Tinh gọn bộ máy: Hà Nội tính "giải tán" 60 ban chỉ đạo không hiệu quả
- Tây Y
- 17:07 - 07/11/2017
Khi mở rộng mở rộng các chương trình liên thông điện tử, mô hình ban chỉ đạo sẽ không còn phù hợp
Theo rà soát của Văn phòng UBND TP Hà Nội, từ năm 2007-2017, UBND TP đã thành lập 302 ban chỉ đạo thuộc thành phố. Tính đến ngày 24/7/2017, còn 108 ban chỉ đạo đang còn hiệu lực hoạt động. Trong đó, lĩnh vực nội chính, quốc phòng - an ninh, tư pháp có 15 ban chỉ đạo; đô thị: 19 ban chỉ đạo; kinh tế: 41 ban chỉ đạo; khoa giáo, văn xã: 33 ban chỉ đạo.
Nhiều nhưng kém hiệu quả
Trong khi đó, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các lĩnh vực quản lý đều đã được quy định về thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chuyên môn (sở, ngành). Ban chỉ đạo thành phố chỉ là tổ chức kiêm nhiệm có nhiệm vụ tư vấn cho UBND TP, không có trách nhiệm pháp lý cụ thể. Ngược lại, việc thành lập quá nhiều ban chỉ đạo thành phố có thể làm giảm trách nhiệm tham mưu, quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên môn của UBND TP.
Đáng chú ý, một số ban chỉ đạo hoạt động còn hình thức, hiệu quả không cao, lãng phí nguồn lực, kinh phí, thời gian cho thành viên ban chỉ đạo. Có những việc các cơ quan chuyên môn (sở, ngành) hoàn toàn có thể tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm theo thẩm quyền, hoặc tham mưu Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách chỉ đạo trực tiếp. Những vấn đề phức tạp, nhạy cảm thì đưa ra cuộc họp Thường trực UBND TP xem xét, chỉ đạo không cần thiết phải qua cơ chế ban chỉ đạo. Ngoài ra, cơ chế hoạt động ban chỉ đạo còn ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả” và “một việc một đầu mối xuyên suốt”.
Từ thực tế trên, Văn phòng UBND TP Hà Nội đề xuất nguyên tắc: “Chỉ thành lập, giữ lại hoặc kiện toàn các ban chỉ đạo theo yêu cầu của văn bản quy phạm pháp luật (luật, Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) hoặc do yêu cầu thực tiễn của thành phố để chỉ đạo những loại công việc thuộc trách nhiệm của liên ngành; những vấn đề mới phát sinh; những công việc nhạy cảm, phức tạp, cấp bách; những chủ trương đang thực hiện thí điểm... Cùng với đó, thành phố sẽ sáp nhập một số ban chỉ đạo có nhiệm vụ giống nhau và có cùng 1 cơ quan thường trực. Đặc biệt, sẽ đề xuất giải thể các ban chỉ đạo đã hoàn thành nhiệm vụ; những nội dung công việc mang tính chất thường xuyên; những ban chỉ đạo hoạt động kém hiệu quả, hình thức, lãng phí…
Với nguyên tắc thu gọn số lượng ban chỉ đạo nói trên, Văn phòng UBND TP Hà Nội đề xuất giữ nguyên 40 ban chỉ đạo; sáp nhập 27 ban chỉ đạo thành 8 ban chỉ đạo; giải thể 41 ban chỉ đạo. Như vậy, nếu theo phương án đề xuất kiện toàn trên, sẽ tinh gọn từ 108 ban chỉ đạo xuống còn 48.
Giải thể, giảm bớt là xu hướng chung
Tại TP.HCM, câu chuyện thu gọn các ban chỉ đạo thuộc thành phố cũng đang là đề tài nóng. Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung, TP.HCM có khoảng 200 ban chỉ đạo, ủy ban, tổ công tác, tổ liên ngành, hội đồng. Cùng quan điểm với Văn phòng UBND TP Hà Nội, ông Lê Hoài Trung cho rằng: “Mỗi sở, ngành, quận, huyện nếu làm hết trách nhiệm, phát huy tốt chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành thì không cần lập ban chỉ đạo. Ví dụ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm hết chức năng thì đâu cần lập ban chỉ đạo liên quan thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng làm gì...”.
Cho biết quá nhiều ban chỉ đạo gây lãng phí thời gian, nguồn lực, tiền của (gần 200 ban đang tồn tại nhưng chỉ khoảng 20 ban hoạt động hiệu quả), ông Lê Hoài Trung thông tin: “Lãnh đạo TP.HCM đã chấp thuận chủ trương giải thể bớt ban chỉ đạo theo đề xuất của Sở Nội vụ”.
“Trong lộ trình cải cách hành chính, khả năng bỏ là cao. Xu hướng này là để nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu sở, ngành, quận, huyện. Ngoài ra, TP.HCM đang dần mở rộng áp dụng các chương trình liên thông điện tử thì không cần ban chỉ đạo nữa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn trong giai đoạn thống kê, còn việc duy trì hay bỏ ban nào cụ thể sẽ do Thường trực UBND TP.HCM quyết định” - ông Lê Hoài Trung chia sẻ.