Nguyên nhân gây trầm cảm ở người cao tuổi
- Y học 360
- 02:57 - 20/12/2017
Người cao tuổi có thể dễ bị trầm cảm hơn người trẻ.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm
Trầm cảm là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, nhưng người cao tuổi (NCT) có thể dễ bị trầm cảm hơn người trẻ (10% NCT ở cộng đồng có các triệu chứng trầm cảm, trong đó 1 – 2% bị trầm cảm điển hình).
Tỷ lệ này cao hơn ở những người sống trong những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như trong các trung tâm điều dưỡng, cô đơn. Bệnh dễ xảy ra nhất ở những người đang mắc các bệnh thực thể như tiểu đường, tai biến mạch máu não, huyết áp cao, xương khớp... Các chuyên gia ước tính, tỷ lệ bị trầm cảm ở những người cao tuổi có các bệnh lý thực thể trên có thể lên 20 – 35%.
Nhận biết trầm cảm ở NCT không dễ, tuy nhiên có một số dấu hiệu quyết định như giảm sự quan tâm chú ý, mất hứng thú với các hoạt động, đồ vật, người thân mà trước đây họ từng quan tâm, yêu quí. NCT bị trầm cảm thường dễ rơi vào trạng thái biệt lập, cô độc.
Họ thường cảm thấy khó khăn trong việc diễn đạt những cảm giác của mình thành lời, do vậy những người xung quanh không nhận ra được những bất ổn ở họ. Các dấu hiệu khác bao gồm mất sinh lực và cảm thấy mình vô dụng.
Nguyên nhân gây trầm cảm
Các nguyên nhân gây trầm cảm ở NCT thương gặp như: Những sự kiện làm đảo lộn cuộc sống: Về hưu, thay đổi chỗ ở, mất mát tài sản, con cái hư hỏng, gia đình ly tán,… đều là những sự kiện có thể tác động rất mạnh đến NCT.
Yếu tố sinh lý, sinh hoá. Các nhà khoa học cho rằng trầm cảm có thể do sự mất cân bằng sinh hoá các chất trong cơ thể khi người ta già đi, quá trình này diễn ra trong não người có tuổi và thuốc men sẽ điều chỉnh sự cân bằng của các chất hoá học này.
Thuốc men và rượu: Thuốc dùng để chữa các bệnh của NCT có thể gây ra nhiều tác dụng phụ bất lợi, uống càng nhiều thuốc thì tác dụng phụ càng lớn. Thiếu hụt Vitamin trong chế độ ăn, ít vận động đặc biệt đặc biệt ở những người có bệnh ở các cơ quan vận động cũng là một nguyên nhân gây trầm cảm ở những người có tuổi.
Các loại bệnh tật khác: Khi người già bị các bệnh thực thể như tai biến mạch máu mão, tuyến giáp, tiểu đường, cao huyết áp, trĩ... những bệnh này trở thành nỗi ám ảnh của người có tuổi, chữa không khỏi, họ có các biểu hiện của bệnh trầm cảm như lo lắng, bi quan, nghi ngờ, cáu kỉnh, xuất hiện tình trạng luẩn quẩn. Trầm cảm làm cho các bệnh thực thể nặng thêm và ngược lại.
Yếu tố di truyền: Ở một số người, trầm cảm có thể là một bệnh di truyền. Khi có người thân bị trầm cảm thì người con, cháu của họ cũng dễ mắc trầm cảm.
Không âm thầm chịu đựng
NCT bị trầm cảm thường miễn cưỡng khi phải nói cho người khác nghe. Nhưng tâm sự với người thân hay trao đổi với bác sỹ sẽ giúp họ thoát được căn bệnh trầm cảm của mình. Đừng âm thầm chịu đựng một mình vì điều đó sẽ làm cho bệnh càng nặng thêm.
Người cao tuổi khi bị bệnh phải được phát hiện và chăm sóc, điều trị kịp thời.
Hầu hết bệnh nhân trầm cảm có thể được cải thiện đáng kể khi được điều trị, bao gồm uống các thuốc chống trầm cảm, các biện pháp tâm lý và thư giãn luyện tập.
Ngoài ra, NCT rất cần được chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi bị bệnh phải được phát hiện và chăm sóc, điều trị kịp thời. Đối với người bệnh, không nên giấu kín những cảm xúc khó nói của mình, mà nên chia sẻ nhiều hơn với người thân để có hướng giải quyết.