Tiếp cận, xây dựng Luật Bình đẳng giới bao trùm về giới và tính dục
- Dược liệu
- 11:34 - 15/06/2023
Báo cáo là ấn phẩm của Dự án trao quyền Kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Đối tác giữa chính phủ Australia và Nhóm Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Báo cáo nghiên cứu đưa ra những khuyến nghị cho Luật Bình đẳng giới nhằm xử lý những vấn đề bất lợi đối với các nhóm thiểu số về giới và xu hướng tính dục.
Tại lễ công bố, bà Helle Buchhave, Chủ nhiệm dự án "Tăng cơ hội kinh tế cho phụ nữ Việt Nam" Ngân hàng Thế giới cho biết: Ở mọi quốc gia, kể cả Việt Nam, một số nhóm cư dân phải đối mặt với những rào cản ngăn họ tham gia bình đẳng vào đời sống chính trị, kinh tế và xã hội ở quốc gia của họ. Do định kiến ăn sâu bén rễ và các chuẩn mực xã hội có hại, các nhóm thiểu số về giới và tính dục tiếp tục phải chịu tình trạng phân biệt đối xử, loại trừ về kinh tế và xã hội cũng như nạn bạo lực.
Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành cập nhật Luật Bình đẳng giới năm 2006. Do khung pháp lý hiện hành của Việt Nam định nghĩa bình đẳng giới theo nhị nguyên giới (nam và nữ) mà không đề cập bao trùm xu hướng tính dục, bản dạng giới, thể hiện giới và đặc điểm giới tính (SOGIESC). Việc cập nhật Luật này là cơ hội tốt và là điểm khởi đầu quan trọng để mở rộng phạm vi và định nghĩa về bình đẳng giới bao gồm cả SOGIESC. Yếu tố quan trọng giúp xây dựng xã hội công bằng và toàn diện là hiểu được các trở ngại về pháp lý và thể chế mà các nhóm yếu thế (gồm nhóm thiểu số về giới và tính dục) phải đối mặt, khiến họ không thể tham gia đầy đủ, hưởng lợi và đóng góp cho nền kinh tế trên cơ sở bình đẳng với những người khác.
Để thúc đẩy khả năng bao trùm các nhóm yếu thế trong khung pháp lý của Việt Nam, báo cáo khuyến nghị Luật Bình đẳng giới năm 2006 cần được cập nhật theo góc nhìn liên tầng để giải quyết những bất lợi chung mà các nhóm thiểu số về giới và tính dục đang phải đối mặt. Báo cáo dựa trên kinh nghiệm và dữ liệu quốc tế có liên quan, hoàn thiện thêm bằng dữ liệu hiện có ở Việt Nam, cũng như dựa trên đánh giá về Luật Bình đẳng giới hiện tại và đánh giá các khung pháp lý liên quan. Hướng tiếp cận này bám sát với Hiến pháp của Việt Nam, trong đó công nhận Nhà nước có chính sách đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới và nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới.
Bằng cách cung cấp bằng chứng và kinh nghiệm quốc tế cho đánh giá giới, báo cáo có mục đích hỗ trợ Bộ LĐ-TB&XH giải quyết các bất bình đẳng hiện nhóm người LGBTI (đồng tính, song tính, chuyển giới và liên giới tính) phải đối mặt ở Việt Nam và giúp Luật Bình đẳng giới sửa đổi có tính bao trùm hơn với các nhóm thiểu số về giới và tính dục.
Các bằng chứng cho thấy học sinh LGBTI Việt Nam phải đối mặt với tỷ lệ lạm dụng và bắt nạt bằng hành động thể chất và lời nói cao. Theo khảo sát năm 2015 của Viện Nghiên cứu xã hội, Kinh tế và Môi trường, trong số 2.363 người tham gia, 2/3 người từng nghe những lời bình phẩm, kỳ thị đồng tính từ bạn bè và 1/3 đã chứng kiến hành vi tương tự từ giáo viên và cán bộ trường. Nghiên cứu năm 2013 của Trung tâm Sức khỏe và Dân số cho thấy, hơn 50% người tham gia cho biết trường học của họ không phải là môi trường an toàn cho học sinh LGBTI. Vấn đề bắt nạt và bạo lực học đường có thể tổn hại đến sức khỏe tinh thần của học sinh LGBTI, ảnh hưởng đến kết quả học tập và khiến một số học sinh bỏ học hoặc thậm chí tìm cách tự tử. Cũng trong nghiên cứu nói trên, 43% học sinh chịu bạo lực học đường cho biết các em không học tốt ở trường và một số phải bỏ học. Theo Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, 85% học sinh chuyển giới nam sang nữ từng bỏ học và không thể tốt nghiệp trung học vì bị tấn công và bắt nạt.
Báo cáo mở đầu với phần đánh giá dữ liệu hiện có về nhóm người LGBTI trên toàn thế giới, gồm những thách thức nghiêm trọng mà họ phải đối mặt. Sau khi trình bày về tác động kinh tế của các chính sách mang tính bao trùm, báo cáo phân tích các khung chính sách quốc tế về bao trùm SOGIESC. Tiếp theo báo cáo phân tích khung pháp lý cho việc bao trùm SOGIESC tại Việt Nam và đánh giá những lỗ hổng của chính sách này trong Luật Bình đẳng giới hiện hành. Báo cáo đề xuất các khuyến nghị cụ thể để đưa Luật Bình đẳng giới trở nên bao trùm hơn với nhóm người LGBTI. Mỗi khuyến nghị đều gắn với dữ liệu, bằng chứng và các ví dụ liên quan về thực hành quốc tế tốt trong mối tương quan với bối cảnh Việt Nam. Báo cáo cũng nêu bật những tác động rộng hơn của việc đưa SOGIESC vào Luật Bình đẳng giới sửa đổi tới các khung pháp lý quan trọng khác tại Việt Nam.
Theo báo cáo, Việt Nam chưa có bất kỳ số liệu ước tính chính thức nào về người LGBTI trong cả nước. Bộ Y tế ước tính cả nước có khoảng 300.000 người chuyển giới. Trong khi khảo sát năm 2019 của các tổ chức phi chính phủ trong nước lại cho thấy, cả nước có gần 500.000 người chuyển giới. Tại Việt Nam, gần một nửa thanh thiếu niên (15 - 24 tuổi) được hỏi cho biết các em tin rằng gia đình sẽ chấp nhận con người thật của mình (42,8%); các em có thể nói chuyện cởi mở về SOGIESC của các em với gia đình (42,8%) hoặc gia đình sẽ nỗ lực để hiểu các em (41,6%).
“Tình trạng phân biệt đối xử với người LGBTI vừa là vấn đề mang tính cá nhân đồng thời là thách thức trong quá trình phát triển kinh tế. Do vậy, việc thúc đẩy các luật bao trùm các nhóm thiểu số về giới và tính dục có ý nghĩa kinh tế quan trọng”- Chủ nhiệm dự án "Tăng cơ hội kinh tế cho phụ nữ Việt Nam", Ngân hàng Thế giới khẳng định.
Các khuyến nghị cải cách chính sách mà báo cáo đưa ra gồm: Mở rộng định nghĩa về bình đẳng giới, trong đó có định nghĩa SOGIESC; công nhận nhóm thiểu số về giới và tính dục; bảo vệ những người thuộc cộng đồng LGBTI; thực hiện, lồng ghép và thúc đẩy bình đẳng giới mang tính bao trùm.
Tại hội nghị, ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Từ khi được ban hành, Luật Bình đẳng giới đã góp phần tăng cường nhận thức, trách nhiệm và hành động của nhà nước, xã hội, người dân trong thúc đẩy bình đẳng giới. Kết quả thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Việt Nam được công đồng quốc tế đánh giá là quốc gia thực hiện khá tốt bình đẳng giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện bình đẳng giới cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc xuất phát từ các quy định và thực tiễn thi hành chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Định kiến giới, khuôn mẫu giới còn khá phổ biến từ trong gia đình tới xã hội; kết quả thực hiện bình đẳng giới trong các lĩnh vực chưa bền vững, còn khoảng cách giới giữa vùng miền, nhóm đối tượng yếu thế…
Ông Lê Khánh Lương cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương về sửa đổi Luật Bình đẳng giới phù hợp với pháp luật của Việt Nam và các Công ước quốc tế về quyền con người. Vác vấn đề chính sách sửa Luật Bình đẳng giới được đề xuất như: Hoàn thiện nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới phù hợp với mục tiêu pháp triển kinh tế - xã hội bền vững, bao trùm của đất nước; bảo đảm lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc lồng ghép giới…