THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:23

Tiếp xúc cử tri: Trách nhiệm và lương tâm của ĐBQH

 

ĐBQH muốn hoạt động tốt thì phải luôn gần gũi, thường xuyên tiếp xúc với cử tri. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm, tình cảm của ĐBQH...

Tiếp xúc cử tri - trách nhiệm của đại biểu

Theo quy định của pháp luật, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước và nơi bầu ra mình, phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cử tri, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với QH và cơ quan nhà nước hữu quan; chịu sự giám sát của cử tri và chịu trách nhiệm với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình. Vì vậy, ĐBQH phải tiếp xúc cử tri (TXCT) thì mới có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

tiep xuc cu tri: trach nhiem va luong tam cua dbqh hinh 0
Ông Lê Văn Cuông

Để thực hiện trách nhiệm trên, hoạt động TXCT của ĐBQH được tiến hành với nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị TXCT, gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân hoặc nhóm cử tri. TXCT vừa là trách nhiệm pháp lý, vừa là trách nhiệm lương tâm, tình cảm của ĐBQH. Mục đích của hoạt động TXCT là tạo điều kiện gần gũi, gắn bó với cử tri, qua đó hiểu được sâu sắc tâm tư, nguyện vọng, yêu cầu của người dân, giúp ĐBQH làm tròn trách nhiệm của người đại diện cho tiếng nói, ý chí và nguyện vọng của cử tri ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Yêu cầu của TXCT là phải thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng, công khai; phát huy vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, của cử tri và của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan. Với mục đích và yêu cầu như vậy, để hoạt động TXCT thực hiện đúng luật, đạt chất lượng, ĐBQH phải nắm vững kỹ năng TXCT.

Vậy kỹ năng TXCT cụ thể gồm những gì? Đó là kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Trong đó, kỹ năng cứng chính là trình độ, kiến thức chuyên môn, hay bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn đã có sẵn của người đại biểu. Còn kỹ năng mềm là một thuật ngữ xã hội học, chỉ những khả năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử áp dụng vào việc giao tiếp giữa người với người. Thực tế cho thấy, trong thành công của mỗi cá nhân chỉ có 25% là do kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi kỹ năng mềm.

Những kỹ năng TXCT cần có...

Thứ nhất, kỹ năng giao tiếp. Đây là một trong những kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng của đại biểu. Giao tiếp đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động TXCT của ĐBQH. Giao tiếp tốt giúp ĐBQH xây dựng và duy trì mối quan hệ hữu ích với cử tri, qua đó xây dựng hình ảnh người đại biểu nhân dân trong lòng cử tri và nhân dân. Chưa có chuẩn mực chung trong kỹ năng giao tiếp giữa ĐBQH với cử tri, song có một số nguyên tắc và kỹ năng cần được chú ý, từ việc xưng hô, cách nói, cách thức lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri đến trang phục... Trong quá trình tiếp xúc với cử tri nên có cách nói rõ ràng, dễ hiểu, không nên dùng ngôn từ quá hoa mỹ. Khi giao tiếp, đại biểu nên nói chuyện, đối thoại với cử tri bằng thái độ chân thành, tự nhiên, ân cần, đồng cảm, ôn hòa, nhiệt tình, nhất quán, khiêm nhường. Khi cử tri phát biểu, đại biểu cần chăm chú lắng nghe, tập trung chọn ý chính để ghi chép. Tác phong giao tiếp cần đĩnh đạc, tự tin, quần chúng, tránh mọi biểu hiện quan cách, bệ vệ.

Thứ hai, kỹ năng trình bày và phản hồi ý kiến cử tri. Đây cũng là một trong những kỹ năng mềm quan trọng trong TXCT. Để trình bày thuyết phục, bên cạnh nội dung trình bày, ĐBQH cần vượt qua tâm lý sợ hãi mà phải luôn tự tin trước đám đông, vững vàng tư tưởng và biết cách thu hút sự chú ý của cử tri. Người trình bày hay, thuyết phục là người nắm bắt được tâm lý của người nghe, biết được họ đang cần được cung cấp những thông tin gì từ người trình bày. Đại biểu có khả năng hùng biện thường có lợi thế khi trình bày, giao tiếp với cử tri. Tuy nhiên, nội dung trình bày mới là yếu tố quyết định. Vì vậy, khi ĐBQH trình bày trước cử tri cần chuẩn bị kỹ nội dung, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng, đòi hỏi của cử tri. Cử chỉ, thái độ trong quá trình trình bày cũng rất quan trọng. Thái độ bình tĩnh, chững chạc, nụ cười thân thiện, giọng nói vừa phải, có điểm nhấn sẽ tăng giá trị nội dung trình bày lên rất nhiều.

Trong hoạt động TXCT thường sử dụng thông tin hai chiều: cử tri phát biểu trình bày tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị. ĐBQH tiếp thu, giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri. Nói cách khác, ĐBQH phản hồi lại ý kiến của cử tri.

Thứ ba, kỹ năng chuẩn bị thông tin. Đây là hoạt động không thể thiếu của người đại biểu, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, bởi nó liên quan đến chất lượng, hiệu quả các cuộc TXCT. Công tác chuẩn bị thông tin phụ thuộc vào hoạt động và hình thức TXCT. Thực tế cho thấy, công tác chuẩn bị thông tin cho TXCT trước Kỳ họp QH khác với chuẩn bị thông tin cho TXCT sau kỳ họp. Trước khi QH họp, mọi thông tin tập trung thông báo đến cử tri dự kiến chương trình kỳ họp, giải trình ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến nội dung kỳ họp.

Sau kỳ họp, ĐBQH chuẩn bị thông tin để báo cáo kết quả kỳ họp đến cử tri. Tương tự như vậy, công tác chuẩn bị thông tin cho hội nghị TXCT khác với chuẩn bị thông tin khi gặp gỡ, tiếp xúc với nhóm cử tri, hoặc TXCT theo chuyên đề. Với người đại biểu, công tác chuẩn bị thông tin phải được cập nhật thường xuyên, bởi thông tin càng cập nhật được nhiều, kịp thời, có tính thời sự thì đại biểu càng có lợi thế khi sử dụng.

Thông tin được khai thác từ nhiều kênh, nguồn. Có thể từ các văn bản quy phạm pháp luật như: Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư…; từ các báo cáo của các cơ quan của QH, cơ quan nhà nước khác; và cũng có thể từ các báo viết, báo mạng, báo hình, báo nói của các cơ quan thông tin đại chúng. Có hai dạng chủ yếu trong chuẩn bị thông tin, đó là chuẩn bị bằng văn bản (để đọc) và chuẩn bị trong đầu, khi cần đưa ra sử dụng (nói vo).

Đại biểu cập nhật nhiều thông tin là cần thiết, nhưng vấn đề quan trọng là phải xử lý, chọn lọc được những thông tin ấy và sử dụng đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đúng mục đích, yêu cầu, bảo đảm chính xác, kịp thời và phù hợp với đối tượng tiếp xúc.

Muốn sử dụng thông tin đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trước hết, ĐBQH phải nắm chắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Đại biểu căn cứ vào đó để thực hiện trong quá trình hoạt động của đại biểu nói chung, hoạt động TXCT nói riêng.

TXCT là một trong những nhiệm vụ thường xuyên quan trọng của ĐBQH. Nắm vững kỹ năng TXCT sẽ giúp ĐBQH vững vàng, chủ động và tự tin trong hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc TXCT. Đồng thời, giữ được mối liên hệ và tạo dựng được hình ảnh tốt đẹp của người đại biểu nhân dân trong lòng cử tri.

Lê Văn Cuông/Nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh