Gần 60 tuổi mãn kinh xin trứng sinh quý tử
- Y học 360
- 16:48 - 21/08/2016
Theo BS Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, đây là một trong những phụ nữ cao tuổi nhất tại Việt Nam can thiệp chữa vô sinh thành công.
BS Hiền chia sẻ, bà mẹ này luôn khao khát có con, đã nhiều năm chạy chữa khắp nơi nhưng vẫn chưa đậu. Mọi mong ước tưởng như đã chấm dứt khi chị bước vào thời kỳ mãn kinh ở tuổi 56.
Tuy nhiên, hy vọng loé sáng khi chị xin được noãn của một phụ nữ khác cách đây 2 năm để thụ tinh trong ống nghiệm.
Dù các bác sĩ đã khuyên không nên có con khi tuổi cao, không đủ sức khoẻ để nuôi bào thai và chăm con nhưng người mẹ vẫn quyết tâm có con.
“May mắn, dù lớn tuổi nhưng chị vẫn sinh được một bé trai kháu khỉnh nặng hơn 3 kg. Hiện bé đã gần 1 tuổi”, BS Hiền vui mừng thông báo.
Đây là trường hợp sản phụ thứ 2 mãn kinh được thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai thành công tại Việt Nam.
Một trường hợp khác, vợ chồng chị Đinh Thị Bích Thuỷ sau 20 năm chạy chữa vô sinh đã thụ tinh trong ống nghiệm thành công 2 lần
Trước đó, vào đầu năm 2015, bệnh viện Bưu điện hỗ trợ sinh sản thành công cho vợ chồng sản phụ Trần Thị Phúc (52 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) sau 10 năm chạy chữa khắp nơi để có con.
BS Hiền cũng chia sẻ trường hợp vợ chồng chị Đinh Thị Bích Thuỷ sau 20 năm chạy chữa vô sinh đã thụ tinh trong ống nghiệm thành công 2 lần và đều thành công, bé lớn đã hơn 1 tuổi.
Theo các chuyên gia, trường hợp phụ nữ trên 40 tuổi đậu thai bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm là rất khó.
TS Nguyễn Mạnh Hà, trưởng bộ môn Mô - Phôi, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và công nghệ mô ghép, bệnh viện Đại học Y cho biết, với phụ nữ trên 40 tuổi, 90% phôi tạo ra từ trứng có bất thường nhiễm sắc thể, không phát triển thành con được.
“Nếu dùng trứng của người khác thì vẫn có thể có thai nhưng cũng rất khó khăn. Tuổi càng cao, nguy cơ sảy thai, thai chết lưu càng lớn do nội tiết của người cao tuổi kém, khó giữ thai”, TS Hà chia sẻ.
Thống kê tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới cho thấy, với những người trên 40 tuổi, khả năng giữ thai sau làm thụ tinh ống nghiệm chỉ đạt 50%. Càng cao tuổi, tỉ lệ này càng thấp.
Theo TS Hà, tại Việt Nam, việc trữ đông tinh trùng để dành sinh con phổ biến hơn việc trữ lạnh trứng do để lâu, chất lượng trứng bị sụt giảm khá nhiều.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Hiện nước ta có 7,7% cặp vợ chồng bị vô sinh, tương đương với hơn 1 triệu cặp vợ chồng. Một cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà 6 tháng (với người dưới 30 tuổi) hoặc 12 tháng (với người trên 30 tuổi) chưa có thai thì được coi là hiếm muộn. |