TIN KHÓ TIN: Buồn như Tết và nỗi oan Bộ học
- Tây Y
- 01:07 - 19/02/2016
1.Buồn như Tết!
Khi đọc những con số tổng kết Tết Bính Thân: hơn 5.100 vị choảng nhau, ngộ độc rượu 1.500 lượt, 220 người tử vong do tai nạn giao thông, 20 ca tự tử… Tôi rất nghi ngờ câu Vui như Tết. Họ nốc tửu như chưa bao giờ được nốc rồi rầm rập lao vào nhau đấm đá, điên cuồng phi xe sang thế giới bên kia, đám đông đáng kính mới hôm qua tất tần tật trở thành sửu nhi… Thế thì vui gì nổi phải buồn như Tết chứ! Có buồn họ mới tìm đến cái chết, có chán mới rượu chè be bét, có bất cần đời mới phóng xe không úp nồi cơm điện…
Rượu vào nắm đấm ra. ảnh Trần Tiến Dũng
Thằng tỉnh ra đường cũng lắm lúc mang vạ bởi thằng say, chẳng lẽ du xuân cứ kéo nhau vào nhà nghỉ cho lành? Ngày xưa làng Vũ Đại cứ mặc cho Chí Phèo chửi chán rồi thôi nhưng nay thì khác đấy. Chí Phèo phóng xe ra phố, xông vào lễ hội, chửi và đấm nhau với bất kì bố con thằng nào thì nghìn cụ Bá Kiến cũng chào thua. Choảng nhau, say rượu và tai nạn đã trở thành một phần tất yếu của Tết, như ung nhọt chưa bao giờ được chữa chạy đúng thầy đúng thuốc.
2.Máy chém theo chân du khách
Quý vị đừng tròn xoe, há hốc mồm với giá gửi xe 350.000 đ/lượt, hộp cơm 200.000, đĩa dưa 100.000, phòng trọ 1.000.000 triệu/đêm, vé xe tăng gấp đôi… Chuyện thường thôi, nước ta năm nào chẳng thế. Giờ đây nơi nào không có máy chém cứa cổ du khách, người hành hương mới gây hoang mang “hay là hàng đểu”. Khi các đường dây nóng đều nguội, cảnh báo chân thành nhất từ miệng gang thép là đắt đừng ăn, cao đừng trọ, tăng đừng đi… thì các bác đừng Toshiba, không thế cả ngày được đâu.
Đĩa dưa 100.000
Hãy bớt các sự sung sướng vui chơi, du hí, ăn uống lại và thiền tại gia cho đỡ cao huyết áp. Máy chém lê khắp nơi, chạy đâu cho thoát. Mà biết đâu lão bán dĩa cơm cắt cổ lại bị bọn giữ xe thiến cho vài trăm ngàn hay mụ chủ phòng trọ về quê bị nhồi như gà. Thôi, cứ an ủi tiền chỉ đi từ túi này sang túi khác ngày nào đó nó tuần hoàn quay lại . Thời mà bao cao su và thuốc tránh thai cũng tăng giá thì đừng hy vọng lương tâm nơi kẻ cắp.
Hộp cơm 200.000 đồng. Ảnh soha.vn
3. Oan Bộ học
Không hiểu lần này Bộ GD&ĐT có bị thẻ vàng như cú “việt vị” đề án sách giáo khoa 34.000 tỉ năm 2014, chứ đến chiều qua VOV đã nói có sách mách có chứng về thông tin biên soạn 2 bộ sách giáo khoa miền Bắc- miền Nam". Không như Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển bác bỏ và ông Phó Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục (NXBGD) rất bất ngờ, VOV khẳng định thông tin trên từ NXBGD đưa ra! Hoang mang quá, oan hay không Bộ học ơi! Có vẻ như NXBGD đã “bất ngờ” cầm đèn chạy trước “siêu xe” Bộ GD&ĐT.
Oan nỗi gì Thị mầu ơi!
Nhà làm sách học quốc gia mà thế này thì dân đen con đỏ biết tin vào đâu nhỉ? Đừng đổ cho chị đánh máy nữa nhé! Xưa như Diễm rồi. Đôi khi nói lời lại quên mất lời nên cứ hay bất ngờ, thỉnh thoảng bác bỏ, đôi lúc nhầm lẫn… Thảo nào lâu lâu dư luận lại nổi sóng với sách giáo khoa và những lời có cánh xung quanh. Cải nhiều không xong phải cách bớt đi chứ, cứ oan như Thị Mầu hoài vậy trồng mãi sao có người…
4. Nước biển nhập muối
Quý vị có biết đất nước nào gần 1 triệu km2 biển, quanh năm nắng gió, diêm dân đang lao đao vì muối ế lại đang nhập muối không? Nước ta đấy, năm qua không dưới 100.000 tấn đâu. Đành rằng đó là muối phục vụ các ngành có đặc thù riêng, cam kết chung, Việt Nam chưa sản xuất được nhưng đọc xong vẫn một nỗi buồn không nhẹ. Mặc cho diêm dân Bình Thuận thua lỗ, Bến Tre khốn đốn, đồng bằng sông Cửu Long tồn đọng… thì muối Việt Nam cũng chẳng hiện đại hóa hơn lọ muối ăn hàng ngày.
Muối luôn dư thừa nhưng vẫn phải nhập muối. Ảnh: Internet
Nước nông nghiệp lại nhập từ củ hành tím, than xúc bán vô tội vạ rồi ngược xuôi mua từng tấn, dầu thô năm nào cũng số 1 nhưng giá xăng đắt hơn Mỹ… Có vẻ như những thông tin ấy biết rồi nói mãi nên cũng vô cảm như nước biển nhập muối. Thôi đừng mơ mộng cao xa công nghiệp hàng không hay chế tạo ô tô, rô bốt. Cứ làm sao cho muối khỏi nhập, nông sản giá tốt, thực phẩm ăn đừng mau chết… cho dân nhờ, nước đỡ cực là quý hóa lắm rồi các giáo sư, tiến sĩ ạ! Chứ quanh đi quẩn lại đến hạt muối mãi phải nhập thì sứt mẻ uy tín khoa học nước nhà quá.
6. Người Nhật sang Việt Nam dạy xếp hàng
Ai đấy cứ bảo văn hóa xếp hàng đâu rồi mà người ta cứ chen lấn giẫm đạp? Xin thưa làm gì có văn hóa ấy mà mất. Hãn hữu lắm mới có được một hình ảnh xếp hành xin chữ ở Văn Miếu Tết này. Còn chỗ nào có xếp hàng chỗ ấy bất thường. Câu chuyện một bác người Nhật 4,5 lần lôi bác Việt Nam vào hàng ở một siêu thị Coopmart đang lan truyền mới hay may ra người ngoài dạy mới mau thuộc. Trong nhà đóng cửa bảo nhau mãi không được chẳng hay hơn mà còn kém đi thì cũng đáng để cho đồng bào nước khác ra tay. Chưa xếp hàng đúng lúc, xả rác đúng chỗ, tiểu tiện đúng nơi… đừng đại ngôn sánh vai với cường quốc năm châu.
6. Trường bỏ hoang, trẻ thất học
Thèm cũng không được học, toàn dân đưa trẻ đến trường nhưng có nơi phải đưa về. Chuyện bi hài ấy đang có tại xã Xuân Lâm (huyện Nam Đàn, Nghệ An) khi 17 học sinh mầm non xin nhập học bị trả hồ sơ về do không đủ phòng học, trong khi dự án xây trường 1,7 tỉ triển khai dở dang rồi “đắp chiếu” 3 năm qua. Quan xã bảo họ đã làm đủ cách rồi nhưng không xây tiếp được vì nhà thầu phá sản lại do cấp trên chỉ định nên đành chịu! Nhà thầu biến mất 70% kinh phí cũng theo và “di sản” để lại là ngôi trường hoang.
Trường bỏ hoang trẻ thất học. Ảnh: laodong.com.vn
Giáo viên bảo chẳng muốn mất dạy nhưng không có lớp nên đành để cháu nào về nhà nấy, bố mẹ tạm làm thầy chờ trường có tiền xây tiếp. Gần 3 năm rồi, hy vọng ấy vẫn mỏi mòn còn các quan xã loay hoay tìm vốn . Thời của pháo hoa, tượng đài và lễ hội nên thôi đành xếp hàng chờ, chờ nữa, chờ mãi nhé tương lai đất nước. Mà vội vàng gì có vài chục học sinh với cái trường nho nhỏ 3 tỉ bạc so làm gì với công trình ngàn tỉ, pháo hoa trăm tỉ, lễ hội chục tỉ.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc