễn Thành Phong, Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội, Trưởng ban tổ chức cuộc thi; ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi; bà Cao Thanh Thủy, Phó vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế; các đại biểu Bộ Y tế,Bộ GD&Đ, TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng các cơ quan ban ngành, cơ quanbáo chí và các tác giả đoạt giải.

Đề tài được nhiều cơ quan báo chí quan tâm

Những năm qua, các cấp, các ngành đẫ có nhiều hoạt động để thực hiện mục tiêu không còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đặc biệt với trẻ em OCV. Cuộc thi được tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12 hằng năm, đặc biệt nhằm giảm kỳ thị và bảo vệ chăm sóc trẻ em OCV. Cuộc thi cũng góp phần tôn vinh các nhà báo chuyên và không chuyên đã tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự phòng HIV, giảm kỳ thị của xã hội đối với những người sống chung hoặc chịu ảnh hưởng của HIV.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi phát biểu tại lễ trao giải

Phát biểu tại lễ trao giải, ông Đặng Hoa Nam, nhấn mạnh: “Tôi đánh giá cao tâm huyết các nhà báo về đề tài này, các tác phẩm dự thi đều thể hiện sự quan tâm đến quyền trẻ em nói chung và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AISD nói riêng. Trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AISD đa phần là những trẻ em nghèo, có những hoàn cảnh thương tâm như bố mẹ li dị, hoặc không còn bố, mẹ và bố mẹ năng lực làm việc suy giảm… Các em vừa là những đối tượng trẻ em mồ côi, đa số các em là những đối tượng bị kỳ thị, bị tước đi các quyền: đi học, vui chơi, bị ảnh hưởng về tinh thần, không được hòa nhập. Thậm chí nhiều em bé còn bị kỳ thị oan”.

Ông Đặng Hoa Nam cho biết thêm, hiện nay mô hình kết nối dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AISDS (CLS) do Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức Cứu trợ phát triển (CRS) thực hiện tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, và đáng mừng là khi sơ kết chương trình, các địa phương đã cho biết sẽ tự đảm nhận về kinh phí để xây dựng các mô hình này cho các em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. “Cuộc thi này là cơ hội để Ban tổ chức tôn vinh các nhà báo, các cơ quan truyền thông đã tích cực thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của toàn thể cộng đồng đến trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AISD”, ông Nam khẳng định.

Chỉ với khoảng thời gian phát động rất ngắn, BTC đã nhận được 150 tác phẩm trên toàn quốc, từ báo trung ương tới địa phương gửi về tham dự, trong đó có 50 bài lọt vào vòng chung khảo. “Số lượng bài dự thi vượt quá dự kiến của BTC, cho thấy đây là đề tài nóng bỏng, được các nhà báo, các cơ quan truyền thông hết sức quan tâm, luôn tăng cường thông tin và các bài viết sống động, sâu sắc để tác động đến toàn xã hội quan tâm, chăm sóc hơn nữa đến trẻ OCV. Qua các tác phẩm đến từ khắp báo đài địa phương, trung ương cho thấy, điều đáng mừng là công cuộc bảo vệ chăm sóc trẻ nhiễm HIV/AISD được quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền trên toàn quốc. Các tác phẩm viết về trẻ HIV/AISD ở miền núi khá nhiều và chất lượng bài rất tốt”, Nhà văn Nguyễn Thành Phong, Tổng biên tập Báo Lao động và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đánh giá.

Có những bài viết, với lối thể hiện dung dị, đồng thời được tác giả khéo léo đan xen vào nhiều câu chuyện cuộc đời, khiến bài viết vượt lên khuôn khổ 1 bài báo, chuyển tải rất nhiều thông điệp về tình người, về những nỗ lực vươn lên của người nhiễm HIV như tác phẩm “Chuyện cô giáo Vân” (tác giả Tấn Đức- Tiến Long, báo Tuổi Trẻ, giải Nhất). Hay câu chuyện của những đứa trẻ HIV miền núi khao khát đến trường, không chỉ cho thấy nỗi đau con trẻ mà còn là câu chuyện của ma túy, của sự đói nghèo nhấn chìm cả buôn làng trong cái chết trắng (tác phẩm “Những mầm sống băng qua bão AISD”- tác giả Văn Nghĩa, báo Lao động và Xã hội, giải Nhì)... Hay bài báo “Hành hạ trẻ HIV trong bữa ăn” (nhóm tác giả Ngọc Khải- Hải Hiếu- Trần Kim Anh, báo Tuổi Trẻ) đã dấy lên làn sóng công phẫn, xót xa trong dư luận – được trao giải Ba. “Tôi hi vọng sau cuộc thi mọi người sẽ có nhận thức hơn về HIV/AISD ở Việt Nam” - tác giả Tiến Long cho biết.

Vẫn còn nhiều trăn trở 

Các tác phẩm tham dự nhìn chung đã thể hiện được nỗi đau và sự thiệt thòi, bị kỳ thị của trẻ em nhiễm HIV/AISD từ miền núi cho đến thành thị, từ trẻ HIV không được đến trường, không được yêu thương. Sâu xa hơn, từ những mảnh đời được phản ánh, các tác giả cho thấy các vấn đề lớn hơn về bạo lực gia đình, trong trường học và xã hội; Vấn đề nghèo đói, thất học…  Các nhà báo bằng các tác phẩm báo chí của mình, mong muốn tạo ra sự bình đẳng và hệ thống giáo dục để trẻ em đều được đi học, dù đó là trẻ HIV… 


Sau một thời gian làm việc công tâm, nghiêm túc, Ban Giám khảo đã chọn được 12 bài để trao giải, bao gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, và 4 giải Khuyến khích. Cũng trong phạm vi buổi lễ, Ban Tổ chức dành nhiều thời gian để lắng nghe các nhà báo đoạt giải chia sẻ về trăn trở của họ với đề tài này, về những khó khăn khi họ tiếp cận nhân vật cũng như những nỗi lòng của những người mắc bệnh HIV/AISD…

Tác giả Thảo Vân, (Tạp chí Gia đình và Trẻ em), giải Nhì với tác phẩm: “Nỗi buồn của những đứa trẻ vô hình” đăng trên báo Pháp luật Việt Nam cho biết, chị vẫn đang rất trăn trở vì em nhỏ trong bài viết của chị vẫn chưa tìm được sự trợ giúp pháp lý, chưa có được giấy khai sinh, chưa được hưởng chương trình phúc lợi xã hội nào. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của cháu. Mong rằng cháu sẽ sớm tìm được sự trợ giúp để yên tâm đi học, được xã hội công nhận, được bình thường như những đứa trẻ khác...", tác giả Thảo Vân trăn trở. 

Cũng tại lễ trao giải, sự chia sẻ của tác giả Lê Hoàng Anh, Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái đoạt giải Khuyến khích với tác phẩm “Em cứ ước mơ đi” đã gây xúc động cho Ban tổ chức và các nhà tác giả đoạt giải. Chị Lê Hoàng Anh xúc động : “Giải thưởng này tôi dành cho nhân vật trong bài viết của mình. Khi về Hà Nội nhận giải, tôi đã vui mừng báo tin cho gia đình hai cháu bé Mè Thị Bằng, Mè Thị Binh và để mong muốn các em cùng đến nhận giải hôm nay, nhưng đã không được bố mẹ 2 cháu bé hợp tác. Cuộc thi đã tạo được một điểm kết nối, lan tỏa sâu rộng toàn xã hội, để các em bị ảnh hưởng bởi HIV/AISD được quan tâm hơn, được đến với 1 thế giới không kỳ thị”.

Tác giả Lê Hoàng Anh cũng chia sẻ tại lễ trao giải

Tác giả Lê Hoàng Anh cũng chia sẻ trong nước mắt về hai em trong bài viết của chị. Gia đình miền núi nghèo, bố suốt ngày say, đánh đập các em. Ngay chị cháu bé cũngbị bố đánh bầm tím mặt mày, không có manh áo ấm để mặc. “Ứa nước mắt, tôi vội vàng mua quần áo cho cháu. Cháu vẫn lầm lì không nói. Tôi cùng các đồng nghiệp lại “xốc” nhau tìm việc làm cho bố của bé… Sau đấy, qua mạng xã hội, nhiều tấm lòng hảo tâm cũng tiếp tục giúp đỡ các cháu. Trong một bức vẽ của bé, bé chỉ mong có một căn nhà để ở. Tôi cũng mong sau bài báo này, có các tấm lòng, các nhà hảo tâm, các tổ chức… có thể biết đến hai cháu, chỉ mong sao nơi các em ở được gọi là “căn nhà” làm bằng tre nứa, sẽ có được bốn bức vách ngăn kín gió cho các em…”

Sự chia sẻ của tác giả, gây xúc động cho toàn thể những ai có mặt tại buổi lễ trao giải, và ngay lập tức nhận được sự chung tay của các thành viên ban tổ chức, các tác giả đoạt giải. Mỗi người đã gửi tác giả 1 triệu đồng để có thể hỗ trợ các em có một cuộc sống tốt hơn như các em hằng mơ ước… 

 

Mọi sự giúp sức của các độc giả, các cá nhân, tổ chức có thể gửi về hỗ trợ các cháu bé theo địa chỉ: 2 cháu: Mè Thị Bằng, Mè Thị Bình, bản Tèo, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, hoặc gửi trợ giúp thông qua chị Lê Hoàng Anh, Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái.

 

Nhà văn Nguyễn Thành Phong, phát biểu tại buổi lễ trao giải

Trưởng ban Tổ chức Nguyễn Thành Phong cho biết: “Khi tổ chức cuộc thi này chúng tôi lo lắng vì đây là đề tài khó. Khó vì nếu không có cai tâm, sự nhân văn trong mỗi nhà báo thì khó có thể thực hiện được. Viết về đề tài này đòi hỏi kiến thức về lĩnh vực này để tiếp cận, chia sẻ với nhân vật. Tôi bày tỏ khâm phục với các tác giả có bài viết về đề tài chăm sóc bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AISD; bày tỏ sự kính phục của chúng tôi với các tác giả đoạt giải. Thậm chí học tập các bạn, để làm sao chúng ta có nhiều đề tài nhân văn hơn nữa, ngay cả trên chính các ấn phẩm mà chúng tôi đang thực hiện”.

Tâm sự của các tác giả đoạt giải



Tác giả Tiến Long (Báo Tuổi trẻ), giải Nhất tác phẩm “Mong ước của cô giáo Vân

"Chúng tôi gặp cô giáo Vân, mang trong mình căn bệnh HIV/AISD trong lần chị đi dự giải trao băng đỏ tại TP.HCM. Trong bức ảnh chân dung của chị treo trong phòng trao giải có câu: Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành. Đối với tôi thì không như thế, đục thì đóng phèn cho trong rồi xài tiếp, có gì đâu mà sợ!” Câu nói đầy nghị lực được in ngay dưới bức chân dung tươi tắn của chị đặt trang trọng tại khán phòng lễ trao giải “Dải băng đỏ” tối 22-5 tại TP.HCM. Chị là một trong 20 người vượt lên mặc cảm số phận, dám chấp nhận công khai hình ảnh của mình trong buổi lễ.

Sự dũng cảm và nghị lực của chị thôi thúc chúng tôi từ TP.HCm xuống quê chị Vân. Ngày chúng tôi xuống thăm, chị Vân bận bịu đủ việc. Buổi sáng chị thu xếp cho buổi tổng kết phát thưởng cuối năm ở trường. Giữa trưa chị đội nắng đưa một số thành viên đi lấy thuốc. Chiều về lại dẫn hai em nhỏ trong CLB xuống trường Đại học An Giang để hỏi việc học tiếng Anh. Trời xẩm tối chị còn tranh thủ tạt ngang nhà một người nhiễm có chỉ số CD4 còn mức 4 (mức độ nguy hiểm – NV) để thăm hỏi và tư vấn điều trị. Chị giải quyết mọi việc thoăn thoắt. Ngoài giờ ăn cơm dường như không có phút nào chị nghỉ ngơi. Hễ mệt chị lại tạt vào quán ăn tô cháo hay uống ly nước mía cho hồi sức rồi chạy tiếp. Trời tối khuya chị mới xách xe ra về. Theo chân chị một ngày chúng tôi đã mệt bở hơi. Anh chị em trong CLB cho biết ngày nào chị Vân cũng làm việc quần quật như vậy, nhiều hôm tận 12h khuya chị mới về nhà. Chị bảo: “Cuộc đời vất vả vật lộn đủ thứ việc nên quen rồi. Với lại làm việc trong niềm vui, không áp lực nên chẳng thấy mệt”.


Tác giả  Đỗ Thị Nga (Báo Lao động và Xã hội), giải Nhì tác phẩm “Những mầm sống băng qua bão AIDS

Đã có một thời bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) tưởng chừng như bị xóa sổ bởi cơn cuồng phong của ma túy và HIV. Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Tam Chung và ban quản lý bản Poọng. Họ kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một bản Poọng trong bóng tối của ma túy và một bản Poọng đổi thay hôm nay với những hình ảnh của sự no đủ, vươn lên đi qua đói nghèo. Chúng tôi được gặp những bệnh nhân AIDS, những người thân của họ và những đứa trẻ mồ côi  có cha mẹ chết vì AIDS.  

Mỗi con người, mỗi hoàn cảnh đều để lại trong chúng tôi những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau. Có những hoàn cảnh không kìm được nước mắt bởi những khó khăn, vất vả tưởng chừng không thể vượt qua. Như hoàn cảnh của 2 chị em Hà Thị Nhận khi vừa tròn 6 tuổi, đứa em trai mới 2 tuổi thì cả bố mẹ đều mất vì AIDS. Hai chị em về ở với ông ngoại đã già yếu, chẳng thể lên nương rẫy. Bây giờ cô bé 15 tuổi Hà Thị Nhận trở thành người trụ cột gia đình, mọi gánh nặng oằn trên đôi vai em… Những con người, những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ cùng chung một nỗi đau mang tên HIV/AIDS. Nhưng trong tận cùng nỗi đau, con người và mảnh đất ấy vẫn hồi sinh mạnh mẽ, kiên cường vượt qua khó khăn để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống no đủ và không ma túy, không HIV/AIDS.

Tác giả Ngô Thị Hậu, giải Ba tác phẩm “Yêu thương rộng mở”


Tôi đến gặp bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An để được tận mắt thấy sự tận tình của các bác sĩ nơi đây khi chăm sóc cho các bệnh nhân HIV/AISD. Chân dung bác sĩ truwongr khoa cũng như đội ngũ y bác sĩ nơi đây giàu tình thương, hết lòng vì những đứa trẻ bất hạnh ấy, là nguồn cảm kích để tôi viết lên bài báo này, rất vui và bất ngờ vì đoạt giải.

Trong buổi giao lưu kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An, một lá thư tay đã được gửi tới đội ngũ y, bác sĩ Khoa Truyền nhiễm. Lá thư cảm ơn dài 4 trang giấy, chia sẻ về quá trình chống chọi với bệnh tật của người mẹ bị nhiễm HIV trong nỗ lực giành giật sự sống cho con. Đớn đau vì bệnh tật, thiếu thốn vì đói nghèo, sự kỳ thị của những người xung quanh và xã hội… tất cả nỗi đau ấy dồn lên vai các em, xoáy vào tim những đứa trẻ vô tội mang trong mình căn bệnh thế kỷ - HIV/AIDS. Từng ngày, từng giờ, tôi chứng kiến các y bác sĩ của khoa đã hết lòng cùng các em và gia đình vẫn đang âm thầm, nỗ lực cùng các y, bác sĩ “chiến đấu” với căn bệnh quái ác. Nhưng từ trong “cuộc chiến” khốc liệt ấy, các y bác sĩ nơi đây đã có những tia sáng, những niềm hy vọng cho các em, viết nên câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người…

 

Danh sách 12 tác phẩm xuất sắc đoạt giải

1 Giải Nhất

Mong ước của cô giáo Vân- tác giả Tấn Đức - Tiến Long (Báo Tuổi trẻ).

2 Giải Nhì:

- Những mầm sống băng qua bão AIDS- tác giả Nguyễn Văn Nghĩa và Đỗ Thị Nga (Báo Lao động và Xã hội).

- Dắt tay em đi về phía mặt trời- tác giả Thảo Vân (Tạp chí Gia đình và Trẻ em) đăng trên Báo Dân trí. 

- Nỗi buồn của những đứa trẻ "vô hình" - tác giả Thảo Vân (Tạp chí Gia đình và Trẻ em) đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam.

3 Giải Ba:

- Hành hạ trẻ HIV trong bữa ăn - nhóm tác giả: Ngọc Khải, Hải Hiếu, Trần Kim Anh (Báo Tuổi trẻ).

 - Tiếp thêm nghị lực cho người nhiễm HIV/AIDS - tác giả Chu Hồng Tiến (Tạp chí Gia đình và Trẻ em).

- Yêu thương rộng mở- tác giả Ngô Thị Hậu (Báo Công an Nghệ An). 

4 Giải Khuyến khích:

- “Giúp trẻ nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có cuộc sống tốt đẹp hơn” và “Bảo vệ trẻ em trước hiểm họa HIV/AIDS” - tác giả Nguyễn Thị Bạch Dương (Tạp chí Gia đình và Trẻ em).

- Em cứ ước mơ đi - nhóm tác giả Thu Hạnh - Hoàng Anh (Sở LĐ-TB&XH tỉnh Yên Bái)

- Niềm tin vào cuộc sống - tác giả Lê Thị Thu Thanh (Báo Quảng Trị).

- “Học bổng gạo" nâng bước em đến trường- tác giả Xuân Tuấn (Báo Phụ nữ Việt Nam).

 

Một số hình ảnh tại Lễ trao giải:


 

 

 

 

 


THANH NHUNG-MẠNH DŨNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh