Tiếng xuân tha thiết giữa trùng khơi
- Y học 360
- 09:28 - 23/01/2023
Ở nơi này bốn phía trời mây…
Trong hải trình đến với Trường Sa, Song Tử Tây thường là đảo đầu tiên đón các đoàn đại biểu. Khi chúng tôi đang xem duyệt đội ngũ, ai đó nói bên tai: “Các đồng chí đang tiến về phía trước kia là lính ra đa đấy!”. Ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là hình ảnh những người lính chỉnh tề trong màu áo xanh không quân dìu dịu. Đó như màu của bầu trời quang đãng, trong trẻo và nhẹ nhõm. Tôi tìm gặp họ, những người lính đang tiếp khách thăm đảo dưới tán phong ba. Như thói quen, tôi đưa máy ảnh lên chớp vài kiểu, lính ra đa vui tính và tinh tế, đồng loạt nhìn máy ảnh cười rất tươi. Xong xuôi, các anh ngỏ lời xem ảnh, vừa xem vừa cười. “Ảnh đẹp đấy, nhưng cứ thiêu thiếu, nhà báo chụp cùng bộ đội vài tấm kỷ niệm đi”. “Ôi kìa, hai đồng chí kia ngồi gần vào chút, đòi chụp ảnh chung sao lại xa xôi thế này...”. Cuộc vui đượm hơn, một vài người lính hát cho chúng tôi nghe: Ở nơi này bốn phía là trời mây/Ăng ten đứng đưa mắt nhìn lặng lẽ/Cao hơn núi chúng tôi người lính trẻ/Chiến sĩ ra đa nơi biển, chốt biên thùy... Trong số đó, có người lính trẻ lắm, gương mặt toát lên vẻ hồn nhiên. Cậu tự giới thiệu: “Em tên Hùng, quê Thái Nguyên. Tết này là Tết đầu tiên ở đảo của em đấy! Lúc đó, chị nhớ mở điện thoại ra, gửi cho em chút gió lạnh miền Bắc nhé!”. Giây phút ấy tôi xúc động đến gai người khi nghe chàng lính nói. Lâu nay, người ta chỉ thường nhắn nhủ nhau gửi nụ cười, hơi ấm, còn cậu thì cần chút se sắt gió mùa. Cơn gió trong tưởng tượng ấy đã lướt qua tôi, từng vệt tỏa lan, biển ngoài kia ầm ì sóng vỗ.
Bộ đội giờ có điện thoại kết nối mạng nhưng không vì thế mà họ thôi trông đợi những lá thư. Trong đất liền, nhiều tổ chức phát động phong trào “cánh thư gửi đảo xa” nên lứa bộ đội đầu tiên ra thay quân đã nhận được thư ngay trong cái Tết đầu tiên. Chính trị viên của đảo là người tiếp nhận, chia thư về từng phân đội. Bộ đội thích thú, bất ngờ lắm. Những em nhỏ mới học cấp 1 lời lẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu, lắm khi cả chục em đều viết giống nhau. Các em học sinh cấp 2 đã biết làm bưu thiếp. Từng cánh thư mở ra, thấy trong đó bông hoa bàng vuông dần nở. Riêng thư của học sinh cấp 3 thì sự chia sẻ là thực sự gần gũi, các em chỉ kém bộ đội vài ba tuổi. Hầu hết thư đều bày tỏ niềm mong mỏi nhận thư về từ Trường Sa. Lính đảo đến từ khắp mọi miền đất nước, lính Nam nhận thư từ Bắc, lính Trung nhận thư cộp dấu Thủ đô. Mấy anh lính dân tộc Chăm, dân tộc Ê đê càng thấy lạ lẫm, mở mang hơn qua những cánh thư vượt nghìn trùng sóng biển. Bộ đội chưa biết vùng đất đấy thế nào, qua những cánh thư đầy cảm xúc, giữa Biển Đông họ tưởng tượng ra và như biết khắp các tỉnh, thành Tổ quốc.
Đến với đảo An Bang, qua hỏi chuyện, chúng tôi được biết người lính hào hứng bê chậu quất xuân tên là Thắng, quê huyện Văn Giang (Hưng Yên). Anh bùi ngùi tâm sự, người ở đảo xa thấy một cái cây từ quê nhà vượt muôn trùng sóng dữ vào đảo như thấy quê hương hiện hữu, gần kề. Cây quất anh ôm vào lòng suốt ngày tháng qua đã vượt hành trình đầy cam go, bão tố. Biết bao nâng niu, gìn giữ từ khâu đánh gốc, vận chuyển lên ô tô, tàu hỏa, chăm tưới trên tàu, cho cây “uống” thuốc B1, lá bọc phải nửa kín nửa hở, nilon phải chọn màu trắng để cây vẫn quang hợp được. Vào tới cảng Cam Ranh, cây còn sống, hú vía lắm rồi, nhưng vẫn còn cả chặng đường dài thấp thỏm bốc dỡ từ cầu cảng xuống, đưa lên ô tô trung chuyển rồi lên tàu, đối diện với gió biển, nước mặn, lá úa tơi bời, đồng loạt trút sạch. Cây mang lên đảo, bộ đội rưng rưng. Họ ôm cây trong lòng như ôm đứa con thơ, như ôm trọn tin vui mùa xuân nơi đất mẹ.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”
Kỹ sư Trần Vũ Thành, người chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt đã có hàng chục chuyến công tác đến với quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 tâm sự, đến với biển đảo dịp gần Tết, có rất nhiều kỷ niệm, nhưng anh nhớ nhất khi vừa bước chân lên tàu đã nhác trông thấy đội bếp chuyển từng lọ muối vừng rất lớn, đường kính dễ vài chục centimet, chiều cao phải nửa mét lên kệ. Trước những cặp mắt ngạc nhiên, bộ đội giải thích: “Trong những chuyến sóng gió dữ dội, nhà bếp cần chuẩn bị chu đáo để nếu ai không ăn uống được gì thì còn có thể lót dạ chút cơm trắng muối vừng, các đồng chí cứ trải nghiệm đi, rồi sẽ thấm…”.
Sau lễ tiễn đoàn công tác được tổ chức trang nghiêm, tàu bắt đầu rời cảng. Từng đợt sóng vây bủa dồn dập theo cấp độ tăng dần, trên ca bin, sóng đánh mờ mịt cửa kính, các thủy thủ phải dùng gạt nước liên tục. Ai nấy đều choáng váng, cảm nhận được cơn say sóng nên vừa nãy còn phơi phới ngắm biển, chụp ảnh trên boong tàu giờ đã nhanh chóng trở về phòng. Loa phát thanh nội bộ thông báo: “Tàu đang đi ngang sóng, tổ bếp chằng buộc vật dụng kỹ càng”. Bỗng có tiếng loảng xoảng lớn, âm vang đến cả tầng trên, tầng hầm… loa phát thanh tiếp tục vang lên, báo tin bữa tối sẽ chậm một tiếng so với dự định. Dường như ai cũng hiểu điều gì đã xảy ra. Tàu chỉ có bốn thành viên tổ bếp nấu ăn cho gần 100 đại biểu, công việc ấy thật chẳng dễ dàng, nhất là giữa mùa biển động.
Trong chuyến đi này, gần cuối hành trình, tất cả các đại biểu đều chứng kiến một tình huống khó quên. Đồng chí Nguyễn Văn Nhật, Chỉ huy phó Nhà giàn DK1/12 đang có mặt trên tàu sau chuyến về phép thăm vợ sinh con. Anh nhận nhiệm vụ rời tàu, trở về nhà giàn bằng phương án bơi. Khi anh bước ra hành lang tàu, mọi người mới ngỡ ngàng biết người lính ấy còn có anh trai chính là đồng chí Đức, thuyền phó. Hai anh em ruột chung chuyến tàu nhưng ai cũng chất trên vai nhiệm vụ, tình cảm ruột thịt được thể hiện tiết chế lắm. Buổi ấy, họ mới chuyện trò với nhau lâu hơn chút. Đức căn dặn em mấy câu bằng giọng miền Trung ấm áp rồi chạy vội vào phòng lấy đôi găng tay mới tinh đưa cho Nhật.
Sau hiệu lệnh của thủ trưởng đoàn, Nguyễn Văn Nhật tự tin và mạnh mẽ lao xuống dòng nước. Mặt biển thẫm lại, sóng cồn cào dữ dội, niềm tin và sức mạnh con người gửi trọn vào một sợi dây nối tàu với Nhà giàn mà người chiến sĩ đang bám chặt, cố sức nhoài về phía trước. Cách đó ít phút, những bao hàng vừa ném xuống biển đã bị kéo đi cả trăm mét. Sợi dây người lính bám chặt để trở về “nhà” cứ neo mãi trong lòng người. Đó như sợi dây nối những mùa xuân. Giờ khắc anh từ lòng biển sũng ướt bước lên Nhà giàn như một bức tượng đồng đẹp đẽ và xung quanh như tỏa ánh hào quang, như có muôn vàn đóa sen thơm bung cánh. Người của biển lại về với biển. Trông anh lừng lững, oai dũng giữa biển xanh và ánh sáng mặt trời. Mọi người nhìn ánh mắt đồng chí Đức, anh trai Nhật, thấy ngời lên niềm tin cậy, hân hoan đến nghẹn ngào.