CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:07

Tiếp nhận người bán dâm bị lạm dụng vào cơ sở bảo trợ xã hội: Đà Nẵng làm đúng luật

 

* Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục lao động xã hội hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc nhưng Đà Nẵng lại cho tiếp nhận họ vào cơ sở này. Như vậy có đúng luật không, thưa ông?

- Không phải tất cả gái bán dâm đều đưa vào cơ sở này mà chỉ những người bị các đối tượng khác dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc bán dâm. Khi đó, mình mới đưa họ vào cơ sở bảo trợ để giúp họ từ bỏ con đường đó, không còn bị lợi dụng và bảo vệ khẩn cấp cho họ. Còn với đối tượng bán dâm tự do thì vẫn phạt hành chính, điều này thì luật đã quy định.

Tuy nhiên, thực tế có rất ít gái mại dâm tự do mà hầu hết đều bị “chăn dắt”, bảo kê hẳn hoi. Lâu nay, hầu hết các vụ bắt quả tang môi giới gái mại dâm, các đối tượng dẫn dắt bị xử phạt nhưng rất khó xử lý gái mại dâm.

Chế tài không có nên khó phạt tiền, chủ yếu thả họ ra và họ lại tiếp tục bị “chăn dắt”, lợi dụng và trở về con đường cũ. Điều này đã gây không ít khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc quản lý và ảnh hưởng không nhỏ đến việc phòng, chống tệ nạn xã hội.

Mặt khác, Nghị định 167 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình cho phép tiếp nhận các đối tượng bảo trợ xã hội khác vào cơ sở bảo trợ xã hội.

Trong đó, đối tượng bảo trợ xã hội khác này do Chủ tịch UBND thành phố quy định. Như vậy, Đà Nẵng coi gái bán dâm bị lạm dụng là đối tượng bảo trợ xã hội khác và tiếp nhận vào chăm sóc 3 tháng như Nghị định 167 quy định. Bởi vậy, việc làm này hoàn toàn đúng luật.

* Thưa ông, có chắc là sau khi trở về từ cơ sở bảo trợ xã hội, gái mại dâm từ bỏ con đường này không, bởi nếu chỉ đưa gái mại dâm vào cơ sở bảo trợ xã hội mà không sắp xếp được công ăn việc làm ổn định thì có thể họ sẽ trở lại con đường cũ?

- Chúng tôi sẽ tổ chức dạy nghề cho họ. Các nghề họ có thể học là: may, nấu ăn… Mặc dù quy định thời gian chăm sóc bảo vệ đối tượng tại cơ sở bảo trợ xã hội tối đa không quá 3 tháng, nhưng nếu các đối tượng đăng ký học nghề thì thời gian học tại đây có thể kéo dài 6 tháng, 1 năm, tùy theo các nghề họ đăng ký.

Sau khi họ về địa phương sẽ được hỗ trợ giới thiệu việc làm, vay vốn… để bảo đảm cuộc sống. Ngoài ra, với những đối tượng tuổi cao, ốm yếu, bệnh tật, neo đơn muốn ở lại cơ sở bảo trợ xã hội và có đơn tự nguyện thì được xem xét, tiếp nhận theo quy định.

Tuy nhiên, nếu có trường hợp tìm được địa chỉ, gia đình muốn đón và đối tượng muốn về, có khi chỉ trong vòng 1 tuần sẽ tạo điều kiện để họ về chứ không kéo dài thời gian như quy định.

* Cơ sở bảo trợ xã hội mà ông nói đến, nơi tiếp nhận quản lý chăm sóc các đối tượng trên hoạt động theo mô hình nào? Cơ sở vật chất, con người liệu có đáp ứng được yêu cầu công việc này không, thưa ông?

- Cơ sở bảo trợ xã hội này nằm trên diện tích 3 hecta tại khuôn viên Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Do vậy, Trung tâm Giáo dục-Dạy nghề 05-06 sẽ trở thành trung tâm đa chức năng, tức không chỉ tiếp nhận quản lý người đang cai nghiện mà còn quản lý các đối tượng bảo trợ xã hội.

Tại đây, các đối tượng sẽ được chăm sóc, bảo vệ, được kiểm tra sức khỏe, điều trị các bệnh xã hội, tư vấn tâm lý, tổ chức các hoạt động lao động nhằm rèn luyện sức khỏe, tư vấn giáo dục đạo đức, pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề… để khi trở lại đời thường, họ sẽ có hành trang để hòa nhập và lao động vươn lên tự chủ cuộc sống của mình.

Mục đích chính của Đà Nẵng trong thực hiện công tác này là nhằm xây dựng thành phố an bình, giảm thiểu các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.

* Xin cảm ơn ông!

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh