WHO lên tiếng về chất lượng vắc-xin Quinvaxem
- Sức khỏe
- 15:23 - 11/11/2015
Trước thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội (facebook) cho rằng vắc-xin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm và trẻ em Việt Nam tiêm vắc-xin này là nằm trong kế hoạch thử nghiệm, ngày 10/11, TS. Kohei Toda - chuyên gia tiêm chủng của WHO về sử dụng vắc-xin Quinvaxem chính thức lên tiếng bác bỏ thông tin này. Dưới đây là nội dung trao đổi giữa ông Kohei Toda và phóng viên (PV) báo SK&ĐS:
TS. Kohei Toda.
PV: Thưa ông, hiện nay trên thế giới có bao nhiêu nước sử dụng vắc-xin Quinvaxem hoặc vắc-xin có thành phần ho gà tương tự như vắc-xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng?
TS.Kohei Toda: Hiện nay, vắc-xin Quinvaxem đã được sử dụng tại 94 nước trên toàn thế giới với số lượng khoảng 449 triệu liều. Tại khu vực Đông Nam Á, vắc-xin này được sử dụng cho các nước Thái Lan, Philipines, Campuchia, Lào và Việt Nam. Ngoài Quinvaxem, các vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào cũng được sử dụng rộng rãi tại 131 nước trên thế giới.
PV: Xin ông cho biết đánh giá của WHO về chất lượng của vắc-xin Quinvaxem?
TS.Kohei Toda: Vắc-xin Quinvaxem đã được WHO tiền thẩm định về chất lượng vào năm 2006. Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã sử dụng khoảng 24,9 triệu liều. Trong quá trình sử dụng đã ghi nhận một số trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Tất cả các trường hợp tai biến nặng nêu trên đều được tiến hành điều tra, báo cáo kịp thời. Các Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh đã xem xét từng trường hợp và quy trình tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế. Công tác điều tra, đánh giá, kết luận nguyên nhân các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng đã được thực hiện minh bạch. Việc đánh giá tai biến nặng sau tiêm chủng đã được cải thiện với độ nhạy tăng, kèm theo nhiều trường hợp được báo cáo hơn trong những năm gần đây. Tỷ lệ tai biến nặng liên quan đến vắc-xin Bạch hầu - Ho gà (toàn tế bào) - Uốn ván đến nay là 4,5/1 triệu liều vắc-xin sử dụng trong khi tỉ lệ theo thống kê của WHO là 1- 20/1 triệu liều).
Tỷ lệ trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin Quinvaxem không tăng so với các năm trước. Các trường hợp tử vong này chủ yếu do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý khác.
TS. Kohei Toda: Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây đã ghi nhận một số ca mắc bệnh ho gà ở Việt Nam và xảy ra ổ dịch bạch hầu ở một số nước láng giềng. Quinvaxem là vắc-xin cần thiết để phòng chống các bệnh trong tiêm chủng mở rộng ở trẻ em. WHO vẫn khuyến cáo sử dụng vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào để tạo miễn dịch phòng bệnh tốt hơn. Vắc-xin Quinvaxem là vắc-xin an toàn hiệu quả có chất lượng tốt và chi phí hợp lý theo kết quả tiền thẩm định của WHO.
Tất cả các bà mẹ cần lưu ý thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế và tiếp tục đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, không chậm trễ. WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để đảm bảo việc sử dụng vắc-xin an toàn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Sẽ xử lý nghiêm những cá nhân tung tin đồn thất thiệt về vắc-xin Trong thời gian gần đây tại một số tài khoản facebook xuất hiện thông tin cho rằng vắc-xin Quinvaxem đang trong giai đoạn thử nghiệm và trẻ tiêm vắc-xin này là nằm trong kế hoạch thử nghiệm, trong khi Việt Nam lại cho trẻ em tiêm chủng, trước thông tin này, Bộ Y tế cho biết đang phối hợp với cơ quan điều tra để làm rõ thông tin đồn thổi này và sẽ xử lý nghiêm cá nhân cố tình tung tin đồn thất thiệt gây hoang mang dư luận. Trước đó, thời điểm dịch Ebola đang diễn biến phức tạp tại các nước châu Phi, một tài khoản facebook tung tin đồn Việt Nam đã xuất hiện ca nhiễm Ebola đầu tiên cũng đã khiến cơ quan điều tra phải vào cuộc, xác định thông tin đồn thổi và xử phạt hành chính với người tung tin. Việc thay thế vắc-xin phải dựa trên bằng chứng khoa học Liên quan đến việc tại sao Bộ Y tế chưa thay thế vắc-xin Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bằng các vắc-xin khác, PGS.TS.Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế nhấn mạnh: Có những ý kiến cho rằng vắc-xin Quinvaxem tiêm trong Chương trình TCMR là không an toàn và vắc-xin có chứa thành phần ho gà vô bào Infanrix Hexa (6 trong 1) hoặc Pentaxim (5 trong 1) sử dụng dưới hình thức tiêm dịch vụ là tuyệt đối an toàn, tuy nhiên không có loại vắc-xin nào là an toàn 100% cả. “Quan điểm Bộ Y tế là luôn mong muốn trẻ em Việt Nam ngày càng được tiêm nhiều loại vắc-xin thế hệ mới, an toàn và hiệu quả. Tuy vậy việc thay thế vắc-xin cần phải dựa trên các bằng chứng khoa học không thể cứ xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng là thay thế ngay loại vắc-xin đang sử dụng mà phải tìm hiểu rõ vấn đề an toàn tiêm chủng, tính sinh miễn dịch của loại vắc-xin dự kiến thay thế. Tiếp đó là nguồn cung ứng vắc-xin, nguồn tài chính bảo đảm”- ông Phu thông tin. Theo Bộ Y tế, hiện nay nguồn cung ứng các vắc-xin này (Infanrix Hexa, Pentaxim) trên thế giới và tại Việt Nam rất khó khăn, không có để sử dụng ngay cả trong tiêm dịch vụ. Nguyên nhân chủ yếu là do các nhà sản xuất không có khả năng cung ứng đầy đủ vì thay đổi quy trình công nghệ, địa điểm và kế hoạch sản xuất,... do vậy cần nhiều thời gian hơn trước mới có thể đưa được sản phẩm ra thị trường kể từ lúc được đặt hàng khiến các nhà sản xuất không ưu tiên cung ứng cho các nước chưa đưa vắc-xin này vào tiêm chủng mở rộng mà chỉ cung cấp cho các nước đã đặt hàng với số lượng lớn từ mấy năm trước. Ông Phu khẳng định, từ nay đến cuối năm, thậm chí hết năm 2016, sẽ vẫn khan hiếm 2 loại vắc-xin trên. Nếu tiếp tục chờ đợi, trẻ có thể sẽ bị mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B... Bộ Y tế cũng nghiêm cấm tất cả việc lợi dụng việc khan hiếm vắc-xin để trục lợi, đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn hàng trôi nổi (nếu có) sẽ không bảo đảm chất lượng, giá thành cao. |