Bắc Kạn: Đoàn kết giúp nhau thoát nghèo
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 12:47 - 15/05/2016
Người dân quyết định mô hình giảm nghèo
Theo đánh giá của BQL dự án giảm nghèo PRPP tỉnh Bắc Kạn: Trong giai đoạn 2013 - 2015, dự án giảm nghèo PRPP đã thực hiện thí điểm những mô hình sinh kế sử dụng phương pháp tiếp cận mới, sáng tạo, tăng cường quyền quyết định và làm chủ của chính những hộ dân tham gia thực hiện. Những mô hình giảm nghèo được thiết kế theo phương châm “phân cấp đầu tư cho xã, trao quyền quyết định cho cộng đồng, phát huy nội lực người dân”. Vì vậy đã tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia mô hình, nâng cao năng lực làm chủ đầu tư cho cấp xã. Đặc biệt, từ các mô hình điểm triển khai đúc rút được những kinh nghiệm, tìm ra các điểm mạnh cũng như những hạn chế để đưa ra các khuyến nghị chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
Với số tiền 248 triệu đồng, BQL dự án giảm nghèo PRPP họp bàn cùng người dân và quyết định chọn triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái triển khai tại 2 xã Lãng Ngâm (huyện Ngân Sơn) và xã Mai Lạp (huyện Chợ Mới). Những hộ tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 1 con lợn nái và phải đối ứng những nguồn lực sẵn có: Chuồng trại, thức ăn, công lao động, chăm sóc. Trong thời gian thí điểm, mỗi hộ dân nhận được hỗ trợ từ dự án sẽ phải giao nộp UBND xã 2 con lợn con khỏe mạnh. Số lợn này được luân chuyển tới các hộ nghèo khác trong xã.
Gia đình chị Hà Thị Thoan ở thôn Khau Tổng, xã Mai Lạp là hộ được hưởng lợi từ Dự án giảm nghèo PRPP, đến nay đã thoát nghèo.
Để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả, BQL dự án giảm nghèo PRPP phối hợp UBND xã tổ chức các khóa tập huấn đào tạo, tham vấn cho cộng đồng về kỹ thuật chăn nuôi, hoạt động cộng đồng... Tính đến cuối năm 2015, từ nguồn thu nhập đáng kể từ mô hình, trên 2/3 số hộ tham gia đã thoát nghèo. Trên 50 hộ nghèo khác được hưởng lợi nhờ số lợn con được cấp từ các hộ tham gia mô hình. Theo tính toán, sau 2 năm triển khai dự án, trung bình mỗi con lợn nái cho thu nhập khoảng 21 triệu đồng từ tiền bán lợn con.
Thành lập tổ hợp giúp nhau thoát nghèo
Song song với mô hình chăn nuôi lợn nái, BQL dự án giảm nghèo PRPP tỉnh Bắc Kạn triển khai mô hình Ban chăn nuôi trâu bò vỗ béo tại 2 xã Lãng Ngâm và Mai Lạp. Rút kinh nghiệm từ những mô hình hỗ trợ người dân khác, dự án hỗ trợ trực tiếp mỗi hộ 20 triệu đồng. Việc này nhằm trao quyền tự chủ tối đa cho người dân trong việc lựa chọn địa điểm, loại hình, chất lượng và thể trạng con giống. Các khóa đào tạo nâng cao năng lực về quản lý kinh tế, kết nối thị trường được tổ chức đã giúp ích nhiều cho hộ dân thực hiện mô hình. Đến nay, trung bình các hộ dân quay vòng 4 - 6 tháng/lứa vỗ béo. Trừ các chi phí, mỗi hộ thu lãi khoảng 10 triệu đồng/năm. Ngoài hiệu quả chính từ nuôi vỗ béo, đàn trâu bò đã gián tiếp giúp người dân tăng thu nhập, tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp nhờ cung cấp sức kéo, phân bón.
Nhằm hỗ trợ người dân vốn và tận dụng nguồn lực từ nhân dân, phát huy giá trị nông sản địa phương, BQL dự án giảm nghèo PRPP chọn được 2 sản phẩm chủ lực để giúp người dân thoát nghèo, đó là bún khô (xã Lãng Ngâm) và măng khô (xã Lai Lạp). Với sự hỗ trợ, tham vấn của BQL dự án giảm nghèo PRPP, từ việc sản xuất manh mún, cá thể, các hộ đã gắn kết thành lập tổ, nhóm cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Sau 2 năm triển khai mô hình giảm nghèo PRPP, những kết quả đạt được đã giúp BQL dự án giảm nghèo PRPP Bắc Kạn rút ra nhiều bài học kinh nghiệm giúp nâng cao hiệu quả cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, đó là: Nên có cơ chế áp dụng thử nghiệm và sau đó nhân rộng mô hình “xã và cộng đồng tự quản trong giảm nghèo” trên cơ sở đăng ký thoát nghèo của các xã 135 và 30a cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, các xã được trao toàn quyền sử dụng vốn, quyết định mức đầu tư, mức chi và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình khác nhau theo đúng nhu cầu và điều kiện của các xã nghèo, hộ nghèo. Các cấp thôn và cộng đồng sẽ là đơn vị sản xuất, tổ chức thực hiện, là trung tâm đầu tư về giảm nghèo. Cấp thôn sẽ đóng vai trò quan trọng trong lập kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động giảm nghèo trong thôn dựa hoàn toàn trên thế mạnh và tiềm năng của mỗi thôn bản.