THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:39

Tồn tại trên 2000 năm, bảo vật quốc gia “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” "có một không hai"

Bình Dương là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Thành quả sáng tạo của các thế hệ cha, ông đã để lại những di sản vật chất, tinh thần đa dạng, phong phú, có giá trị hết sức đặc biệt. Điều đó tiếp tục được khẳng định khi Bình Dương có thêm 01 DSVH vật thể là “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” được công nhận là bảo vật quốc gia.

Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết, Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được phát hiện tại di chỉ khảo cổ thuộc ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay là TX.Tân Uyên) trong các năm 1998 và năm 2001, có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên (cách ngày nay trên 2.000 năm).

Bộ dụng cụ có tổng cộng 23 hiện vật

Bộ dụng cụ có tổng cộng 23 hiện vật

 Bộ dụng cụ có tổng cộng 23 hiện vật, gồm: Trục dệt, dao dệt, lược chải sợi và các thanh có nấc chưa xác định công dụng. Đây là kết cấu của loại khung dệt mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên và khu vực Đông Nam Á vẫn còn sử dụng. Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia khảo cổ xác định Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh là hiện vật đặc biệt, quý hiếm và tiêu biểu cho một thời đại lịch sử trước và sau Công nguyên của vùng đất Phú Chánh, tỉnh Bình Dương và rộng hơn là khu vực Nam bộ và Việt Nam. Đây là những kết cấu của loại khung dệt mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây Nguyên và Đông Nam Á vẫn còn sử dụng.

 

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ khi PGS-TS Bùi Chí Hoàng và các đồng nghiệp khai quật được bộ dụng cụ dệt ở xã Phú Chánh (H.Tân Uyên, Bình Dương) trong khu vực ruộng nước dọc theo một con suối. Khi đó, chúng chỉ là những thanh gỗ bí ẩn được phát hiện cùng với một chum gỗ nắp trống đồng và nhiều mảnh đồ gốm vỡ, sợi vải thô nhỏ. Việc khai quật kéo dài trong 3 năm, từ 1998 - 2001, cho kết quả là hơn 20 thanh gỗ nhỏ.

“Lúc mới phát hiện, chúng tôi không thể nhận diện ngay đấy là một bộ dụng cụ dệt gỗ. Sau này, nhờ nghiên cứu, so sánh, chúng tôi mới biết đó là bộ dụng cụ dệt. Chúng tôi cũng tổ chức một hội thảo khoa học nhỏ nhỏ để nhận diện chức năng và giá trị của những hiện vật đó”, PGS-TS Bùi Chí Hoàng nhớ lại.

Bộ dụng cụ dệt Phú Chánh gồm 2 dao dệt hình dạng giống nhau, 2 trục dệt hình dạng giống nhau và 16 thanh có nấc. Các hiện vật hầu hết còn nguyên dạng. Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, rất khó có thể tìm được những di vật bằng gỗ cách đây hơn 2.000 năm ở những khu vực khác ở Nam bộ còn tương đối nguyên vẹn như ở Phú Chánh (Bình Dương).

Bộ dụng cụ dệt bằng gỗ Phú Chánh, được công nhận là bảo vật quốc gia

Bộ dụng cụ dệt bằng gỗ Phú Chánh, được công nhận là bảo vật quốc gia

 Theo chia sẻ của PGS-TS Bùi Chí Hoàng “Đồ gỗ mà niên đại trên 2.000 năm thì không thể nào tin được là nó còn. Nhưng có cái đặc biệt là nó nằm ở một vùng sình lầy, thành ra lầy tạo môi trường yếm khí và giữ được gỗ chứ không dễ gì giữ được. Bình thường là tiêu hết. Cái quý là đồ gỗ mà giữ được. Giá trị bảo vật của nó đấy cũng là một phần”.

Chia sẻ về bảo vật này,  ông Lê Văn Phước “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” chứa đựng rất nhiều giá trị quý hiếm. Đầu tiên đó là giá trị về tính độc bản. Những hiện vật của bộ sưu tập này được phát hiện lần đầu tiên trong lịch sử khảo cổ học Việt Nam. Đây là hiện vật gốc còn nguyên vẹn nằm trong tầng văn hóa ổn định tại di tích khảo cổ duy nhất có ở Việt Nam và Đông Nam Á cho đến thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” còn mang tính độc đáo. Đây chính là dụng cụ dệt cổ xưa bằng gỗ được chế tác dưới dạng đồ tùy táng chôn theo người chết. Qua các cứ liệu lịch sử, có thể khẳng định đây là những kết cấu của loại khung dệt theo kiểu ngồi gấp gối, mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây nguyên và Đông Nam Á vẫn còn sử dụng. Riêng về chất liệu gỗ, khó có thể tìm được những di vật bằng gỗ cách ngày nay hơn 2.000 năm ở những khu vực khác ở Nam bộ còn tương đối nguyên vẹn như ở Phú Chánh...

Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được cho là có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1. Các nhà khoa học đưa ra con số này vì nhóm hiện vật được tìm thấy cùng với mộ chum gỗ nắp trống đồng (đã được công nhận bảo vật quốc gia hồi 2018). Theo đó, trong chum gỗ có chiếc gương đồng Tứ nhũ tứ ly thuộc thời Tân Hán, có niên đại thế kỷ 1, còn trống đồng có niên đại từ thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1.

 “Qua các cứ liệu lịch sử, có thể khẳng định đây là những kết cấu của loại khung dệt theo kiểu ngồi gấp gối, mà hiện nay một số dân tộc ít người ở Tây nguyên và Đông Nam Á... vẫn còn sử dụng. Sau này, các nhà nghiên cứu trẻ cũng làm một clip mô phỏng việc bộ dụng cụ dệt đó được sử dụng dệt vải như thế nào”, ông Hoàng nói.

Bộ dụng cụ dệt này cùng với trống đồng Đông Sơn, gương đồng Tây Hán và loại hình chum mai táng bằng gỗ cho thấy giá trị khoa học và lịch sử độc đáo của Bình Dương. Trong đó, nổi bật nhất là táng thức mới độc đáo và hiện vật chôn theo thể hiện mối giao lưu văn hóa diện rộng. Đó là giao lưu giữa khu vực Đông Nam bộ với văn hóa Đồng Nai, táng thức mộ chum từ văn hóa Sa Huỳnh dọc duyên hải miền Trung, với văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ và trống đồng từ văn hóa Đông Sơn.

Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được cho là có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1.

Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh được cho là có niên đại từ khoảng cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1.

Như vậy, tính đến nay Bình Dương đã có 3 bảo vật quốc gia. Ngoài “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” được công nhận trong đợt 9 này, trước đó hiện vật “Tượng động vật Dốc Chùa” đã được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2013 và hiện vật khảo cổ “Mộ chum gỗ - nắp trống đồng Phú Chánh” được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2018.

Tại buổi lễ công nhận hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia đối với Bộ dụng cụ dệt bằng gỗ Phú Chánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Nguyễn Lộc Hà chia sẻ niềm vui, niềm tự hào to lớn; để có được những thành quả đáng tự hào đó. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện ngay một số nội dung liên quan nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới.

PHA LÊ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh