Tình thế bảng G và bài toán điểm số với Việt Nam
- Văn hóa - Giải trí
- 00:51 - 18/09/2019
Tiêu chí quan trọng nhất để vào vòng loại cuối cùng khu vực châu Á là điểm số do có trường hợp chọn bốn đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, bên cạnh tám đội đầu bảng. Lá thăm chia bảng đã không đem lại may mắn cho Việt Nam bởi về lý thuyết, các bảng đấu thường có ít nhất một đội "lót đường", thậm chí là hai. Ở vòng loại World Cup 2018 đã xuất hiện bảng C với hai đội yếu là Maldives và Bhutan. Kết quả, ba đội còn lại trong bảng (Qatar, Trung Quốc, Hongkong) đều lấy trọn 12 điểm trong bốn trận đấu với hai đối thủ này. Tại bảng A vòng loại lần này, xuất hiện tình trạng tương tự với Maldives và Guam. Các đội của bảng A là Trung Quốc, Syria và Philippines hầu như chỉ tập trung cho những trận đối đầu trực tiếp để tranh các vị trí nhất và nhì.
Căn cứ theo vòng loại 2018, để đứng đầu bảng và bảo đảm vé đi trực tiếp thì cần tối thiểu 17 điểm. Muốn chắc chắn thì phải là 20. Điều này đồng nghĩa phải thắng ít nhất sáu trận. Trong trường hợp đứng nhì bảng và phải so sánh điểm số các bảng với nhau, thì cũng có tối thiểu 16 điểm, tức là thắng ít nhất năm trận. Vòng loại kỳ trước, do Indonesia bị cấm thi đấu, nên thành tích với các đội chót bảng không được tính. Tuy nhiên điều này cũng không làm thay đổi yêu cầu điểm số tối thiểu nói trên.
Thế nên, nếu không muốn rơi vào tình trạng nuối tiếc phút cuối, các đội bóng mạnh tham gia vòng loại bắt buộc chỉ có mục tiêu duy nhất đó là thắng nhiều nhất có thể. Việc tính toán điểm rơi phong độ hoặc chọn đối thủ như tại các vòng chung kết thường sẽ không có ý nghĩa với thể thức vòng loại kéo dài hai năm.
Với tư cách là đội bóng số một Đông Nam Á hiện tại, Việt Nam phải quên ngay một điểm giành được trước Thái Lan. Nó hầu như chẳng có giá trị gì, ngoài tinh thần. Giả sử: trong một bảng đấu nặng như thế này, chúng ta giành bốn trận hòa trên sân khách và thắng cả bốn trận sân nhà thì hoàn toàn có thể xem là rất thành công. Nhưng 16 điểm khi đó lại chưa bằng một đội thắng sáu và thua hai. Theo đánh giá ban đầu, các bảng A, B và C ở vòng loại lần này nhiều khả năng sẽ xuất hiện các đội nhì bảng có từ 16 điểm trở lên do có hai đội chung bảng khá yếu.
Mục tiêu của Việt Nam ban đầu là không thua các đối thủ cùng khu vực, chí ít phải xếp nhì bảng. Nhưng đội bóng của HLV Park Hang-seo còn có thêm nhiệm vụ khác, là phải tìm nhiều điểm nhất có thể. Đây là trở ngại không nhỏ về chuyên môn. Việt Nam không thể khởi đầu chậm, càng chơi càng hay theo cách quen thuộc. Các trận đấu ở vòng loại không có hiệp phụ hay sút luân lưu để trông chờ vào sai lầm đối phương hoặc nụ cười thần may mắn. Những thành công của các đội bóng do HLV Park Hang-seo dẫn dắt tính đến nay đều theo lộ trình này, và nó cực kỳ phù hợp với chọn lựa chiến thuật từ đầu của nhà cầm quân Hàn Quốc, đặc biệt là khi đối đầu với các đội mạnh, ở giải đấu châu lục. Ví dụ ở U23 châu Á 2018, chúng ta đoạt ngôi á quân nhưng chỉ có đúng một trận thắng trong 90 phút (thắng Australia 1 - 0 vòng bảng). Ở các chiến dịch sau đó, ngoại trừ trận thắng 1 - 0 trước Olympic Nhật Bản tại Asiad 2018, các kết quả ấn tượng khác đều có cùng kịch bản: mọi thứ được quyết định ở "giai đoạn 2" của các trận đấu. Tức là, đội bóng của thầy Park sẽ gỡ bàn khi bị dẫn trước, hoặc kết liễu đối thủ ở phần cuối trận đấu hoặc sau khi đối thủ đã mỏi mệt trong việc tìm chiến thắng. Tóm lại, đó là kiểu trận đấu luôn dễ rơi vào trạng thái hòa nhiều hơn thắng. Các cầu thủ cũng gần như nhập tâm với cách chơi này, nên dưới thời thầy Park, khi gặp các đội yếu, đội tuyển cũng thường thắng không đậm do việc nôn nóng ghi bàn không phải là mục tiêu thi đấu như trước.
Nhưng đấy lại là rắc rối nếu đặt trong yêu cầu cần thiết của vòng loại World Cup 2022.
Mục tiêu là phải thắng càng nhiều càng tốt, cũng như buộc các đội bóng không quan tâm đến đường xa, phải mạo hiểm ngay trận đấu trước mắt. Đội hình thì có thể quen thuộc, nhưng cách tiếp cận trận đấu phải thay đổi. Cần thiết, phải thường xuyên đá kiểu "cửa trên", đánh phủ đầu, ghi bàn sớm và tận dụng tối đa cơ hội.
Nhưng kể cả khi mạo hiểm hơn, chấp nhận thua để tìm cách ghi bàn và chiến thắng, thì cũng phải có nhiều phương án tiếp cận cầu môn. Đây là mối lo ở đội tuyển hiện tại. Dù có nhiều cầu thủ đá phạt tốt, nhưng vấn đề là các quả đá phạt nguy hiểm trước vòng cấm ngày càng ít. Đó là chưa nói, dưới thời HLV Park Hang-seo, có rất ít bàn thắng từ phạt đền dù có nhiều trận thắng từ sút luân lưu.
Lý do là các tiền đạo Việt Nam hiện nay không phải là chuyên gia trong việc gài cho đối phương phạm lỗi. Văn Toàn hầu như không có kỹ năng này. Công Phượng là giải pháp tốt nhất nhưng phong độ của anh là dấu hỏi. Sự trở lại của Tuấn Anh giúp người hâm mộ hy vọng ở các pha sút xa nhưng rất cần thêm các pha bóng hai như vậy từ các tiền vệ Hùng Dũng, Huy Hùng. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất vẫn là vị trí tiền đạo chủ lực vì cả Tiến Linh, Văn Toàn hay Hà Minh Tuấn đều không hơn "lão tướng" Anh Đức về khả năng lôi kéo, gây áp lực tạo khoảng không trong vòng cấm địa đối phương. Tại V-League hiện nay, số bàn thắng nhiều nhất của chân sút Việt Nam chỉ là 8 sau 23 vòng. Đó là con số nói lên rất nhiều điều.
Dưới thời của HLV Park Hang-seo, ghi bàn vào lưới của Việt Nam ngày càng khó. Nhưng ở chiều ngược lại, rất có thể chúng ta cũng đang dẫm lên đôi chân của mình.
Tất cả, có lẽ lại phải trông chờ vào tài "giải toán" của thầy Park và các cộng sự.