THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 03:35

Tiếng hát át nỗi đau

 

Các thành viên CLB hát mừng thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bài hát “Đồng đội ơi” của nhạc sĩ Quỳnh Hợp được các “nghệ sĩ thương binh” hát vang lên đúng ngày kỷ niệm 19 năm thành lập CLB Tiếng hát thương binh Thủ đô và kỷ niệm 69 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội. Tham dự lễ kỷ niệm, lắng nghe những ca khúc viết về người lính, những hy sinh, mất mát của chiến tranh, không ai cầm nước mắt. Đúng như lời của Chủ nhiệm CLB “Nghệ sĩ thương binh” Nghiêm Huy Tiến chia sẻ: “CLB Tiếng hát thương binh được lập ra để hát cho nhau nghe, hát để vơi đi những mất mát của chiến tranh, hát để lạc quan yêu đời....”.

Hát để xoa dịu nỗi đau

Thương binh 2/4 Nguyễn Tắc Kỷ, Phó Chủ nhiệm CLB phấn khởi khi ôn lại truyền thống của CLB: “Được thành lập năm 1997, hiện CLB tập hợp được 30 anh chị em là cựu chiến binh, thương binh, đã tham gia kháng chiến và một số quân nhân nghỉ hưu. Chúng tôi hoạt động trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Văn hóa thành phố, đã tham gia nhiều hội diễn thương binh, đi biểu diễn ở các trung tâm điều dưỡng thương binh, trại nuôi dưỡng trẻ mồ côi, biểu diễn tại một số kỳ họp Quốc hội.

Đặc biệt CLB được chọn biểu diễn tiết mục mở màn cho Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”. Đây là tổ chức nghệ thuật không chuyên, nên thời kỳ đầu CLB gặp không ít khó khăn như không có địa điểm tập cố định, không có cố vấn nghệ thuật, không có nhạc cụ, loa, đài... Tuy nhiên, trước sự nhiệt tình của các thành viên trong đoàn  và được sự hỗ trợ tích cực của các đồng chí phụ trách Trung tâm Văn hóa Thủ đô, nên CLB dần lớn mạnh. Cảm động nhất là sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, đồng thời là cựu chiến binh như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu... đã khen ngợi và tặng đoàn một số nhạc cụ và thiết bị âm thanh. Đây là nguồn động viên to lớn đối với anh em thương bệnh binh.

Biểu diễn kỷ niệm 19 năm thành lập CLB và Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

CLB Tiếng hát thương binh tròn 19 tuổi thì thương binh Nghiêm Huy Tiến có 18 năm gắn bó với CLB. Nay được anh em trong CLB tín nhiệm bầu giữ chức Chủ nhiệm CLB. Trung úy Nghiêm Huy Tiến không giấu được xúc động khi nhớ về những ngày đầu thành lập CLB. Năm 1997, thương binh Phạm Văn Thảo trò chuyện cùng bạn công tác tại Cung Văn hóa thanh niên Hà Nội về nguyện vọng muốn có một CLB để anh em thương binh hát cho nhau nghe để xoa dịu nỗi đau, những mất mát của chiến tranh.

Được sự ủng hộ của bạn, đồng chí Phạm Văn Thảo cùng 22 anh em thương binh đến tập văn nghệ ở Cung Văn hóa thanh niên. Anh em thương binh ai cũng vui, say sưa tập luyện. Các nhạc sỹ Trọng Bằng, An Thuyên, Cát Vận... tình cờ biết chuyện, hết sức ủng hộ anh em. Vài ngày sau, buổi diễn đầu tiên của CLB diễn ra tại Cung Văn hóa thanh niên, người xem đông nghịt. Tiếng hát của những chiến binh trở về sau cuộc chiến gây xúc động đến bất ngờ. Những ca khúc “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, “Về thăm mẹ”... vang lên từ trái tim người lính. Những “nghệ sỹ xe lăn” không chuyên, thương tật đầy mình hát về một thời hào hùng. Đó là đêm diễn không bao giờ quên trong ký ức của nhiều người Hà Nội. Sau đêm diễn đầu tiên đầy thành công đó, thể theo nguyện vọng của anh em thương binh, CLB Tiếng hát thương binh Thủ đô ra đời.

Khát khao được hát cho đồng đội nghe...

Suốt 19 năm qua, CLB biểu diễn khắp Bắc, Trung, Nam hàng trăm lần. CLB còn được mời biểu diễn phục vụ họp Quốc hội, hát trên truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, đến những đơn vị bộ đội hát, giao lưu với chiến sỹ trẻ, về biểu diễn ở nhiều trung tâm điều dưỡng thương bệnh binh, hát ở những vùng thôn quê, hát cho nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng vơi đi nỗi đau mất con, mất chồng... Về những kỷ niệm đi biểu diễn hát cho đồng đội nghe, Chủ nhiệm CLB Nghiêm Duy Tiến kể: “Một lần, 2 đoàn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng biết tiếng các “nghệ sỹ” đã đến thăm CLB. “Cả một đời cha đi bộ đội, quà về cho mẹ là mái tóc pha sương...”, “Nghệ sỹ” Xuân Bổng (mù hai mắt, phế hai tay) cất lên lời hát đã khiến những người mẹ nức nở. Lại nhớ có lần, anh em được mời đến nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hát chúc thọ Đại tướng. Nghe hát, vị tướng già nét mặt sáng lên tươi vui lạ lùng, hết lời khen ngợi: “Các chú đánh giặc đã rất giỏi. Nay thương tích thế này mà vẫn lạc quan yêu cuộc sống, chính các chú là những người phát huy tuyệt vời nhất bản sắc dân tộc này. Bộ đội Cụ Hồ phải thế chứ...”.

Những buổi biểu diễn của CLB không bán vé, không quảng cáo nhưng luôn chật kín khán giả. Hát để vơi đi nỗi đau chiến tranh, những anh em đầy thương tích trên mình còn muốn vượt lên bao khó khăn thường ngày và làm dịu lại muôn vàn mất mát ngay trong thời bình. Có lẽ, CLB đã trở thành “đoàn nghệ thuật” thiếu thốn nhất: Không xe ôtô đưa đón, không có kinh phí hoạt động, không kinh doanh...

Thành viên CLB tham gia hội diễn.

Mỗi lần anh em đi tập, đi biểu diễn, người đi xe ôm, người đi xe máy, người bị thương nặng thì đi xe ba bánh, xa hàng chục cây số... Nhạc cụ, máy móc thì anh em bỏ tiền túi ra thuê taxi chở đi... Bước chân người lính trở về sau chiến tranh như được tiếp thêm sức mạnh, rong ruổi những nẻo đường đến với đồng đội và những miền quê. Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đến thăm CLB rất cảm động nắm tay từng anh em và nói: “Tôi khâm phục các đồng chí. Tiếng hát vẫn át tiếng bom...”. Sau buổi ấy, Chủ tịch nước đề nghị UBND TP Hà Nội mua tặng CLB một dàn trang âm. Đến nay đã hơn chục năm, dàn âm thanh đã xuống cấp trầm trọng nhưng thiếu kinh phí nên anh em vẫn phải dùng để luyện tập. Còn khi đi biểu diễn anh em lại phải bỏ tiền thuê dàn âm thanh ở ngoài.

Bác Nguyễn Thị Cư Nhung, bộ đội xuất ngũ, trở thành thành viên nhiệt huyết của CLB chia sẻ: Anh em hội viên CLB tham gia bằng tất cả đam mê và nhiệt huyết để hát cho đồng đội nghe, hát cho những gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và hát để giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ. Đều đặn hàng tuần, anh chị em trong CLB chiều thứ 3 và thứ 7 tập trung tại Trung tâm Văn hóa Hà Nội 88 Hàng Buồm để luyện tập. Trước đây tất cả các thành viên trong CLB đều là thương binh nhưng nay thế hệ các bác đã yếu nên 30 thành viên nay chỉ còn 6 thương binh. Mặc dù có những bác thương binh nhà cách điểm tập 15 - 20km nhưng không bỏ buổi nào. “Chúng tôi chủ yếu biểu diễn sân khấu ngoài trời những dịp chào mừng ngày lễ lớn đất nước: Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/5, chào mừng ngày Quốc tế lao động 1/5, chào mừng thành công Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội... Nhiều hôm 17 giờ đã phải đi biểu diễn nhưng các con chưa về trông cháu, tôi chở luôn 3 cháu lên đến điểm biểu diễn cùng bà. Đến nơi, gửi cháu cho khán giả trông, còn mình vào hậu trường trang điểm rồi lên sân khấu hát. Được hát cho đồng đội nghe chính là khát khao lớn nhất của các thành viên trong CLB. 

CLB Tiếng hát thương binh tham gia nhiều hội diễn do TP Hà Nội tổ chức và được tặng thưởng hàng chục huy chương vàng. Nhiều thành viên CLB đã trở thành hạt nhân tích cực xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng ở địa phương. Những buổi biểu diễn phục vụ chính trị của CLB đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. CLB được Bộ LĐ-TB&XH, UBND TP Hà Nội và các sở, ban, ngành tặng nhiều bằng khen và giấy khen.

VÂN KHÁNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh