THỨ TƯ, NGÀY 13 THÁNG 11 NĂM 2024 07:59

Tìm không gian cho điêu khắc ở TP Hồ Chí Minh

 

Mở đầu tọa đàm, đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần phát triển nghệ thuật điêu khắc ở các cửa ngõ của mình. Theo quy hoạch của TP, khu vực quận 2 sẽ có nhiều quảng trường, công viên lớn, khu trung tâm TP sẽ  dành 50m dọc bờ sông dài 4km đi lại, khu vực chợ Bến Thành, các trung tâm quận, huyện, các đường vành đai và trục xuyên tâm có nhiều điểm nhấn cửa ngõ, các nhà ga metro.. thích hợp cho việc trưng bày tác phẩm điêu khắc.

Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP Hồ Chí Minh lưu ý nội dung sáng tác cho trại sáng tác điêu khắc quốc tế năm 2015. Đó là các vấn đề: Giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế, các tác phẩm điêu khắc sẽ đặt trong không gian công cộng tạo ra không gian văn hóa nghệ thuật, tạo dấu ấn tốt đẹp về một thành phố  năng động, văn hóa nghĩa tình.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh thông tin: Quy hoạch tượng đài TP chưa làm được là một khuyết điểm. Cách bố trí tượng đài không đạt yêu cầu. Sau giải phóng đầu tư tượng đài chưa nhiều, chủ yếu là tượng đài lịch sử, ít có tượng đài mang nội dung văn hóa nghệ thuật. Trước mắt TP dự kiến sẽ làm trước hai tượng đài Nam bộ kháng chiến và tượng đài Thống Nhất. 

TP Hồ Chí Minh còn thiếu nhiều tượng đài nghệ thuật.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đánh giá, TP Hồ Chí Minh là thành phố có nhiều cái mới, năng động, tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Làm thế nào để có các tác phẩm điêu khắc có giá trị nhưng không phá vỡ không gian đã có. Trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần này dự kiến mở ở khu trung tâm thì  sử dụng chất liệu gì, kích thước và khuynh hướng sáng tác ra sao? Tác phẩm phải mang tinh thần khoa học, dân tộc và đại chúng. “TP Hồ Chí Minh nhiều năm qua mở nhiều trại sáng tác điêu khắc nhưng cách sử dụng tác phẩm chưa ổn. Vậy phải suy nghĩ đặt các tác phẩm điêu khắc như thế nào để thu hút công chúng, thu hút du khách. Do vậy cần phải thận trọng. Vấn đề nữa là đề tài sáng tác trong đợt sáng tác này là gì, cần phải xác định rõ”.

Tuy nhiên, theo họa sĩ  Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, hiện nay việc quy hoạch không gian cho điêu khắc ở TP Hồ Chí Minh bộc lộ nhiều bất cập, thiếu hợp lý, khó phát huy tính nghệ thuật, mỹ thuật.  Sự chủ động tự quyết trong việc hoạch định hệ thống tượng đài chưa mở rộng. sự quan tâm về thẩm mỹ đô thị chưa được chú trọng, Nghị định 113 của Bộ VH-TT&DL cũng chưa thể hiện sâu về cái nhìn đối với tượng đài.

Cũng theo ông Uyên Huy, thời gian qua, chúng ta chỉ dốc sức cho việc sáng tác, xây dựng loại tượng đài Cách mạng, ít quan tâm đến loại tượng và tượng đài có nội dung khác. Thiếu sự  hoạch định lâu dài nên không có những tiền đề chuẩn xác cho sự nghiên cứu đúng mức về hệ thống tượng đài. Riêng tại TP, sự thiếu ổn định về quy hoạch kiến trúc, mạng lưới giao thông, trật tự đô thị (đặc biệt là quy hoạch treo)... khiến hệ thống quản lý chưa quan tâm đúng mức về thẩm mỹ đô thị với sự tác động của hệ thống tượng đài cùng các loại hình mỹ thuật môi trường khác dẫn đến việc thiếu không gian trưng bày cho tác phẩm điêu khắc.

Góp ý vào việc quy hoạch không gian trưng bày cho tác phẩm điêu khắc ở TP Hồ Chí Minh, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân cho rằng nên khai thác mảng không gian dọc hai bên các kênh, rạch như kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè. Điều này vừa tạo không gian đẹp, ít tốn kém, vừa mang bản sắc riêng cho TP Hồ Chí Minh.Theo nhiều chuyên gia tại tọa đàm, cần có chính sách quy hoạch không gian trưng bày tượng đài, các tác phẩm điêu khắc. Việc quy hoạch tượng đài đã tiến hành từ lâu và thay đổi liên tục qua nhiều đơn vị khác nhau và đến nay vẫn chưa hoàn thành, còn bế tắc. Nguyên nhân theo ông Uyên Huy là do chưa có sự định hướng phân loại và cách nhìn nhận các tác dụng giáo dục của các loại tượng đài, chưa có biện pháp mở thoáng cho sự đầu tư kinh phí.

Ở góc nhìn khác, TS Phan Thanh Bình, Trường Đại học Nghệ thuật Huế, kiến nghị: “Tượng đài được đặt trong không gian rộng lớn mang tính xã hội cao, thể hiện sự phát triển xã hội sống động của con người, của cộng đồng. Do vậy đòi hỏi thể loại này phải có tính cộng đồng cao, tượng cùng sống, cùng tồn tại trong môi trường sinh hoạt của con người, cùng nhịp sống, nhịp thở của đô thị. Cần có một hội đồng chuyên trách để phê duyệt tác phẩm điêu khắc cũng như tạo điều kiện và cơ chế, chính sách cho các nhà điêu khắc có cơ hội phát triển, đóng góp...”

Theo thống kê, ở TP Hồ Chí Minh có 54 công trình tượng đài, trong đó có 10 công trình của chế độ cũ, 40 tượng đài do TP Hồ Chí Minh xây dựng sau giải phóng đến nay. Trong các tượng đài thì 70% là tượng đài lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ, danh nhân, sự kiện lịch sử Cách mạng; 24% tượng danh nhân văn hóa nhân vật lịch sử; còn lại là các dạng tượng đài khác.  

NGUYỄN VĂN THỊNH/ Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh