Với anh Ba Dũng
- Dược liệu
- 00:46 - 01/04/2016
Thủ tướng tặng quà cho tác giả.
Đến cổng, thấy nhà văn Hữu Ước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và cô con gái đứng đợi. Chợt nhớ gia đình Hữu Ước vốn đi lại thân thiết với nhà Thủ tướng. Nhất hồi vợ Hữu Ước còn sống. Lát sau thấy Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Như Phong đi ô tô tới.
1. Những hồi ức đan xen
Sĩ quan tiếp cận Hoàng Trọng Côi niềm nở đón vào. Và kia, dáng quen thuộc của Trương Quang Việt, bác sĩ riêng của Thủ tướng. Đốc - tờ Việt cười Thủ tướng đang đợi các ông nhà văn. Hiếm có cuộc nào gặp riêng thế đâu nhé…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sơ mi trắng, áo khoác nhẹ màu sáng, từ nhà trong đi ra vui vẻ bắt tay khách văn cười rất tươi với Nguyễn Thị Thu Huệ chào Hậu thiên đường.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa cho nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
Đoạn ông mời tất cả vào phòng khách. Phòng trống trơn. Dường như là một phòng đợi? Khoảng non chục cái ghế liền kề với bàn nước. Hai bó hoa lớn hiện diện từ lúc nào? Thủ tướng đến bên bàn, cầm lên một bó cùng lời chúc bất ngờ thiên đường là hoa và hậu thiên đường cũng hoa nhân ngày 8/3 tặng nữ nhà văn Thu Huệ. Bó hoa còn lại tặng Phương, con gái Hữu Ước cũng là một ký giả.
Một động thái hơi bất ngờ là ai cũng có quà. Quà là một chiếc bút màu đen bóng hiệu Parker. Trên thân bút nổi bật hàng chữ khắc màu vàng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng nhà văn (ghi tên từng người) kèm chữ ký quen thuộc của Thủ tướng. Thủ tướng cười: Hồi còn làm việc bận lu bu cũng rất muốn gặp các bạn lắm nhưng không hở ra được. Bây giờ sắp nghỉ, mời các bạn đến chuyện trò và ăn với nhau một bữa cơm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tác giả bài viết.
Để ý đám người viết, người gọi Thủ tướng. Người thì anh Ba. Nhưng một hồi, trong không khí thân mật, ai cũng anh Ba thì phải.
Nhớ thêm, khi trao quà cho người nào, chủ nhà nói luôn đã từng đọc cái này thứ khác của họ. Với Nguyễn Quang Thiều, chủ nhà nhắc lại lần gặp ở nhà số 4 Lý Nam Đế nhân có cuộc trao Giải thưởng của Hội Nhà văn. Riêng tác giả truyện ngắn Hồi ức binh nhì, chủ nhà nhướng cặp mày về phía Thiều: Tác giả ông gì ở Quảng Bình ấy nhỉ? Thiều đáp Dạ Nguyễn Thế Tường ạ. Bất ngờ, Thủ tướng ban đầu hơi ngập ngừng nhưng đọc một lèo, vâng đọc thuộc lòng đoạn gần cuối cái truyện ngắn Hồi ức binh nhì trong động thái sững sờ của đám viết… Thấy Thiều lè lưỡi, chủ nhân nói luôn: Mình từng là lính mà. Truyện ấy chắc những ai từng là lính nên khoái. Thiều thoắt giọng nghiêm trang: Hồi trước anh Ba khoái hồi ức binh nhì. Nhưng rồi sau này anh làm tướng, xin lỗi trên cả tướng là Thủ tướng thế mà vẫn nhớ lại thuộc cả một đoạn dài nữa… Giọng chủ nhà cũng nghiêm: Cái thuở ban đầu và đượm chất nhân văn ấy chẳng hề cũ với bất kỳ tuổi tác lẫn cương vị nào cả. Ngày trước, mình vốn khoái văn nhưng như các bạn biết, cuộc đời đã rẽ sang một hướng khác… Thu Huệ và Thiều tặng chủ nhà cuốn mới xuất bản.
Bà vợ Thủ tướng vắng nhà. Bà vào quê chuẩn bị cho lễ ăn hỏi anh con trai út Nguyễn Minh Triết. Hỏi thêm được biết, ông bà thông gia quê ở Tây Ninh. Như Thủ tướng nói là nghề ruộng.
Huệ nhấp vang. Chu Lai rượu mạnh nhưng cầm chừng. Như Phong mới vài ly mặt mũi đã lựng đỏ nhưng vẫn hào hứng chịu trận. Thủ tướng cũng từ từ nhập cuộc nhưng tự tay với lon soda chế thêm.
Nhà văn Chu Lai, năm nay 70 nhưng tóc với bộ ria cứ xanh rì ngồi gần Thủ tướng. Lão vốn hoạt ngôn. Nhưng bữa nay tự dưng kiệm lời hẳn?
Cảnh vệ Hoàng Trọng Côi hé cửa đưa một người sù sụ mũ cát két, áo khoác ngoài, khệ nệ trên tay bó hoa. Ngó ra, đó là lão Khoa. Bộ dạng này lão nom già thật. Với lại Trần Đăng Khoa thích già. Có hẳn một blog mang đích danh Lão Khoa. Mấy tháng trước, tôi ngồi chung xe vào Quảng Bình với Chu Lai cùng lão Khoa. Lão rủ rỉ và than thở với một em trên xe rằng lão không có tuổi thơ vì tuổi thơ lão đã đại diện cho đất nước… Người đẹp trên xe há hốc mồm nhìn lão đăm đăm.
Thủ tướng thân giúp Khoa cởi áo khoác. Chắc chủ nhà với lão Khoa từng quen biết nên chuyện trò khá tự nhiên. Cả bọn hơi choáng khi Khoa rè trầm chất giọng quen thuộc: Bó hoa này em tặng chị Ba… Thế mà cả lũ này đến trước đều tay không cả?
Vào bữa một lúc, thi sĩ Trần Đăng Khoa lại nhắc lại chi tiết từng chứng kiến anh Ba đọc rất kỹ Hồi ức binh nhì… Lão Khoa bộc bạch thêm về ấn tượng Thủ tướng từng thông làu những con số thống kê, kinh tế này khác không dễ nhớ được trên nhiều diễn đàn… Lại chợt nhớ đến chuyện bác sĩ riêng của Thủ tướng Trương Quang Việt kể cho nghe cũng lâu lâu.
Thủ tướng chụp ảnh cùng các văn nghệ sĩ.
Lần ấy trong chuyến công tác về Rạch Giá. Thầy trò có một đoạn dài đường thủy. Ngắm thỏa mắt cảnh trí sông nước vùng miền Tây từ Rạch Giá đi Hà Tiên, anh Ba, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng như đang chìm đắm vào một hồi ức nào đó? Rồi anh Ba đột ngột hỏi Việt đã đọc Một truyện chép ở bệnh viện của Bùi Đức Ái chưa? May quá hồi đi học có biết. Anh Ba hỏi tiếp có biết Bùi Đức Ái là ai? Việt thưa không. Anh Ba cười hỏi bác sĩ Việt đã đọc tiểu thuyết Hòn Đất ? Cũng may Việt biết… Anh Ba nói Bùi Đức Ái là nhà văn Anh Đức đó.
Bác sĩ Việt đã rất ngạc nhiên khi nghe anh Ba thông làu một khúc ngắn đoạn mở đầu tiểu thuyết Hòn Đất…
Hóa ra có duyên do cả!
Đại hội thi đua tiên tiến của Kiên Giang năm ấy có một trung úy bộ đội địa phương trẻ măng với nhiều thành tích trong chiến đấu. Đặc biệt, người trung úy ấy từng tham gia chiến đấu bám trụ tại trận Hang Hòn ác liệt với đội du kích do Phan Thị Ràng phụ trách.
Nhà văn Anh Đức có mặt trong hội nghị này và khai thác rất kỹ anh trung úy trẻ về hoàn cảnh, tình huống chiến trường và con người ở Hang Hòn… Đặc biệt là tấm gương hy sinh anh dũng của Phan Thị Ràng. Anh trung úy trẻ mà nhà văn Anh Đức đeo bám ấy là Nguyễn Tấn Dũng.
Một thời gian sau, cuốn tiểu thuyết Hòn Đất ra đời…
Bác sĩ Việt nhớ cái hít hà cảm phục của anh Ba Dũng rằng, nhà văn Anh Đức khi ấy chưa về Hang Hòn nhưng khai thác sao đó để làm nên một nhân vật Chị Sứ sống động. Người lẫn cảnh của Hòn Đất không khác Hang Hòn bao nhiêu. Tài năng và lao động của nhà văn là chỗ đó. Trong câu chuyện anh Ba Dũng không nói mình là người đã góp sức đắc lực để Anh Đức làm nên Hòn Đất.
Không có khoảng trống, khoảng hở. Chuyện nối chuyện. Chuyện của chủ nhà, của đám khách văn, không tiền khoáng hậu.
Các cung bậc cười vui chen vào câu chuyện của chủ nhà về những chuyến đối ngoại căng thẳng. Như anh Ba bộc bạch, chén cơm nóng, con khô hấp từ nồi cơm điện anh em cảnh vệ, tùy tùng mang theo cũng mang lại những bất ngờ làm ấm lòng khi công cán nơi đất khách.
Thủ tướng tâm sự: Nói cho cùng, kinh tế là chính trị. Mình cứ nghĩ mãi cái câu của Thánh Mohamed đại ý, nếu Kinh thánh của ta ảnh hưởng, xúc phạm đến miếng bánh của các người thì ta sẵn sàng để các người dẫm lên kinh thánh của ta vậy. Tương tự như câu của phương Đông mình, dân dĩ thực vi thiên. Dân coi cái ăn như trời vậy… Khi gặp người đồng cấp Hàn Quốc, mình từng tranh thủ đem chuyện trái dừa ra tiếp thị. Còn khi trao đổi về Luật Nông trại của Mỹ với Tổng thống Obama, lại đưa câu chuyện về trái thanh long vào. Gặp Thủ tướng Australia thì nói chuyện quả vải, còn trao đổi với người đứng đầu Chính phủ Nhật thì lại nhắc chuyện trái xoài… Vậy mà trong một hội nghị thương mại gần đây, nghe anh em bộc bạch lại bao thứ nghe giật mình! Là cương vị Thủ tướng, còn lắm điều còn quan liêu về mảng này. Sơ suất một tý là có lỗi với nông dân mình đang đêm ngày bạc mặt với con tôm cùng cây trái xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.
Anh Ba hối khách văn tăng tốc các món kẻo nguội.
Thủ tướng bộc bạch, thành tựu kinh tế 5 năm qua, nổi bật là cải cách thể chế, hạ tầng giao thông và mở cửa thị trường. Trong ba trụ cột. thành tựu về mở cửa thị trường có sự giúp sức lớn của những người trực tiếp làm công tác kinh tế đối ngoại – là các tham tán thương mại. Mình cũng từng kiêm cả công việc của họ. Bây giờ Việt Nam đã tham gia ký kết 14 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 2 FTA thế hệ mới là TPP với 12 nước khu vực Thái Bình Dương và hiệp định với EU là thành công nổi bật. Phía Mỹ nhận xét rằng đội ngũ cán bộ đàm phán của Việt Nam rất trẻ nhưng tầm cỡ.
Kinh tế là chính trị. Kinh tế mà không phát triển đừng nói chuyện khác, nghèo khó nói chuyện lắm, nợ nần người ta đòi đủ thứ. Kinh tế tăng trưởng cao, làm ăn tốt, tướng đi cũng khác, nợ nần, tướng đi cóm róm nữa là Thủ tướng đi xuất ngoại!
Chu Lai dường như không mấy mặn mà đến mảng thương mại. Nhà văn chăm chắm việc hỏi đi hỏi lại chuyện từng nghe loáng thoáng về chiến binh Nguyễn Tấn Dũng từng được một đồng đội cứu thoát trong một trận chiến với tình huống cam go trên một cái cối giã gạo bằng gỗ bơi qua sông Tiền. Và sau này ở cương vị Thủ tướng, ông đã tìm thăm bằng được ân nhân của mình đang cư trú ở một địa phương vùng sâu vùng xa…
Nghe cặn kẽ, Chu Lai vẻ trầm ngâm...
CÙNG CHUYÊN MỤC
Áp cước bản thảo, tác dụng chữa bệnh của Áp cước bản thảo
Tác dụng Áp cước bản thảo, cách dùng Áp cước bản thảo chữa bệnh, hình ảnh, nơi mua, giá bán cây thuốc nam – vị thuốc quý Áp cước bản thảo
5 tháng trước
Tin nên đọc