Tình khúc đặc sắc của 3 “ông hoàng” nhạc Bolero
- Văn hóa - Giải trí
- 21:23 - 06/08/2015
“Ông hoàng” nhạc sến Vinh Sử: Ấn tượng Phi Nhung nhất
Nhạc sĩ Vinh Sử sinh năm 1944 tại Sài Gòn. Ông được mệnh danh là “ông hoàng” nhạc sến với rất nhiều ca khúc như: “Mưa bụi”, “Gõ cửa trái tim”, “Làm dâu xứ lạ”, “Nhẫn cỏ cho em”, “Đêm lang thang”, “Vòng nhẫn cưới”, “Không giờ rồi”... Các sáng tác của ông được hầu hết giới bình dân đón nhận vì nội dung gần gũi, nói về những thân phận không may mắn, những mối tình trắc trở do... Công chúng thích nghe nhạc của Vinh Sử vì họ thấy ở đó hình ảnh và tâm sự của chính mình. Trong gần 60 năm sáng tác, nhạc sĩ Vinh Sử đã cho ra đời hơn 100 ca khúc và những ca khúc đó đã làm nên tên tuổi cho không ít ca sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, cũng giống như số phận của nhiều nhạc sĩ khác – những người mang nghiệp “cầm đàn” mà “Tình ca Việt đã từng giới thiệu trong đêm nhạc “Kiếp cầm ca”. Nhạc sĩ Vinh Sử trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, đặc biệt là khi ông về già. Hiện, ông đang sống trong cảnh túng thiếu và phải chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng. Trước tình cảnh khó khăn của ông, vừa qua, nhiều nghệ sĩ đã đứng ra tổ chức các đêm nhạc để quyên góp tiền giúp ông chữa bệnh. Tuy vẫn còn đang điều trị nhưng sức khỏe của nhạc sĩ hiện nay có phần khá hơn.
Ông hoàng nhạc sến Vinh Sử.
Xuất hiện trong chương trình “Tình ca Việt”, nhạc sĩ Vinh Sử rất vui khi chương trình giới thiệu 2 ca khúc “Năm 17 tuổi” và “Đếm giọt sầu rơi” của mình, qua tiếng hát của nữ ca sĩ Phi Nhung. Ông chia sẻ: “Những ca sĩ hát nhạc của tôi rất nhiều nhưng người gây cho tôi ấn tượng nhiều nhất chính là ca sĩ Phi Nhung. Có những bài tôi viết đã hơn 50 năm rồi nhưng không hiểu sao Phi Nhung lại nhớ và hát lại, làm tôi rất thích. Phi Nhung ca nhiều bài nhưng tôi xúc động nhất là bài “Năm 17 tuổi”, không hiểu ăn ý thế nào mà Phi Nhung khóc thật luôn, lúc đó tôi rất muốn chạy lại hứng nhưng mà cũng ngại”. Bất ngờ trước sự ưu ái mà nhạc sĩ Vinh Sử dành cho mình, ca sĩ Phi Nhung thật thà cho biết: “Tôi muốn hát bài này thật hay để mọi người có thể biết được tình cảm sâu sắc mà cô dành cho mẹ”.
Ngoài ca khúc “Năm 17 tuổi”, “Tình ca Việt” cũng giới thiệu đến khán giả ca khúc “Đếm giọt sầu rơi” của nhạc sĩ Vinh Sử và Y Vũ – một ca khúc có giai điệu buồn man mác và lãng mạn, từng được rất nhiều nữ ca sĩ thể hiện. Ca khúc cũng được nữ ca sĩ Phi Nhung thể hiện trong chương trình.
Phương Thanh và Đông Đào “làm mới” ca khúc của “Nhạc sĩ của đồng quê” Giao Tiên
Nhạc sĩ Giao Tiên, sinh năm 1941 tại Bình Định và được mệnh danh là “nhạc sĩ của đồng quê” với những ca khúc mang âm hưởng quê hương, dân ca như: “Phận gái thuyền quyên”, “Nhớ người yêu”, “Anh hãy về đi”, “Vó ngựa trên đồi cỏ non”, “Quán gấm đầu làng”, “Rước dâu về làng”, “Tình đẹp mùa chôm chôm”... Ông cũng là người đã sáng tạo nên hình tượng Cô Thắm nổi tiếng trong ca khúc “Cô Thắm về làng”, cũng như chuỗi ca khúc cô Thắm khác. Sự nghiệp sáng tác của Giao Tiên khởi sự vào năm 1965, với ca khúc nổi tiếng đầu tiên và cũng là ca khúc đầu tay của ông “Phận gái thuyền quyên” được kí tên Giao Tiên và Nguyên Thảo. Ca khúc đã được chương trình “Tình ca Việt” chọn và giới thiệu lại trong chương trình tối 3/8 với tiếng hát của nữ ca sĩ Đông Đào.
Nhạc sĩ đồng quê Giao Tiên.
Trong sự nghiệp 50 năm sáng tác của mình, Giao Tiên đã cho ra đời hơn 800 ca khúc. Bện cạnh những ca khúc mang âm hưởng quê hương, ông cũng sáng tác nhiều ca khúc nhạc tình được khán giả yêu thích. Nổi tiếng nhất trong đó là ca khúc “Mất nhau rồi”. Ca khúc được nữ ca sĩ Phương Thanh thể hiện lại trong chương trình.
Với cách xử lý khác, Đông Đào và Phương Thanh được xem là “làm mới” 2 ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Giao Tiên.
Nhạc sĩ Hàn Châu.
Cẩm Ly ngọt ngào và da diết với sáng tác của “ông hoàng bolero” Hàn Châu
Ngoài nhạc sĩ Giao Tiên, vùng đất Bình Định cũng đã sản sinh ra một vị nhạc sĩ tài hoa khác của dòng nhạc bolero, đó chính là nhạc sĩ Hàn Châu. Ông sinh năm 1947. Năm 14 tuổi, ông vào Sài Gòn ở chung với gia đình chị cả và anh rể là nhạc sĩ Thanh Sơn. Trong nhà có treo cây guitar, ông hay đem xuống mày mò học. Tự học nhạc như thế và tự mua sách học thêm nên chỉ 4 năm sau, ông đã có sáng tác đầu tay là “Ngõ hồn qua đêm”, viết chung với Hoàng Trang. Sau năm 1975, ông ngưng sáng tác một thời gian, mãi đến năm 1980, mới bắt đầu sáng tác lại với ca khúc “Về quê ngoại” và tiếp theo là “Tình nhỏ mau quên”, “Tội tình”... Hai ca khúc tiêu biểu của ông được “Tình ca Việt” chọn lọc và giới thiệu trong chương trình là “Dòng sông và nỗi nhớ” và “Tội tình”. Hai ca khúc đều được thể hiện đầy da diết và tình cảm bởi tiếng hát của nữ ca sĩ Cẩm Ly.
“Dòng nhạc Bolero sẽ không đậm đà và đặc sắc như hôm nay nếu thiếu 3 ông hoàng này” đó là nhận định của khán giả.