Nhiều chương trình vui chơi đầu Xuân Đinh Dậu 2017
- Văn hóa - Giải trí
- 05:02 - 02/02/2017
Hội Chữ Xuân Đinh Dậu năm 2017 diễn ra từ ngày 21/1 - 11/2 (tức 24/12 đến 15/1 Âm lịch), từ 8h30 - 20h hàng ngày, tại Hồ Văn (di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội).
Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017
Với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”, Hội Chữ Xuân Đinh Dậu có sự tham gia của gần 100 người có khả năng viết thư pháp Hán – Nôm, chữ Quốc ngữ là thành viên Câu lạc bộ thư pháp tại Hà Nội và các cá nhân của tỉnh, thành khác có nhu cầu tham gia viết chữ đã được sát hạch và thẩm định trình độ.
Bên cạnh một số hoạt động thường niên như: Biểu diễn thư pháp, cho chữ, triển lãm thư pháp, năm nay, Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 còn có thêm khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như gốm sứ, thêu dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng… Có khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo – khám phá tranh Tết” và khu vực các trò chơi dân gian như nặn tò he, vẽ tranh, ô ăn quan…
Chương trình “Tết Việt” trong không gian phố cổ Hà Nội
Từ ngày 19/1 – 12/2, tại phố cổ Hà Nội diễn ra chương trình “Tết Việt” tại không gian phố cổ Hà Nội sẽ gồm nhiều hoạt động phong phú tại nhiều địa điểm là di tích nổi tiếng.
Tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) là triển lãm ba dòng tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ. Trong đó, sau nhiều năm vắng bóng, tranh Kim Hoàng sẽ được giới thiệu trở lại với công chúng, với những mẫu tranh truyền thống và cả một số mẫu tranh sáng tác mới theo phong cách tranh Kim Hoàng. Nổi bật nhất là bức Thần kê (thường gọi là Gà trống). Bức Thần kê được làm theo khổ lớn 2,2×0,6m.
Tại ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây) là triển lãm ảnh Tết xưa của Viện Thông tin khoa học Xã hội Việt Nam và trải nghiệm không gian đón Tết của một gia đình điển hình Hà Nội xưa.
Tại trung tâm Thông tin Di sản phố cổ (28 Hàng Buồm) sẽ diễn ra trình diễn thư pháp, vẽ tranh dân gian và triển lãm ‘Hoa Văn Đại Việt’ trưng bày các sản phẩm ứng dụng hình ảnh hoa văn truyền thống.
Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017
Chương trình diễn ra từ ngày 30/1-5/2.
Tại Phố Lê Thạch và Vườn hoa Lý Thái Tổ (Khu vực nhà Bát giác), Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ngày 30/1 – 5/2 sẽ diễn ra chương trình Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017. “Phố sách Xuân Đinh Dậu 2017” gồm các hoạt động: Trưng bày, giới thiệu tới bạn đọc các thể loại sách phong phú, đa dạng như sách thiếu nhi, văn học, văn hóa xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật, y học, ngoại văn, sách điện tử và thiết bị số… Trưng bày báo Tết Dương lịch 2017 và báo Tết Đinh Dậu, giới thiệu, ký tặng sách, giao lưu với các nhà văn, các tác giả, giới thiệu nghệ thuật thư pháp, câu đối Tết...
Chương trình Tết tại Hoàng thành Thăng Long
Mỗi dịp Tết đến xuân về, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với các nhà sưu tầm, các nghệ nhân, các làng nghề truyền thống để trưng bày, giới thiệu những bộ sưu tập hiện vật độc đáo tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Triển lãm Tranh Tết truyền thống Việt Nam giới thiệu 3 dòng tranh dân gian Việt Nam tiêu biểu là tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng và tranh Đông Hồ qua bộ sưu tập của Bảo tàng gốm sứ Hà Nội; Triển lãm Triều phục Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trinh Family Foudation với 15 bộ triều phục của chúa Trịnh và vua Nguyễn như: Áo Ngự hàn Viên Long của Chúa Trịnh; Áo Đoạn kép của Chúa Trịnh; Hoàng (Long) Bào Đại Triều mùa Xuân – Hạ của Hoàng đế; Áo Cát Phục Viên Long của Vua Đồng Khánh… Thông qua bộ sưu tập sẽ giúp du khách tìm hiểu về nghệ thuật thêu may truyền thống Việt Nam, cảm nhận sự tài hoa, khéo léo của người thợ thủ công và nét độc đáo, tinh xảo của trang phục cung đình truyền thống.
Trong đó hoạt động trưng bày, triển lãm diễn ra từ 20 – 25/01, 29/01 – 28/02/2017 (nghỉ thứ hai hàng tuần), hoạt động văn hóa truyền thống: 20/01, 30/01 – 01/02, 05/02/2017.
Vui xuân Đinh Dậu 2017 – Sắc thái văn hóa Sơn La:
Chương trình sẽ giới thiệu đến công chúng những nét sinh hoạt văn hóa dân gian thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật, trò chơi, ẩm thực, khám phá và trải nghiệm…
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chương trình Vui xuân Đinh Dậu trong hai ngày, mồng 8 và 9 Tết (4 - 5/2/2017). Chương trình năm nay có sự hợp tác của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La sẽ giới thiệu đến công chúng những nét sinh hoạt văn hóa dân gian thông qua các hoạt động trình diễn nghệ thuật, trò chơi, ẩm thực, khám phá và trải nghiệm…
Những nét xuân của vùng Tây Bắc sẽ được giới thiệu qua các hoạt động của người Thái, Hmông, Khơ Mú...Công chúng có cơ hội tiếp cận trực tiếp một số nét văn hóa của Sơn La như: Xòe chá (Thái), Múa Vêlrguông, hát Tơm tăng bu (Khơmú), thổi khèn (Hmông)...
Ngoài ra, du khách còn được tham gia chơi và thi các trò chơi dân gian; tìm hiểu và trải nghiệm với nhiều hoạt động thú vị trong dịp tết như: viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, múa tứ linh, múa sạp...
Đặc biệt, lúc 18h mồng 8 Tết, công chúng có cơ hội thưởng thức màn đốt pháo bông tại sân trước của Bảo tàng.
Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” 2017:
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, mang đến phong vị Tết truyền thống dân tộc cho khách du lịch trong những ngày đầu Xuân.
Ngày hội với sự tham gia của khoảng 190 người là đại diện già làng, trưởng bản tiêu biểu, nhân sĩ trí thức, nghệ nhân của 16 cộng đồng dân tộc của 16 tỉnh đại diện cho các dân tộc, vùng miền của cả nước: dân tộc Hà Nhì (Lai Châu), Pu Péo (Hà Giang), Ơ Đu (Nghệ An), Mạ (Lâm Đồng), Chăm (An Giang), dân tộc Dao (Tp. Hà Nội), Tày (Thái Nguyên), Mường (Hòa Bình), Khơ Mú (Sơn La), Thái (Nghệ An), Giẻ Triêng (Kon Tum), Ba Na (Gia Lai), Ê Đê (Đắk Lắk), Chăm (Bình Thuận), Khmer (Sóc Trăng), Tà Ôi (Thừa Thiên Huế).
Trong khuôn khổ Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động: Chương trình Bài ca mừng Đảng, mừng Xuân, Chủ tịch nước chúc Tết đồng bào các dân tộc, tái hiện các lễ hội truyền thống: Lễ Xên bản (hay còn gọi là cúng bản) của dân tộc Thái, Tết “Nào Pê Chầu” của dân tộc Mông. Bên cạnh đó là Chương trình Hội xuân: Hội chọi dê đầu Xuân của đồng bào huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, trồng cây đầu Xuân – Sắc Ban Tây Bắc...