Toàn thế giới đã ghi nhận gần 314 triệu ca COVID-19
- Tây Y
- 08:55 - 12/01/2022
Theo TTXVN, số liệu từ trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 12/1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 313.631.273 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.520.184 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 2.520.135 và 7.370 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 261.54.230 người, 41.394.077 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 93.884 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 368.149 ca; Mỹ đứng thứ hai với 336.620 ca; tiếp theo là Italy (220.532 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.291 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga (783 ca) và Đức (387 ca tử vong).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 62.997.892 người, trong đó có 862.931 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 36.060.902 ca nhiễm, bao gồm 484.359 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 22.629.460 ca bệnh và 620.238 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 98,55 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 87,67 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 74 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 41,54 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,26 triệu ca và châu Đại Dương trên 1,3 triệu ca nhiễm.
VTV cũng đưa tin, tại khu vực Mỹ Latin, Chile đã chính thức triển khai chương trình tiêm mũi vaccine thứ tư ngừa COVID-19 cho người dân, với đối tượng đầu tiên là những người có hội chứng suy giảm miễn dịch. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ kết thúc vào ngày 7/2 tới và sau đó sẽ là giai đoạn tiêm cho những người trên 55 tuổi đã tiêm mũi vaccine thứ ba từ 6 tháng trở lên.
Tại châu Âu, Pháp ghi nhận số ca nhập viện trong 24 giờ qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2021 với 767 ca, nâng số ca bệnh phải điều trị trong bệnh viện lên 22.749 ca. Theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh đã khiến số ca phải nhập viện tăng nhanh tại nước này.
Biến thể Omicron đã trở thành biến thể chủ đạo tại CH Czech. Số ca nhiễm biến thể mới này chiếm hơn 50% số ca bệnh kể từ ngày 8/1 đến nay, trong đó tại các thành phố lớn của Czech, Omicron gây ra 79% số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận vào ngày 9/1. Theo giới chuyên gia, làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra sẽ đạt đỉnh vào cuối tháng 1 này với khoảng 50.000 ca/ngày. Tại Ba Lan, số ca tử vong do COVID-19 kể từ đầu dịch đến nay đã vượt mốc 100.000 và nước này thuộc nhóm các nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, Ba Lan ghi nhận 493 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi từ đầu dịch đến nay lên 100.254 người. Tỷ lệ tử vong trong 100.000 dân ở Ba Lan trong 14 ngày qua là 14,31 - cao thứ 6 thế giới sau các nước Trinidad và Tobago, Moldova, Georgia, Hungary và San Marino.
Tại châu Á, Lào đã nâng mục tiêu bao phủ vaccine ngừa COVID-19 từ 70% lên 87,25% dân số trong năm 2022 do dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Bộ Y tế Lào khẳng định tiêm vaccine vẫn là biện pháp cần thiết và quan trọng để khống chế dịch COVID-19, tạo điều kiện mở cửa trở lại nền kinh tế và thúc đẩy phục hồi các lĩnh vực, trong đó có du lịch. Tính từ khi dịch bùng phát, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 120.520 ca, trong đó có 457 ca tử vong.
Indonesia quyết định cung cấp miễn phí vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ 3 cho tất cả người dân. Chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ chính thức được khởi động vào ngày 12/1, trong đó ưu tiên người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương. Khoảng cách giữa mũi tiêm thứ ba và mũi tiêm thứ hai là 6 tháng. Theo chính phủ Indonesia, việc tiêm mũi vaccine tăng cường là rất quan trọng nhằm tăng cường miễn dịch khi mà virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến.
Tại Malaysia, chính phủ nước này sẽ cho phép học sinh tiểu học tự xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Những học sinh được chọn thực hiện xét nghiệm sàng lọc sẽ phải nộp kết quả cho nhà trường. Trước đó, theo Chiến lược Xét nghiệm COVID-19 toàn quốc của Bộ Y tế Malaysia, kể từ ngày 1/12/2021, mỗi tuần sẽ có 10% học sinh tiểu học được chọn ngẫu nhiên để tự xét nghiệm tại trường. Việc tự xét nghiệm sẽ bao gồm sử dụng bộ kit xét nghiệm nước bọt do Bộ Giáo dục cung cấp và phải được hiện thực hiện dưới sự giám sát của giáo viên. Với cách tiếp cận mới này, các phụ huynh sẽ phải đảm bảo việc tự xét nghiệm diễn ra theo đúng quy trình do Bộ Y tế quy định, để các tiết học có thể diễn ra an toàn.
Trong khi đó, Nhật Bản sẽ sớm mở rộng phạm vi tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi để đối phó với làn sóng lây nhiễm mới trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan nhanh. Chính phủ Nhật Bản thông báo sẽ mở cửa trở lại các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn do Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) quản lý, để đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi thứ ba cho người cao tuổi và bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng khác vào tháng 3 năm nay, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tiếp tục cấm nhập cảnh với những người đến từ nước ngoài mà không phải là công dân hay thường trú nhân cho đến cuối tháng 2 tới. Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết sẽ giới hạn số người nhập cảnh nước này ở mức khoảng 3.500 người/ngày. Trong khi đó, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cũng cho biết thường trú nhân từng đến 11 quốc gia, trong đó có Nam Phi, trong vòng 14 ngày cũng bị cấm nhập cảnh.
Tại Trung Quốc, các nhà trẻ, trường tiểu học và trung học tại thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam ở miền Trung, đã tạm dừng mọi hoạt động trực tiếp và bắt đầu chuyển sang hình thức học trực tuyến từ ngày 10/1. Các địa điểm công cộng không thiết yếu tạm thời đóng cửa trong khi các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiệm bánh, chợ nông sản, trung tâm y tế, ngân hàng và văn phòng vẫn duy trì các dịch vụ thiết yếu. Các phương tiện giao thông như xe buýt, xe du lịch, xe khách nội đô và taxi sẽ tạm dừng hoạt động. Người từ bên ngoài đến thành phố phải có chứng nhận âm tính với virus được cấp trong vòng 48 giờ và chứng nhận y tế xanh... Tính đến ngày 10/1, thành phố Trịnh Châu ghi nhận 103 ca mắc trong cộng đồng kể từ khi đợt dịch mới bùng phát.
Số ca mắc mới tại Ấn Độ đã tăng gấp 20 lần chỉ trong 1 tháng. Nước này hôm qua ghi nhận hơn 168 nghìn ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày. Tín hiệu tích cực là hầu hết số ca mắc mới gần đây ở Ấn Độ đã tự phục hồi tại nhà. Tỷ lệ nhập viện điều trị chỉ bằng một nửa so với 2 làn sóng lây nhiễm trước. Tuy vậy, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn khi gần 1 triệu tín đồ đạo Hindu sẽ tụ tập bên bờ sông Hằng ở bang Tây Bengal để thực hiện nghi lễ tắm gội thiêng liêng vào cuối tuần này. Chính quyền bang Tây Bengal đang xem xét siết chặt các biện pháp phòng dịch, hạn chế tụ tập.
Philippines hôm qua cũng ghi nhận số ca mắc mới trong ngày mở mức cao chưa từng có. Hơn 33 nghìn ca. Đây là ngày thứ ba liên tiếp nước này ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng có.
Bên cạnh đó, tỷ lệ dương tính cũng tăng cao nhất với 46% trong tổng số hơn 72 nghìn xét nghiệm 1 ngày. Vùng đô thị Manila, tỉnh Cala-barzon, trung tâm Luzon được xác định là nguy cơ nghiêm trọng, 14 khu vực khác có nguy cơ cao. Để ứng phó dịch bệnh, Philippines cũng đã thắt chặt các biện pháp hạn chế di chuyển và đẩy mạnh các chiến dịch tiêm chủng.