THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:59

Toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 474 triệu ca nhiễm COVID-19

Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 23/3 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 473.745.028 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 6.109.785 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.472.677 và 4.194 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 409.649.301 người, 57.985.942 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 60.815 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 353.725 ca; Đức đứng thứ hai với 268.357 ca; tiếp theo là Pháp (180.777 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 502 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga 472 ca và Brazil với 333 ca.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 81.463.362 người, trong đó có 999.536 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 43.010.971 ca nhiễm, bao gồm 516.574 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 29.682.615 ca bệnh và 657.696 ca tử vong. 

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với gần 172 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 133,48 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 96,1 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 55,74 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 11,66 triệu ca và châu Đại Dương trên 4,77 triệu ca nhiễm.

Người dân chờ xét nghiệm tại Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân chờ xét nghiệm tại Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

VTV cũng đưa tin, số ca mắc mới COVID-19 đang trên đà gia tăng tại 18 trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Âu. Theo Giám đốc WHO khu vực châu Âu, nguyên nhân khiến số ca mắc gia tăng có thể là do biến thể "Omicron tàng hình" dễ lây lan hơn, nhưng không gây nguy hiểm so với những biến thể khác. Ngoài ra, việc một số nước châu Âu dỡ bỏ gần như hoàn toàn các hạn chế phòng dịch cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Trong 7 ngày qua, khu vực châu Âu ghi nhận hơn 5 triệu ca mắc mới và hơn 12.000 người tử vong.

Làn sóng dịch COVID-19 một lần nữa lại bùng lên ở khu vực Tây Âu. Sau hơn một tháng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm tại hầu khắp khu vực, các quốc gia như Anh, Pháp, Đức và Italy đều đã chứng kiến làn sóng dịch bệnh bùng phát trở lại với số ca mắc tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Số ca mắc mới tại Pháp đã tăng hơn 33% trong một tuần . (Ảnh: AP)

Số ca mắc mới tại Pháp đã tăng hơn 33% trong một tuần . (Ảnh: AP)

 

Tại Pháp, số ca mắc mới đã tăng hơn 33% trong một tuần kể từ khi chính phủ nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch hôm 14/3 vừa qua.

Đức, dù số ca mắc mới ở mức cao kỷ lục với gần 300.000 ca hôm 18/3, Quốc hội nước này vẫn thông qua quyết định cho phép bãi bỏ hầu hết các hạn chế trên cả nước theo đúng thời hạn vào ngày 20/3.

Chính phủ Italy thông báo kế hoạch gỡ bỏ gần như tất cả hạn chế trước ngày 1/5 tới.

Đối với Anh, nơi hiện cứ 20 người thì có một người nhiễm bệnh, Chính phủ nước này đã dỡ bỏ những hạn chế đi lại quốc tế cuối cùng hôm 18/3.

Một số ý kiến cho rằng, dịch bệnh gia tăng là do chính phủ các nước nới lỏng những biện pháp hạn chế vội vàng, trong khi khả năng miễn dịch bắt đầu suy giảm và dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron có tốc độ lây lan hơn khoảng 30% so với bản gốc đang chiếm ưu thế.

Chính phủ Australia sẽ rót thêm tiền để khôi phục hoạt động du lịch quốc tế. Hôm nay, Thủ tướng Scott Morrison thông báo cấp thêm hơn 44 triệu USD để khôi phục hoạt động du lịch quốc tế sau 2 năm đóng cửa biên giới vì đại dịch.

Theo Thủ tướng Morrison, việc mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế sẽ giúp tạo ra hàng trăm nghìn việc làm trong ngành "công nghiệp không khói" Australia, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước này.

Giới chức Indonesia cho biết, trong vài tháng tới, nước này sẽ đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường. Việc chuẩn bị này đi kèm với việc mở rộng cơ sở cấp thị thực cho du khách nước ngoài từ 42 quốc gia, thay vì 23 quốc gia trước đây. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia đã quyết định mở rộng chính sách không kiểm dịch trên toàn đất nước, khách du lịch chỉ cần xét nghiệm PCR khi nhập cảnh. Trong tháng lễ Ramadan, người dân có thể được đi cầu nguyện với ít hạn chế hơn.

Nhà chức trách Indonesia lưu ý, trong quá trình chuyển đổi, nước này cần chuẩn bị đối mặt với nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện.

Chính phủ Indonesia đã gia hạn chương trình cấp thị thực khi đến (VoA) cho du khách nước ngoài từ 42 quốc gia đến sân bay quốc tế I Gusti Rai thuộc tỉnh Bali. Trước đó, Indonesia đã cấp VoA cho 23 quốc gia gồm Australia, Mỹ, Hà Lan, Brunei, Philippines, Anh, Italy, Nhật Bản, Đức, Campuchia, Canada, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Pháp, Qatar, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Việt Nam.

Ngày 22/3, Bộ Y tế Campuchia thông báo, số ca mắc mới trong ngày tại nước này đã giảm và hiện chỉ có 73 ca (tính theo kết quả PCR), trong đó có 65 ca lây nhiễm cộng đồng. Tất cả đều nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Hok Kim Cheng của Bộ Y tế Campuchia, việc số ca mắc trên giảm không có nghĩa là dịch COVID-19 tại Campuchia đã qua đỉnh vì hầu hết các ca mắc bệnh chưa được thông báo với cơ quan này.

Vào cuối tháng 3, Trung Quốc sẽ chuyển thêm 5 triệu liều vaccine Sinovac trong tổng số 20 triệu liều vaccine mà nước này cam kết dành cho Campuchia, cùng với các trang thiết bị y tế và sự hỗ trợ của các chuyên gia giúp Campuchia chống đại dịch COVID-19.

Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm trên toàn quốc. (Ảnh: AP)

Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm trên toàn quốc. (Ảnh: AP)

 

Ngày 22/3, Chính phủ Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm trên toàn quốc. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 9/1/2022, không có địa phương nào ở Nhật Bản phải áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh dịch COVID-19 có dấu hiệu lắng dịu ở nước này. Trong tuần từ ngày 14 - 20/3, Nhật Bản ghi nhận hơn 328.000 ca nhiễm mới, giảm gần 50.000 ca so với một tuần trước đó.

Song song với việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhằm bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời củng cố hệ thống y tế, tăng cường năng lực xét nghiệm và dự trữ thuốc để chuẩn bị đối phó với các làn sóng lây nhiễm khác trong tương lai. Giấy chứng nhận tiêm chủng cũng được khuyến khích sử dụng ở các nhà hàng, quán bar, sự kiện thể thao, giải trí quy mô lớn và hoạt động đi lại.

Ngày 22/3, trung tâm tài chính Thượng Hải của Trung Quốc đã báo cáo số ca COVID-19 không triệu chứng lây truyền tại địa phương cao kỷ lục ngày thứ năm liên tiếp. Dữ liệu chính thức cho thấy, Thượng Hải đã ghi nhận 865 ca nhiễm COVID-19 không triệu chứng trong cộng đồng vào ngày 21/3, tăng từ 734 trường hợp một ngày trước đó.

Cùng ngày, Thượng Hải cũng báo cáo 31 trường hợp mắc COVID-19 cộng đồng mới với các triệu chứng đã được xác nhận, bao gồm một người ban đầu được báo cáo là nhiễm bệnh không có triệu chứng và xuất hiện các triệu chứng sau đó, theo dữ liệu từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC).

Ngày 22/3, Trung Quốc đại lục đã báo cáo 2.338 trường hợp lây nhiễm mới. Phần lớn các ca mắc mới được phát hiện ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này. Tính đến ngày 22/3, Trung Quốc đại lục đã báo cáo tổng cộng 134.564 trường hợp với các triệu chứng được xác nhận, bao gồm cả ca mắc trong cộng đồng và những trường hợp nhập cảnh từ bên ngoài đại lục.

BP (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh