CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:24

Tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch

Ở quận Gò Vấp, TP.HCM, nơi đang thực thiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, chị Lê Thị Như Khương (33 tuổi), Giám đốc một công ty chuyên cung cấp suất ăn cho công nhân và học sinh, đã quyết định "tạm nghỉ" làm giám đốc để đảm nhiệm công việc... phụ bếp cho các nhân viên của mình, nhằm mỗi ngày chuẩn bị khoảng 250 suất ăn để gửi đến các điểm phong tỏa, chốt phòng chống dịch.

Tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch - Ảnh 1.

Tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch

Chị Khương cho biết, để đảm bảo chất lượng bữa ăn, chị cùng các cộng sự thường xuyên thay đổi thực đơn, luân phiên các món như: thịt heo, sườn non, sườn cốt lết, thịt gà, trứng, thịt bò, canh hạt sen… Chồng chị Khương là anh Lê Trần Tuấn (35 tuổi) làm shipper đem cơm đến từng phường để các cán bộ phân phát đến tận tay những người đang làm nhiệm vụ. Vợ chồng chị tâm niệm, việc làm của mình là nhằm tri ân các y, bác sĩ, cán bộ, tình nguyện viên... ở tuyến đầu đang làm việc vất vả, với mong muốn quận Gò Vấp sớm trở lại cuộc sống bình thường.

Cũng ở quận Gò Vấp, anh Phạm Minh Hiền, 34 tuổi, chủ một nhà hàng trên đường Lê Đức Thọ, phường 17 đang ngày ngày cùng 1 người bạn là chủ một doanh nghiệp kinh doanh nông sản và 1 nhân viên chế biến 145 suất ăn gửi tới các chiến sĩ công an, dân quân đang làm nhiệm vụ ở các điểm cách ly trong địa bàn quận. Được biết anh Hiền vừa khai trương nhà hàng tháng trước. Khi Thành phố bắt đầu xuất hiện thêm nhiều ca bệnh mới, công việc kinh doanh khó khăn. Tình hình dịch ở quận Gò Vấp trở nên phức tạp, chứng kiến lực lượng công an, dân quân làm nhiệm vụ ở những nơi đó vất vả, anh Hiền quyết định nấu cơm tặng họ.

Ở TP Thủ Đức, nhóm Xanh Việt Nam bao gồm một số bạn trẻ tự tay làm 1.000 hộp muối mè để gửi tặng vùng "tâm dịch" Bắc Giang. Để có thể hoàn thành 1.000 hộp muối mè, đậu phộng, Ánh cùng các thành viên kêu gọi người dân hỗ trợ và được rất nhiều người đồng tình, tham gia. Ánh nói, ngoài khách hàng thân thiết của mình, các cô giáo, người dân nơi cô thuê trọ đều chung tay đóng góp sức lực. Kèm mỗi hộp muối mè là một dòng chữ chứa đựng nhiều ý nghĩa, nhắn gửi yêu thương và động viên tinh thần những bác sĩ và người dân đang chiến đấu với dịch bệnh ở tuyến đầu.

Trong đợt dịch bùng phát lần này, người sáng lập ATM gạo, anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc Công ty PHGLock (quận Tân Phú, TP.HCM) đã bán chiếc xe Mercedes mua xe bán tải để tiện chở máy ATM gạo đi cứu trợ ở các vùng "tâm dịch" như phường Thạnh Lộc, Quận 12 và quận Gò Vấp. Anh chia sẻ: "Trước tình hình dịch lây lan nhanh hơn, nguy hiểm hơn, mình suy nghĩ để làm máy tốc độ cao hơn. Cùng một máy nhưng hai người nhận được một lúc, ở hai bên giúp tránh việc ùn ứ tạo đám đông".

Suốt 1 năm qua, Công ty PHGLock cũng đã hỗ trợ xuyên suốt từ Hải Dương, Bắc Ninh, Long An, Nghệ An, Quảng Trị, TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội... trích hết lợi nhuận cho các chương trình từ thiện: ATM gạo, ATM khẩu trang... Lần này, trước mắt công ty chỉ có thể hỗ trợ được 3 tấn gạo ban đầu cho các quận của TP.HCM, nhưng được sự góp sức của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mà anh là thành viên nên hy vọng sẽ huy động thêm được vài trăm tấn gạo cho người dân Thành phố.

Những hành động thiết thực của người dân khắp mọi miền đất nước đang tiếp thêm nguồn sức mạnh to lớn cho những chiến sĩ nơi tuyến đầu, chính là nguồn sức mạnh to lớn để cả dân tộc cùng hướng tới mục tiêu chiến thắng dịch bệnh trong một ngày không xa...

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh