THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:20

Tăng tín dụng cho các hộ nghèo vay phát triển sản xuất

 

Chi ASXH bằng 6,6% GDP  

Trả lời câu hỏi của bạn đọc về hiệu quả các chính sách ASXH trong thời gian qua, bà Khúc Thị Duyền (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) khẳng định: Việc triển khai các chính sách ASXH của Đảng, Nhà nước trong những năm vừa qua được cử tri đánh giá rất cao. Đặc biệt là các chính sách về việc làm, y tế, dân số, nhà ở...

Riêng chương trình giảm nghèo, đã giúp hàng trăm nghìn hộ thoát nghèo. Theo bà Khúc Thị Duyền, những năm gần đây, Chính phủ đã chi đảm bảo ASXH nhiều hơn, năm 2012, tổng chi cho ASXH bằng 5,88% GDP thì đến năm 2015, đã tăng lên đến trên 6,6% GDP.

Trước băn khoăn về tác động từ các chương trình tín dụng với việc xây dựng nông thôn mới, bà Khúc Thị Duyền cung cấp thông tin: Hiện, tỉnh Thái Bình đã có huyện Hưng Hà cùng 164 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 62,3%). Để đạt kết quả này,  có sự hỗ trợ đắc lực từ Ngân hàng CSXH đã hỗ trợ rất tốt các chương trình cho vay giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, xuất khẩu lao động, tín dụng cho học sinh, sinh viên

Hộ nghèo vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội phát triển sản xuất.

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Hoa (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang), cho biết, qua thực tiễn cùng đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật giảm nghèo, tại các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Bình… người dân đều bày tỏ phấn khởi được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, người dân cũng kiến nghị việc cho vay nên tính theo chu kỳ dài hơn với sản xuất, trồng rừng, chăn nuôi gia súc... “Việc cho vay vốn cần gắn với hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, thì việc sử dụng vốn vay mới đạt hiệu quả cao hơn” - bà Hoa khuyến nghị.

Tăng vốn cho hộ nghèo vay

 Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên), phân tích: Chính sách tín dụng là một giải pháp để khắc phục bệnh trông chờ ỷ lại, phát huy tính năng động, sáng tạo và sự chủ động của các hộ nghèo. Vốn tín dụng không phải là cho không mà là vốn vay, đã vay thì phải có trả. “Trong thời gian tới, chính sách giảm nghèo bền vững sẽ hướng mạnh vào tín dụng cho vay, còn những chính sách hỗ trợ  cho không sẽ theo hướng giảm dần và nếu thực hiện thì đều là những chính sách hỗ trợ có điều kiện. Sự điều chỉnh này nhằm mục đích phát huy mạnh mẽ hơn nữa tính chủ động sáng tạo của người dân, từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại. Thực tế hiện nay, nhiều hộ nghèo, do thiếu kiến thức sản xuất, kinh doanh nên còn ngại vay vốn, vì được hỗ trợ vay, nhưng lại chưa biết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đó”.

Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Đỗ Mạnh Hùng, cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền; chính sách tín dụng xã hội phải gắn với tập huấn về khuyến nông, lâm, ngư... gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật; cần tạo thêm nguồn lực để bảo đảm đủ vốn thực hiện tín dụng CSXH. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, phải bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ để người dân hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn, tiếp cận vay và sử dụng nguồn vốn.

Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Võ Minh Hiệp cho biết, những năm gần đây, hệ thống Ngân hàng CSXH đã phối hợp tốt với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, trong quá trình giải ngân cho hộ nghèo vay phát triển sản xuất. “Theo chỉ đạo của Chính phủ, thời gian tới Ngân hàng CSXH Việt Nam sẽ tập trung nguồn vốn cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, tại các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ - nơi còn tỷ lệ hộ nghèo cao, đáp ứng yêu cầu cho vay phát triển sản xuất kinh doanh, giảm nghèo bền vững...” - ông Võ Minh Hiệp thông tin.

THÀNH CÔNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh