Thừa Thiên Huế đã tiêm hơn 2,7 triệu liều vắc xin phòng COVID-19
- Y học 360
- 09:51 - 18/07/2022
- Bắc Ninh: Hơn 33.000 trẻ từ 5 - 11 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19
- ''Hộ chiếu vắc xin'' của Việt Nam đã có thể sử dụng ở 81 quốc gia và vùng lãnh thổ
- Hà Nội đặt mục tiêu trên 95% trẻ từ 5-12 tuổi được tiêm đủ mũi vắc xin phòng Covid-19
- Tiếp nhận Cổng thông tin điện tử Quỹ vắc xin phòng Covid-19
- Việt Nam đã tiêm hơn 198,2 triệu liều vắc xin Covid-19
Theo ông Trần Kiêm Hảo - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, vắc xin đã được xác định là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống đại dịch COVID-19. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, chính quyền và sự phối hợp liên ngành, tổ chức thực hiện Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã đạt hiệu quả cao. Đây được coi là chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử với nhiều loại vắc xin khác nhau và được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh.
Tính đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiêm hơn 2,7 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Cụ thể: đối với người từ 18 tuổi trở lên có tỉ lệ mũi 1 đạt 101.1%, mũi 2 đạt 98,8%; mũi nhắc lại lần 1 đạt 55,9% và mũi nhắc lại lần 2 đạt 6,8%; đối với trẻ em từ 12-17 tuổi, tỉ lệ mũi 1 đạt 102,7%, mũi 2 đạt 98,3% và mũi nhắc lại đạt 34,9%; đối với trẻ em từ 5-<12 tuổi, tỉ lệ tiêm mũi 1 và mũi 2 cho lần lượt đạt 49,7% và 21,7%. Đây là một trong những thành quả to lớn góp phần quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, mặc dù đất nước đã chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng tình hình dịch COVID-19 diễn biến vẫn còn phức tạp, khả năng rất cao tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ phát hiện các ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Bên cạnh đó, nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4. Như vậy, dịch COVID-19 có thể bùng phát trở lại nếu không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, đặc biệt là tầm quan trọng của công việc tiêm vắc xin và tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại cho người dân. Thực tiễn cho thấy vắc xin vẫn là vũ khí quyết định, cùng với việc củng cố, nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tiêm vắc xin bao gồm cả liều nhắc lại giúp ngăn ngừa việc mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể dẫn đến nhập viện và tử vong. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin với biến thể Omicron có thể giảm nhưng vẫn có hiệu lực, vẫn tốt. Chính vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình và cộng đồng trước nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát trở lại, người dân nên tích cực ủng hộ và chủ động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng lịch. Bởi vì, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.