THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:59

Thế giới ghi nhận trên 1,1 triệu ca mắc COVID-19 trong vòng 24 giờ qua

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,1 triệu ca mắc COVID-19 và trên 2.900 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 469 triệu ca, trong đó trên 6,09 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Hàn Quốc (381.329 ca), Đức (168.187 ca) và Pháp (98.101 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (495 ca), Hàn Quốc (319 ca) và Brazil (235 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 81,3 triệu ca mắc COVID-19 và trên 997.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 516.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 29,6 triệu ca mắc và trên 657.000 ca tử vong.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 16/3/2022. Ảnh: THX/TTXVN

VTV cũng đưa tin, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, trong 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 ở châu Phi đã tăng khoảng 15%. Đây là kết quả đạt được sau khi một số quốc gia trong khu vực tổ chức các chiến dịch tiêm chủng đại trà. Theo số liệu ghi nhận, trong tháng 2 vừa qua, châu Phi đã triển khai tiêm tổng cộng 62 triệu liều vaccine, tăng so với 54 triệu liều trong tháng 1. Nhiều quốc gia đông dân như Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Kenya và Nigeria đã triển khai các chiến dịch tiêm chủng đại trà.

Theo thống kê, hiện châu Phi mới chỉ tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 15% số người trưởng thành. Khoảng 435 triệu vaccine trong tổng số 714 triệu liều nhận được, chiếm 61%, đã được tiêm cho người dân.

Hiện nay, một loạt các quốc gia Đông Nam Á đã và đang từng bước mở cửa trở lại biên giới, khôi phục kinh tế. Điều này có được là nhờ triển khai thành công các chiến dịch tiêm chủng. Mục tiêu tiếp theo của nhiều nước sẽ là tiến tới coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, sống chung với COVID-19 giống như bệnh cúm mùa. Các quốc gia kỳ vọng, những chiến dịch mở cửa, sống chung sẽ giúp thích ứng linh hoạt khi dịch bệnh đã có xu hướng lắng dịu, tỷ lệ bệnh nặng và tử vong giảm, đồng thời giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Từ ngày 1/4 tới, Malaysia bắt đầu quá trình chuyển đổi coi COVID-19 là bệnh đặc hữu và mở cửa biên giới cho khách quốc tế. Với thay đổi này, giới hạn giờ hoạt động với các cơ sở kinh doanh sẽ được dỡ bỏ. Khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ sẽ không cần phải cách ly khi nhập cảnh Malaysia.

Thủ tướng Malaysia tuyên bố: "Quá trình chuyển đổi thành bệnh đặc hữu là một chiến lược thoát khỏi đại dịch để đưa tất cả chúng ta trở lại cuộc sống gần như bình thường sau hơn 2 năm chống chọi với COVID-19. Quá trình chuyển đổi này chỉ là tạm thời trước khi đất nước chính thức bước vào giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu theo các tiêu chí của WHO".

Thái Lan cũng đã thông qua kế hoạch 4 bước chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7. Để coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, tỷ lệ tử vong không được vượt quá 0,1%, hiện tỷ lệ này là gần 0,2%.

Indonesia đang chuẩn bị lộ trình chuyển đổi từ giai đoạn đại dịch sang bệnh đặc hữu. Các hoạt động đi lại cũng đã được nới lỏng. Từ đầu tháng 3, Indonesia đã thí điểm du lịch miễn cách ly với khách quốc tế tới đảo Bali và quần đảo Riau.

Singapore là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á chuẩn bị kế hoạch sống chung với COVID-19 từ tháng 8/2021.

Từ ngày 17/4 tới, Myanmar sẽ mở cửa đón các chuyến bay chở khách và nối lại các chuyến bay định kỳ sau 2 năm đóng cửa hoàn toàn biên giới do dịch COVID-19. Quyết định này nhằm vực dậy ngành du lịch, khôi phục hoạt động kinh doanh và tạo điều kiện cho du khách quốc tế đến Myanmar. Theo Bộ Y tế Myanmar, du khách nước ngoài sẽ phải cách ly trong một tuần, thực hiện hai lần xét nghiệm PCR và phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ.

Ngành du lịch của Myanmar đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đại dịch COVID-19. Từ cuối năm ngoái, chính quyền Myanmar đã để ngỏ khả năng trong năm nay sẽ mở cửa trở lại đón du khách nước ngoài.

Trung Quốc đã ghi nhận 2 ca cả vong do COVID-19 đầu tiên trong 1 năm qua. (Ảnh: AP)

Trung Quốc đã ghi nhận 2 ca cả vong do COVID-19 đầu tiên trong 1 năm qua. (Ảnh: AP)

 

Malaysia đang thúc đẩy việc tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em trong bối cảnh số trẻ nhập viện, phải điều trị tích cực vì COVID-19 đang gia tăng. Giới chức nước này cho biết, các bậc cha mẹ cần cho con tiêm phòng càng sớm càng tốt bởi tỷ lệ trẻ em bị dị ứng sau khi tiêm vaccine của Pfizer và Sinovac là rất thấp. Đồng thời, cơ quan y tế Malaysia cũng nhấn mạnh, người dân cần theo dõi các thông tin chính thức từ Bộ Y tế, không nên nghe các tin tức giả mạo về vaccine.

Hãng tin AFP dẫn thông báo ra ngày 19/3 của Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHS) cho biết, nước này đã ghi nhận 2 ca tử vong do mắc COVID-19. Đây là những trường hợp đầu tiên tử vong kể từ tháng 1/2021. Theo NHS, cả 2 ca bệnh này đều ở tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc Trung Quốc. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 4.051 ca mắc mới, giảm so với mức 4.365 ca ghi nhận một ngày trước đó.

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh