Xác định có mộ tập thể của hơn 600 liệt sỹ trong sân bay Tân Sơn Nhất
- Tây Y
- 04:00 - 07/07/2017
Tại Hội thảo này, nhiều thông tin liên quan đến 2 hố chôn tập thể các liệt sỹ hy sinh trong đêm ngày 1 và 2 tết Mậu Thân cách đây gần 50 năm đã được làm sáng tỏ thêm, đồng thời, manh mối về ngôi mộ chôn hơn 600 liệt sỹ cũng dần lộ rõ.
Thiếu tướng Trần Hữu Tài Phó chủ nhiệm QK 7 phát biểu tại Hội thảo
Từ say mê của nhóm nghiên cứu đến thông tin do phía cựu binh Mỹ cung cấp
Câu chuyện được khởi đầu do một nhóm bạn do Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng là người khởi xướng, ban đầu nhóm này chỉ tìm hiểu tư liệu về chiến tranh Việt Nam trên internet và các kho cơ sở dữ liệu của các cựu binh Mỹ. Trong quá trình tìm hiểu, ông Thắng và các cộng sự của mình đã phát hiện ra nhiều không ảnh bao gồm ảnh chụp của phi công Mỹ và ảnh chụp của Google earth chụp sân bay Tân Sơn Nhất thời điểm sau tết Mậu Thân. Kết nối với các tư liệu về trận đánh Mậu Thân đã sưu tập trước đó, nhóm ông Thắng đã kết nối với các cựu binh Mỹ và đã được hỗ trợ rất nhiều thông tin quý giá.
Theo thông tin từ phía cựu binh Mỹ, khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất có ít nhất 2 hố chôn tập thể. Tại khu vực được quy ước là hố số 1, có 157 thi thể bộ đội Việt Nam hy sinh đêm giao thừa rạng sáng ngày mùng 1 Tết Mậu Thân 1968. Khu vực này, năm 1995 Sở LĐ-TB&XH kết hợp với Bộ chỉ huy quân sự Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Bộ tư lệnh thành phố) đã tiến hành tìm kiếm và khai quật được 182 hài cốt liệt sỹ đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh. Những chiến sỹ hy sinh trong trận này thuộc đơn vị Tiểu đoàn 267, Tiểu đoàn 269 và Tiểu đoàn 16 Long An.
Bản đồ đánh dấu khu vực chôn 157 liệt sĩ. Hố này đã khai quật năm 1995
Tại khu vực 2 (tạm gọi là hố chôn 2) có khoảng hơn 600 thi thể bộ đội Việt Nam được chôn tại khu vực gần đó. Căn cứ theo không ảnh do cựu binh Mỹ có tên Bob Laymon chụp từ máy bay Boeing 707 khi đang cất cánh trên đường băng 07L-25R ngay sau trận đánh Mậu Thân, kết hợp một số hình ảnh tư liệu chụp đường vành đai và bia mộ do lính Việt Nam cộng hòa lập nên, các chuyên gia nhận định, khu vực hố chôn thứ hai cách không xa hố chôn thứ nhất và cùng nằm trong phạm vi bên trong đường vành cũ của sân bay. Tại khu vực này, công ty C.T Land đang thi công công trình, trong quá trình đào múc đất đã phát hiện một số di vật nghi là của liệt sỹ như dép râu, quần áo… những trang phục bộ đội địa phương thường dùng.
Nhân chứng Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó ban quan lý sân bay, người tham gia khai quật 157 hài cốt năm 1995
Nhân chứng nói gì ?
Tại Hội thảo, sau trình bày và công bố tư liệu của nhóm Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng, các nhân chứng đã cung cấp thêm rất nhiều thông tin quý giá.
Ông Vũ Chí Thành nguyên chiến sỹ thuộc tiểu đoàn 16- Long An nhân chứng tham gia trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân năm 1968, xác nhận: Trận đánh đêm ngày 2 Tết Mậu Thân vô cùng ác liệt, thương vong rất nhiều, riêng tiểu đoàn 16 đã có hơn 300 chiến sỹ hi sinh trong trận đánh này. Theo ông Thành, ngoài ba tiểu đoàn 16, 267, 269 tham gia còn có các đơn vị biệt động, đặc công và các đơn vị khác tham gia trận đánh này. Từ đó, ông Thành khẳng định tại thời điểm trận đánh đó có khoảng 1.500 quân tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Trong khi đó theo tư liệu của phía Mỹ, trong trận đánh Mậu Thân phía ta có 7 Tiểu đoàn với quân số tham gia là 2.400 người (xem ảnh).
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng trưởng nhóm tìm kiếm tư liệu hố chôn tập thể đang trình bày tại Hội thảo
Còn theo xác nhận của ông Lê Công Hoàng, cựu quân nhân chế độ Việt Nam cộng hòa, người được phân công thu gom và chôn thi thể bộ đội ta sau Tết Mậu Thân thì số bộ đội hy sinh là rất nhiều, phía Mỹ đã cho máy xúc đào hố rộng khoảng 10 m dài 20 m rồi đưa thi thể xuống, vùi đất lên, sau đó dùng vòi cứu hỏa phun nước để lèn đất cho chặt. "Do số người chết quá nhiều nên không thể kiểm đếm, ước chừng khoảng trên 600 thi thể"-ông Hoàng nói.
Nhân chứng Vũ Chí Thành nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn 16 Long An đánh vào Sân bay Tết Mậu Thân
Một số nhân chứng khác cũng phát biểu tương tự và nghi vấn khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và lân cận còn không chỉ một ngôi mộ tập thể vì chỉ riêng trận tập kích vào Trại Hoàng Hoa Thám và Trại Phù Đổng đã có 97 bộ đội của ta hy sinh, số thi thể này phía địch đưa đi đâu chôn thì không rõ. Thông tin này cũng đã từng được cựu binh Bob Laymon xác nhận cung cấp thông tin khi khai quật hố chôn tập thể tại sân bay Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Cựu quân nhân VNCH Lê Công Hoàng, người trực tiếp chôn các thi thể chiến sĩ ta thắp hương tại thực địa trước giờ khảo sát, tìm kiếm chiều 6/7.
Mộ tập thể hơn 600 chiến sỹ là có thật
Trên cơ sở các tư liệu và ý kiến của các nhân chứng, các đại biểu tham dự Hội thảo đã thống nhất nhận định có tồn tại một ngôi mộ tập thể khoảng 600 chiến sỹ bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất tết Mậu Thân 1968 đến nay chua được khai quật. Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Trần Hữu Tài Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7, mặc dù đã khoanh vùng được khu vực có hố chôn nhưng vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thời gian đã qua gần 50 năm, địa hình, địa vật đã thay đổi nhiều, bên cạnh đó các tư liệu chủ yếu là không ảnh và không có tọa độ chính xác nên không thể xác định đúng vị trí chôn cất các chiến sỹ. Hiện nay, thành phố đã yêu cầu dừng thi công đối với công trình của công ty C.T Land để phục vụ công tác tìm kiếm, khai quật. Với quyết tâm cao của Thành phố và bằng tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sỹ, Quân khu 7 và Ban chỉ đạo 1237 Thành phố sẽ khẩn trương tiến hành tìm kiếm, khai quật với thái độ thận trọng, chắc chắn để sớm đưa hài cốt các chiến sỹ về quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sỹ năm nay.
Chiều cùng ngày, Lãnh đạo Quân khu 7 và Ban chỉ đạo 1237 Thành phố phối hợp với các ban ngành đã tiến hành khảo sát thực địa khu vực nghi có hố chôn tập thể với sự tham gia của các nhân chứng. Bước đầu khu vực nghi vấn đã được khoanh vùng. Dự kiến việc khai quật sẽ được tiến hành trong những ngày tới.