Tiếp vụ Cấp phép dự án cảng “chồng lấn” cảng ở Hải Dương: Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm
- Huyệt vị
- 14:35 - 18/11/2019
Mới đây nhất, Thanh tra tỉnh Hải Dương đã ra Kết luận thanh tra Số 519/KL-TTr và Kết luận 520 ký ngày 12/8/2019 về việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai đối với Công ty Thế Anh và Cơ sở sửa chữa đóng mới Cảng Phú Thái…đã chỉ ra nhiều vi phạm đến khó hiểu đối với dự án này.
Tiếp tục cấp phép dự án "chồng lấn" để… tranh chấp kéo dài?
Trước năm 2016 Cty Thế Anh và UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái để cho Cty Thế Anh sử dụng nhưng đều không được chấp nhận từ phía cơ quan quản lý đường sông. Cụ thể, ngày 5/5/2008, Đoạn quản lý đường sông số 7 có Văn bản số 205/DD7 – QLĐS phúc đáp đề nghị của Cty Thế Anh về việc xin thỏa thuận vùng nước tại km 25 + 400 (trong phạm vi cảng thuỷ nội địa Phú Thái). Đoạn quản lý đường sông số 7 đã khẳng định: "Vùng nước mà quý Cty xin thỏa thuận nằm trong phạm vi vùng nước của cảng nội địa Phú Thái đã được công bố. Do vậy cần có sự thỏa thuận đồng ý của chủ cảng nội địa Phú Thái với Cty về việc chuyển nhượng vùng nước nói trên".
Như vậy, sau 8 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư nhưng không thể thực hiện được dự án đầu tư, đầu năm 2016 Cty Thế Anh đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho Cty được chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của Luật Đầu tư, trả lại đất thuê và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư số 04121000106 cấp ngày 20/6/2008, đề xuất cho Cty TNHH Quyền Phúc ở xã Cao An, huyện Cẩm Giàng được thuê đất để thực hiện nội dung đầu tư tương tự.
Tại Văn bản số 92/TB-VP ngày 06/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý cho Cty Thế Anh được chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp ngày 20/6/2008 và giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam điều chỉnh lại vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái làm cơ sở để chấp thuận dự án đầu tư của Cty TNHH Quyền Phúc thay cho dự án của Cty Thế Anh.
Ngày 08/02/2017, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương tổ chức cuộc họp có sự tham dự của tất cả đại diện các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương huyện Kim Thành có liên quan (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi Cục đường thủy nội địa phía Bắc, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, UBND huyện Kim Thành, UBND thị trấn Phú Thái, UBND xã Kim Lương). Tại cuộc họp, sau khi phân tích các yếu tố về quy hoạch cảng, kỹ thuật cảng, an toàn đường thủy… tất cả đều thống nhất là đề nghị không điều chỉnh vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái.
Mặc dù Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh không đề nghị xem xét điều chỉnh vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái. Tuy nhiên, không hiểu sao, tháng 9/2017 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương lại tiếp tục yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét điều chỉnh vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái.
Có điều khó hiểu là đầu năm 2016, Cty Thế Anh đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp ngày 20/6/2008, thì ngày 23/5/2016 Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý cho Cty Thế Anh được chấp dứt hoạt động dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. Thế nhưng vào ngày 05/7/2018 UBND tỉnh Hải Dương lại ban hành Văn bản số 101/TB-UBND về việc thông báo điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án của Cty Thế Anh: Xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động đồng bộ trước ngày 30/6/2019.
Kết luận thanh tra vạch rõ nhiều vi phạm
Dư luận đang đặt ra câu hỏi, Dự án của Công ty Thế Anh là Dự án có thực sự hợp pháp hay không? Điều này được thể hiện rất rõ trong Kết luận thanh tra số 519/KL-TTr ngày 12/8/2019 cụ thể như sau: "Công ty Thế Anh (Chủ đầu tư) khi lập dự án và xin thuê đất đã không báo cáo, làm rõ về tình hình, thực trạng và những vướng mắc trong việc sử dụng đất trước khi chuyển sang xin thuê đất, trong đó không báo cáo và xin ý kiến của chính quyền địa phương (cấp huyện, cấp xã nơi triển khai thực hiện Dự án) là chấp hành chưa nghiêm túc vi phạm Quy chế làm việc của BCH Đảng bộ huyện Kim Thành (khóa XXII), quy chế làm việc của Đảng ủy thị trấn Phú Thái (khóa III).
Mặt khác, trong kết luận cũng nêu, dự án chưa có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 Luật Giao thông Đường thủy nội địa năm 2004 " Tổ chức, cá nhân khi lập dự án xây dựng Cảng, bến thủy nội địa phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa".
Trong thực hiện thẩm định dự án: Sở KH&ĐT Hải Dương không cùng với chính quyền địa phương (UBND huyện Kim Thành và UBND TT. Phú Thái) thực hiện khảo sát thực địa khu vực đất dự kiến thực hiện dự án của Công ty Thế Anh và không nắm đầy đủ thông tin về diện tích đất 12.404m2 tương ứng K16+375 đến K16+450 đê hữu Kinh Môn thuộc UBND thị trấn Phú Thái mà Công ty Thế Anh đề xuất xin thuê để thực hiện dự án đang được ông Đặng Đức Chúc sử dụng lập bến, bãi tập kết và kinh doanh vật liệu theo Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 của UBND tỉnh và cục đường sông Việt Nam (nay là cục đường thủy nội địa Việt Nam) đã có quyết định số 211/QĐ-CĐS ngày 07/04/2008 công bố cảng thủy nội địa Phú Thái cho chủ sở hữu Cảng là ông Đặng Đức Chúc, trong đó vùng nước sông tiếp giáp với diện tích đất 12.404m2 thuộc vùng nước của Cảng thủy nội địa Phú Thái (trước thời điểm UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Thế Anh ngày 20/6/2008)
Như vậy, trong khi chưa có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa, chưa làm việc với chính quyền địa phương và khảo sát thực địa khu vực đất dự kiến thực hiện Dự án (khu vực cảng Phú Thái), Sở KH và ĐT Hải Dương đã tham mưu với UBND tỉnh này cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty Thế Anh là thiếu thận trọng dẫn đến quá trình thực hiện Dự án còn vướng mắc chưa được giải quyết và đây cũng là nguyên nhân chưa giao được đất cho Cty Thế Anh và ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án.
Về Công ty Thế Anh - Chủ Đầu tư khi lựa chọn phương án đầu tư, đề nghị với UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư và quyết định cho thuê đất thực hiện Dự án chưa nắm bắt, đánh giá, về hiện trạng mặt bằng của Dự án có liên quan đến Cảng thủy nội địa Phú Thái và điều kiện kinh doanh bến bãi tại vị trí đất thực hiện dự án đầu tư để báo cáo với cơ quan chức năng và UBND tỉnh xem xét xử lý trước khi có quyết định cấp Giấy chứng nhận đầu tư và Quyết định cho thuê đất, Công ty Thế Anh khi lập dự án xây dựng cảng không có ý kiến bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa là thực hiện chưa đúng quy định tại khoản 3, Điều 13 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004: "Tổ chức, cá nhân khi lập dự án xây dựng cảng, bến thủy nội địa phải có ý kiển bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa". Bởi những nguyên do căn bản trên phải chăng, dự án của Cty Thế Anh vấp không triển khai được dự án.
Mặt khác Công ty thế Anh không làm báo cáo, xin ý kiến chính quyền địa phương về thực hiện dự án đầu tư và đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết vướng mắc về đất đai đối với diện tích 12.404 m2 (tương ứng K16+376 đến K16+450 đê hữu sông Kinh Môn thuộc UBND thị trấn Phú Thái) do có sự chồng lấn về phạm vi lập bến bãi giữa Quyết định 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 của UBND tỉnh cấp phép cho ông Đặng Đức Chúc từ tháng 01/2004 và Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 21/3/2008 của UBND tỉnh đã cấp phép cho Công ty Thế Anh.
Tại kết luận cũng chỉ rõ những vi phạm, thiếu sót của cấp tham mưu lập quy trình là Sở KH&ĐT Hải Dương. Kết luận nêu rõ: "Công tác thẩm định và tham mưu cấp Giấy chứng nhận đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có một số thiếu sót; Dự án chưa có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về giao thông đường thủy nội địa theo quy định toại khoản 3, Điều 13 Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004 và không phối hợp với chính quyền địa phương (UBND huyện Kim Thành và UBND thị trấn Phú Thái) khảo sát thực địa khu đất dự kiến thực hiện dự án của Công ty Thế Anh; chưa làm rõ về điều kiện thực hiện Dự án đối với việc sử dụng đất bãi ngoài đê liên quan đến quy định của Luật Đê điều nhưng vẫn tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận dự án đầu tư cho Công ty Thế Anh là thiếu thận trọng và chưa thực hiện đầy đủ quy trình theo quy định tại Quyết định số 1019/2003/QĐ-UBND ngày 11/4/2003 của UBND tỉnh. Mặt khác chưa thực hiện đầy đủ nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 92/TB-VP ngày 06/6/2016 về giải quyết vướng mắc, tồn tại đã có đề xuất chuyển Dự án Cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng cho Công ty TNHH Quyền Phúc là rất thiếu thận trọng.
Việc chuyển Dự án Cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng từ Công ty Thế Anh sang cho Công ty TNHH Quyền Phúc đã được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo tại Thông báo số 92/TB-VB ngày 06/06/2016, tuy nhiên Công ty Thế Anh và Công ty TNHH Quyền Phúc không thực hiện được việc hoàn thiện hồ sơ và các nội dung theo chỉ đạo của UBND Tỉnh. Sở KHĐT thực hiện chưa đầy đủ nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại thông báo số 92/TB-VP ngày 06/06/2016 về "... kiểm tra, rà soát, xác định mối quan hệ, ... yêu cầu Công ty Thế Anh giải quyết mọi tồn tại, trách nhiệm liên quan đến dự án..." đã trình UBND tỉnh ban hành thông báo số 101/TB-UBND ngày 05/07/2018, điều chỉnh giãn tiến độ thực hiện Dự án đến ngày 30/6/2019 là chưa đảm bảo quy định và không khả thi.".
Đặc biệt, Kết luận cũng nhấn mạnh, việc thu hồi và cho Công ty Thế Anh thuê đất trong đó có 12.404,0 m2 cũng không hợp pháp, điều này cũng được thể hiện rất rõ trong Kết luận thanh tra số 519/KL-TTr ngày 12/8/2019…
Văn phòng UBND tỉnh trước khi trình lãnh đạo UBND tỉnh ký không phát hiện một số nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật và chồng chéo giữa các đơn vị và vị trí cấp phép tại khu vực đất bãi ngoài sông thuộc thị trấn Phú Thái (Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004; Quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 21/3/2008); tham mưu cho Chủ tịch tỉnh ký Quyết định số 4778/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 về việc thu hồi đất và cho Công ty Thế Anh thuê đất chưa đúng với Điều 37 và Điều 44 Luật đất đai năm 2003 (thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cho thuê đất là UBND tỉnh); chưa chủ động tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc các sở ngành có liên quan và UBND huyện Kim Thành tham mưu, giải quyết những vướng mắc giữa dự án do ông Chúc làm chủ đầu tư và Công ty Thế Anh làm chủ đầu tư. Việc chậm giải quyết vướng mắc cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình phức tạp khó giải quyết kéo dài vụ việc.
Sai phạm đối với Dự án của Công ty Thế Anh là rất nghiệm trọng, sai phạm được Thanh tra tỉnh chỉ ra rất nhiều, hậu quả gây ra không nhỏ trong đó có cả đối với dự án của gia đình ông Chúc nhưng Thanh tra tỉnh nhận định trách nhiệm, xác định trách nhiệm hướng xử lý khắc phục vi phạm lại chưa tương xứng với mức độ sai phạm mà Chủ đầu tư và đặc biệt là các cơ quan nhà nước đã mắc phải.
Chính vì vậy, theo phân cấp xử lý sự việc theo thẩm quyền đã đến lúc cần sự vào cuộc của cơ quan cấp trung ương như: Thanh tra Chính Phủ, và các Bộ ngành liên quan cần vào cuộc xử lý dứt điểm sự việc trên. Có như vậy, mới lập lại trật tự, tránh khiếu kiện kéo dài, đặc biệt giải quyết dứt điểm sẽ lấy lại uy tín về một môi trường xúc tiến đầu tư lành mạnh.
(Báo Dân Sinh sẽ tiếp tục thông tin ở các bài báo tiếp theo!)