THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:08

Tốc độc tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại Thừa Thiên Huế có xu hướng chậm lại

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo số liệu thống kê, tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 99%; Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại lần 1 và nhắc lại lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên lần lượt đạt 59,1% và 78,5%; Tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đạt 49,9%; Tỷ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi lần lượt đạt 79,7% và 51,5%

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay tốc độ tiêm chủng của tỉnh này có xu hướng chậm lại trong những tháng cuối năm 2022. Cụ thể, số mũi tiêm tháng 9 là 18.473 mũi, tháng 10 đã thực hiện 12.267 mũi tiêm và 9 ngày đầu tháng 11 chỉ thực hiện 3.833 mũi tiêm.

Việc không tiếp tục tiêm chủng sẽ dẫn đến việc miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Từ đó có nguy cơ gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trong thời gian tới; chuyển biến nặng và có thể tử vong.

Theo lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, lý do tốc độ tiêm chủng thấp là nhiều đối tượng trong diện tiêm chủng chủ quan trước diễn biến dịch bệnh COVID-19. Nhiều người cho rằng dịch bệnh đã giảm mức độ nguy hiểm, trong khi số ca mắc dẫn đến đối tượng cần tiêm chủng còn nhiều nhưng khi tham gia tiêm chủng còn thấp.

Một số cơ quan, ban ngành chưa nắm cụ thể đối tượng cần tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; báo cáo số lượng chưa tiêm cao nhưng thực hiện tham gia tiêm chủng thấp. Đặc biệt, tại các Khu Công nghiệp có trên 28.500 người chưa tiêm các mũi nhắc lại và tại các trường học có trên 50.000 học sinh từ 12-17 tuổi chưa tiêm mũi nhắc lại.

Công tác chỉ đạo của các cơ quan, thủ trưởng ban ngành chưa quyết liệt, một số vẫn còn giao cho ngành y tế. Sự phối hợp khi tổ chức tiêm chủng giữa các đơn vị đăng ký và các điểm tiêm chủng chưa đồng bộ như ngành y tế đã chuẩn bị nhân lực đảm bảo công tác tiêm chủng nhưng người tham gia tiêm chủng rất ít.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian, đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ các ca bệnh tăng nặng, tử vong trở lại.

Do đó, ông Phương đề nghị các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đồng thời đảm bảo an toàn, khoa học và hiệu quả. UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai tổ chức Tuần lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Các địa phương, đơn vị cần phải chủ động, khẩn trương triển khai, có kế hoạch cụ thể cho từng phần việc để thực hiện có hiệu quả; trong đó Chủ tịch UBND cấp huyện, trưởng đơn vị sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để tiến độ tiêm chủng chậm, thấp trong thời gian đến.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh tiếp tục rà soát để xác định đối tượng chưa tiêm đầy đủ để có kế hoạch đăng ký cụ thể cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoặc Trung tâm Y tế địa phương để triển khai tiêm chủng.

Sở Y tế tổ chức tiêm chủng lưu động theo đề xuất của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh để đẩy mạnh tiêm chủng cho lực lượng chiến sĩ, công an, quân đội, cán bộ công chức, viên chức, người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế công nghiệp tỉnh triển khai tiêm chủng lưu động tại các Khu công nghiệp cho công nhân, người lao động chưa tiêm đầy đủ các mũi vắc xin.

PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh