THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:04

Tìm kiếm ngôi mộ hơn 600 chiến sĩ hy sinh tại sân bay Tân Sơn Nhất: Cần làm rõ một số chi tiết quan trọng

 

Công bố của phía Mỹ về quân số bộ và số đơn vị tham gia trận đánh.


Khó khăn trong việc xác định tọa độ của ngôi mộ

Căn cứ vào các tư liệu, nguồn tin do phía cựu binh Mỹ cung cấp và lời kể của các nhân chứng, chỉ riêng khu vực phía Tây sân bay được xác định có 2 hố chôn tập thể. Nhân chứng Lê Công Hoàng, cựu quân nhân VNCH, người đã trực tiếp thu gom thi hài bộ đội ta khẳng định: “sáng ngày 2 Tết Mậu Thân (ngày 1/2/1968 – PV) khi trở lại đơn vị, tôi được phân công đi thu gom xác bộ đội Việt Nam đưa về hố chôn được đào sẵn, ước rộng chừng 10 m, dài 20 m. Vị trí hố chôn nằm gần đường vành đai. Hai hố chôn tập thể này cách nhau chừng 100m sâu vào phía đường băng sân bay”. Nhưng khi ra đến hiện trường, do địa hình đã thay đổi khá nhiều nên ông không thể nhớ chính xác.

Khảo sát thực tế tại hiện trường chúng tôi nhận thấy, so với hình ảnh tư liệu được cung cấp thì địa hình khu vực phía Tây sân bay đã thay đổi rất nhiều, thêm vào đó, công trình thi công của công ty C.T Land thuộc tập đoàn CT Group đã đào bới nham nhở hiện trường, khiến cho việc xác định đúng tọa độ của ngôi mộ gặp nhiều rất khó khăn, cần phải tiến hành khảo sát, khai quật trên diện tích rộng chừng khoảng 50 ha. Các nhân chứng có mặt cũng cho rằng, việc di dời đường vành đai sân bay vào phía trong vốn đã làm thay đổi hiện trạng địa hình, nay việc thi công của công trình này lại càng thêm khó khăn cho việc xác định vị trí hố chôn, ngay cả việc xác định vị trí hố chôn đã được khai quật năm 1995 cũng không xác định được chính xác. Các nhân chứng từng tham gia khai quật năm đó cũng chỉ “áng chừng” vị trí chứ không khẳng định được vị trí cụ thể.

 

Công trình của City Land tại hiện trường.


 Các chiến sỹ đang nằm trong mộ thuộc đơn vị nào?

Một câu hỏi lớn đặt ra là 600 chiến sỹ hy sinh trong đêm 1 Tết Mậu Thân được phía địch thu gom chôn tập thể trong ngôi mộ này thuộc những đơn vị nào? Đây là căn cứ quan trọng để xác định danh tính cho các liệt sỹ trong trường hợp hài cốt được phát hiện. Theo tài liệu của phía Mỹ (chưa được kiểm chứng) thì tổng số quân ta đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất có khoảng 2.400 chiến sỹ, thuộc “tối thiểu" 7 đơn vị, gồm: Tiểu đoàn C10 đặc công, các Tiểu đoàn quân chính quy 16, 267, 269 và 3 đơn vị bộ đội địa phương, không bao gồm lực lượng không chính quy tấn công từ cánh nhà máy Sợi Bitexco đối diện cổng phía Tây sân bay đánh vào.

Còn nhân chứng Vũ Chí Thành, nguyên trung đội phó Tiểu đoàn 16 phân khu 2 Long An cho biết, ngoài các đơn vị chủ lực đánh vào như 16, 267, 269 và bộ đội đặc công, tổng cộng hơn 1.500 chiến sỹ thì còn nhiều đơn vị khác tham gia trận đánh. Tuy nhiên, về nguyên tắc tác chiến, cấp hàm như ông không thể biết được, chỉ những sỹ quan cấp chỉ huy mới biết số các đơn vị tham gia, nhưng ông biết có nhiều đơn vị khác tham gia trận đánh tấn công từ phía Bắc sân bay vào, “chỉ riêng Tiểu đoàn 16 phân khu 2 Long An có hơn 500 chiến sỹ vào đánh, khi rút ra chỉ còn ngót hơn 100 người sống sót”, ông Thành bùi ngùi.

 

Toàn cảnh vị trí dự kiến khai quật công ty C.T Land đang thi công.


Do vậy, vấn đề đặt ra là có bao nhiêu đơn vị đã tham gia trận đánh này và việc xác định phiên hiệu đơn vị để từ đó xác định danh tính liệt sỹ trong ngôi mộ đang tiến hành khai quật là việc làm rất cần thiết ngay từ bây giờ.

 Quyết tâm tìm ra ngôi mộ trong thời gian sớm nhất

Đó là khẳng định của Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, Chính ủy Bộ tư lệnh thành phố Hồ Chí Minh sau khi khảo sát thực địa chiều ngày 6/7/2017. Ông Nghĩa nêu phương án tìm kiếm là sẽ tiến hành bóc tách từng lớp đất để dò tìm. Do địa hình thay đổi, các lớp địa chất đã sụt lún xuống ít nhất 50cm nên có thể phải đào tới độ sâu 1,5 m mới mong có cơ hội, chưa nói đến việc nguy cơ hài cốt bị tiêu hủy do thời gian và cách chôn cất sơ sài của phía quân đội chế độ cũ.

Để có thêm thông tin, Ban chỉ đạo 1237 Thành phố Hồ Chí Minh cũng kêu gọi sự tham gia bằng cách cung cấp thêm thông tin từ các nhân chứng khác, nhất là các cựu quân nhân chế độ cũ, những người đã trực tiếp tham gia thu gom thi thể bộ đội và chôn cất các chiến sỹ ta trong dịp Tết Mậu Thân 1968. "Cuộc chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, với tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ thông tin của các cựu quân nhân chế độ VNCH, nhất là những người đã trực tiếp tham gia chôn cất thi thể bộ đội Việt Nam nhằm có được thông tin chính xác về ngôi mộ này và nhiều ngôi mộ khác nữa để sớm đưa các liệt sỹ về nghĩa trang” - Thiếu tướng Trần Hữu Tài Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 nói. 

 

Hiện trường đã bị đào bới để thi công khiến cho việc xác định tọa độ khó khăn.

PHẠM THẮNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh