Tìm kiếm Dịch vụ an sinh xã hội cho người cao tuổi
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 02:35 - 30/06/2018
Theo Ths. Lâm Văn Quản – Hiệu trưởng trường Cao đẳng kinh tế TP.HCM, An sinh xã hội là nhân tố đảm bảo cho công bằng xã hội, thực tiễn phát triển đã cho thấy an sinh xã hội có vai trò rất lớn trong việc khắc phục những nhược điểm của văn hóa xã hội. Việt Nam chúng ta vẫn còn đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội như phân tầng xã hội, quá trình đô thị hóa, môi trường bị xuống cấp, các tệ nạn xã hội, người già neo đơn…Dân số chúng ta ngày càng già đi, quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng kéo theo số người cao tuổi ngày càng tăng.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi tại Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%.Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Chỉ số phát triển con người HDI đã đưa tuổi thọ như một chỉ báo về sức khỏe, và các quốc gia trên thế giới cũng lấy tuổi thọ khỏe mạnh làm thước đo cho sự phát triển của đất nước. Tại Việt Nam, tuổi thọ năm 2002 là 69 tuổi, đến năm 2016 tuổi thọ đạt 73,4 tuổi. Tuy nhiên có đến hơn 67% người cao tuổi sống trong tình trạng yếu hoặc rất yếu. Bên cạnh chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại các bệnh viện, thì việc chăm sóc sức khỏe, cuộc sống của người cao tuổi tại cộng đồng được thể hiện qua nhiều văn bản luật pháp, chính sách, chế độ. Hệ thống an sinh xã hội đã bao quát nhiều lĩnh vực để cung ứng dịch vụ cho NCT.
Tại cộng đồng, các chế độ chăm lo cho người cao tuổi được ngành LĐ-TB&XH đảm trách và hướng đến mục tiêu đến năm 2030 là 100% người cao tuổi có thẻ BHYT, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Hiện nay, tại TP.HCM, ngoài các cơ sở Bảo trợ xã hội của nhà nước như Trung tâm Dưỡng lão Thị Nghè, Trung tâm nuôi dưỡng – Bảo trợ người già và tàn tật Thạnh Lộc còn có nhiều cơ sở của các tổ chức tôn giáo khác.
Chia sẻ thực tế cũng như những thành quả của việc giáo dục cho người già tại Hàn Quốc, GS. Chung Yongkyo – Đại học Yeungnam (Hàn Quốc) cho biết: Hiện nay, Hàn Quốc rất chú trọng công tác giáo dục cho người cao tuổi bởi nó đáp ứng nhu cầu tinh thần, tình cảm và thể chất của chính bản thân người cao tuổi mong muốn tự tham gia vào việc tiếp cận sự hoàn hảo. Giáo dục cũng giúp thay đổi hệ thống nhận thức của xã hội bằng cách nhìn thẳng vào vấn đề người cao tuổi, nói lên rõ thực trạng của người cao tuổi trong quá trình hiện đại hóa.
Ths. Tô Minh Hải - Phụ trách khoa công tác xã hội, Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cũng cho biết: Hiện nay công tác triển khai thực hiện Luật người cao tuổi của TP. HCM đạt nhiều thuận lợi là do Thành phố đã thành lập ban công tác người cao tuổi thành phố và quận, huyện. Có sự điều hành, phối hợp giữa các sở, ngành và các đơn vị tổ chức có liên quan trong việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho người cao tuổi.