THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:02

Trạm thu phí BOT dày đặc Quốc lộ, dân bức xúc là đúng!

Đó là khẳng định của ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tasco - tại Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, BT giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) quản lý tổ chức tại Hà Nội ngày 7/6.

Nhà đầu tư BOT bị nhìn nhận như tội đồ!

Theo ông Dũng, với dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao), được hơn nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA. Do vốn ODA là vay có điều kiện, phải sử dụng nhà thầu của nước ngoài nên tổng đầu tư thường có giá thành đắt gấp rưỡi, gấp đôi so với tổng mức đầu tư BOT và BT. Vì thế không nên vay vốn ODA và nên khuyến khích nhà đầu tư trong nước.

“Cái được của nhà đầu tư là có việc làm, còn Bộ GTVT và Chính phủ thì mua được tài sản bằng cái giá rất rẻ. Khi đầu tư BOT, có lãi cũng chỉ khoảng 8-9% trên vốn chủ sở hữu, chỉ vì doanh nghiệp không biết làm gì thì đầu tư BOT, đóng góp tăng GDP. Tuy nhiên, thời gian qua dư luận coi nhà đầu tư như một “tội đồ” khiến doanh nghiệp không có hưng phấn đầu tư” - ông Dũng bày tỏ.


Ông Phạm Quang Dũng: Nếu tôi là người dân vận tải, tôi cũng bức xúc

Ông Phạm Quang Dũng: "Nếu tôi là người dân vận tải, tôi cũng bức xúc"

Hiện cả nước có 88 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, Bộ GTVT quản lý 74 trạm, UBND các tỉnh quản lý 14 trạm; 13 hệ thống thu phí trên các tuyến cao tốc, Bộ GTVT quản lý 12 hệ thống còn lại là UBND tỉnh quản lý.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, với các dự án BOT của chúng ta hiện nay thì nếu ở vị trí người dân vận tải thì ông cũng bức xúc. “Đầu tư một lúc trên các quốc lộ dày đặc, ngã nào dính vào cũng BOT, người dân không còn sự lựa chọn nào cả nên họ không còn đường đi, họ bức xúc là đúng. Điều này chúng ta cần xem lại” - ông Dũng nhấn mạnh.

Chưa hết, ông Dũng cũng đề cập đến vấn đề lợi ích đầu tư BOT chưa hài hòa, thông tin tích cực thì ít mà thông tin tiêu cực còn nhiều. Song vị này khẳng định, quản lý dự án đầu tư BOT chặt chẽ hơn nhiều việc quản lý các dự án khác.

“Trước khi đầu tư dự án thì cần phải lấy ý kiếm thẩm định của 8 bộ ngành để thẩm định. Sau đầu tư, Nhà nước có thẩm quyền chỉ chấp nhận giá trị đầu tư đưa vào sử dụng sau giá trị kiểm toán độc lập. Mỗi dự án đầu tư xã hội hóa là một kiểm toán, một thanh tra” - Chủ tịch Tasco cho hay.

Còn nhiều cơ hội giảm phí đường bộ

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, dựa trên cơ sở cắt giảm chi phí các khoản dự phòng khối lượng, lãi vay không sử dụng hết do tiết kiệm và rút ngắn được thời gian thi công tại các dự án BOT. Hiện tại nhiều dự án BOT đường bộ triển khai trong thời gian qua vẫn còn nhiều khoản dư chưa sử dụng so với dự toán ban đầu và đây là cơ sở cho việc tính toán giảm phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn.

Thứ trưởng Mai dẫn chứng về dự án BOT mở rộng QL1 đoạn phía Nam tỉnh Khánh Hoà, chi phí thực tế tính đến thời điểm thanh tra so với chi phí được duyệt trong tổng mức đầu tư Dự án chênh lệch 1.282,16 tỷ đồng, chủ yếu là do không phải sử dụng chi phí dự phòng, giảm lãi vay ngân hàng và chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.


Trạm thu phí BOT trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ảnh: Hữu Nghị)

Trạm thu phí BOT trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (ảnh: Hữu Nghị)

Về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, việc không sử dụng đến chi phí dự phòng của Dự án một phần nhờ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã ổn định được nền kinh tế vĩ mô (lãi vay giảm và ổn định, chỉ số CPI ở mức thấp và trực tiếp là chỉ số giá vật liệu xây dựng thấp...), đồng thời cho thấy những biện pháp chỉ đạo của Bộ GTVT (như cắt giảm quy mô đầu tư, lựa chọn giải pháp kỹ thuật hợp lý, tiết kiệm...) là phù hợp, công tác quản lý chi phí chặt chẽ, kiểm soát việc sử dụng chi phí dự phòng của nhà đầu tư... đã mang lại lợi ích cho xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cụ thể là tổng chi phí đầu tư thực tế giảm so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nêu lên hàng loạt bất cập của các dự án BOT như: Đầu tư theo phong trào, có những nhà đầu tư năng lực hạn chế nên tính chi phí đầu tư cao so với thực tế, từ đó làm tăng phí cho phương tiện đi lại, làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhiều trạm thu phí BOT chưa hợp lý gây bức xúc cho người dân, thiếu quy hoạch tổng thể cho phát triển giao thông, chưa có danh mục đường nào đầu tư từ ngân sách, đường nào kêu gọi BOT.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, việc phối hợp chủ đầu tư để thu phí chưa tốt nên đặt quá nhiều trạm thu phí, trong khi đó cơ quan quản lý chưa có cơ chế phối hợp giữa nhà đầu tư và Nhà nước, chưa kiểm soát lựa chọn nhà đầu tư, chất lượng khảo sát thiết kế chưa phù hợp thực tế... Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT rà soát chiến lược quy hoạch hạ tầng gắn với đề án tái cấu trúc ngành giao thông, phát triển hài hòa các phương tiện vận tải, đưa ra các dự án ưu tiên trên mỗi loại hình và quy hoạch lại các trạm thu phí.

“Đầu tư BOT là trả chậm, thay vì Nhà nước trả mà là người dân trả nên phải kiểm soát chặt chẽ từ đầu đến khi đưa vào sử dụng, phải đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, người dân” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Theo Dân Trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh